Bộ trưởng Nội vụ Lê Vĩnh Tân giải trình thêm về vấn đề tôn giáo. (Ảnh: TTXVN).
Là cơ quan được Chính phủ giao quản lý nhà nước về tín ngưỡng, tôn giáo, ông Lê Vĩnh Tân cho biết “theo các báo cáo” thì “chưa phát hiện” hành vi kinh doanh chùa hay cán bộ góp tiền xây chùa để kinh doanh.
“Có ý kiến hỏi có kinh doanh chùa hay không? Thưa Quốc hội, theo quy định của pháp luật VN và Hiến chương của Giáo hội Phật giáo VN thì không có kinh doanh chùa. Thực hiện chức năng quản lý nhà nước về hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo, Bộ Nội vụ chưa phát hiện hành vi kinh doanh chùa để trục lợi”, Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân khẳng định.
Bộ trưởng cũng dẫn báo cáo của Ban Tôn giáo Chính phủ “hiện chưa phát hiện công chức, cán bộ góp tiền xây chùa để kinh doanh trục lợi”.
Tuy nhiên, Bộ trưởng thừa nhận tình trạng một số cá nhân có lợi dụng cơ sở thừa tự Phật giáo, niềm tin của phật tử để hoạt động mê tín dị đoan, trục lợi, gây bức xúc trong dư luận xã hội.
Hoà thượng Thích Bảo Nghiêm, ĐBQH TP Hà Nội nói về "chùa BOT". (Ảnh: TTXVN).
Hòa thượng Thích Bảo Nghiêm, Phó chủ tịch Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo VN, cũng khẳng định “không có chùa BOT”.
“Là một ĐB Quốc hội, một tu sĩ Phật giáo, Phó chủ tịch Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo VN, tôi xin trân trọng báo cáo trước Quốc hội và cử tri cả nước rằng tất cả các chùa trên phạm vi cả nước đều do Giáo hội Phật giáo VN, Giáo hội Phật giáo các địa phương cùng nhân dân địa phương xây dựng và quản lý.
Không có chùa nào nằm ngoài hệ thống này, đặc biệt khẳng định không có một chùa nào có sự góp vốn đầu tư xây dựng từ những cá nhân, công chức, tập thể với mục đích kinh doanh mà ĐB nêu bằng một cụm từ rất mới, rất lạ là chùa BOT”, hòa thượng Thích Bảo Nghiêm nói và cho biết thêm, mặc dù rất ít, nhưng cũng có những “con sâu làm rầu nồi canh”.
Những hiện tượng sai lệch giáo luật của một số nhà tu hành tại các chùa, ứng xử chưa phù hợp với phật tử đến lễ chùa, đều đã được Giáo hội Phật giáo VN nhắc nhở, xử lý, kỷ luật nghiêm khắc theo Hiến chương và nội quy của giáo hội.
Ngay sau đó, ĐB Trương Trọng Nghĩa (TP HCM) đã giơ biển tranh luận, đề nghị Chính phủ trả lời rõ, quản lý sở hữu công trình tâm linh như thế nào để đảm bảo hoạt động tâm linh một cách chân chính, đảm bảo quyền của người dân đến các cơ sở tâm linh mà không bị chặt chém. Do thời gian đã hết, câu hỏi của ĐB Nghĩa sẽ được Chính phủ trả lời bằng văn bản.
Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện: "Tôi không biết có di tích nào của nhà nước mà tư nhân thu tiền"
Trả lời chất vấn của ĐB Triệu Thế Hùng (Lâm Đồng) về giải pháp giải quyết tình trạng chủ đầu tư nhiều dự án du lịch đang biến những di sản văn hóa quốc gia và di sản đã được quốc tế công nhận thành lợi ích tư nhân, chặn cửa thu tiền, Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện nói: "Tôi không biết nơi nào, dự án nào, khu di tích nào của nhà nước mà tư nhân thu tiền".
"Theo quy định hiện hành, đối với các khu di tích, di sản văn hóa của nhà nước có một số nguồn thu như phí và lệ phí thì căn cứ theo luật, nộp vào ngân sách nhà nước, chứ không có tư nhân nào hưởng lợi từ thu phí và lệ phí.
Thu từ sản xuất kinh doanh, các dịch vụ thì phải nộp thuế theo quy định của luật. Còn vấn đề tiền công đức, hiện chưa có văn bản nào quản lý ngoài một thông tư của Bộ VH-TT-DL và Bộ Nội vụ", Bộ trưởng Thiện nói.