Hoàng Kiều mất ngôi người Việt giàu nhất thế giới
Ngay sau cú chào sàn chấn động của doanh nghiệp bán lẻ thuộc Tập đoàn Vingroup (VIC) của ông Phạm Nhật Vượng, khối tài sản của ông Vượng đầu tiên đã tăng chưa lên chưa từng thấy.
Theo Forbes, tính tới 7/11/2017, tổng giá trị tài sản của ông Phạm Nhật Vượng (49 tuổi) là 3,4 tỷ USD, tăng tròn 1 tỷ USD so với trong bảng xếp hạng của tạp chí này hồi tháng 3/2017, và lọt top 700 người giàu nhất trên thế giới.
Với cú bứt phá ngoạn mục này, ông Phạm Nhật Vượng trở thành người Việt giàu nhất thế giới, vượt qua doanh nhân giàu có Hoàng Kiều, thậm chí vượt qua cả giá trị tài sản sản của Tổng thống Mỹ Donald Trump. |
Theo Forbes, tính tới 7/11/2017, ông Hoàng Kiều (73 tuổi) có khối tài sản trị giá 2,8 tỷ USD. Trước đó, hồi cuối tháng 9/2015, ông Hoàng Kiều có khối tài sản lên tới 3,8 tỷ USD. Tuy nhiên, cổ phiếu hãng sản xuất huyết tương Shanghai RAAS Blood Products của doanh nhân Việt kiều này giảm khá nhiều sau cú tăng dữ đội sau IPO đầu năm 2014.
Khi hai đại gia “phố núi” thành "con nợ"
Năm 2016, cả HAGL và Quốc Cường Gia Lai cùng vướng vào vòng xoáy của nợ nần.
Những khoản nợ lớn khiến chi phí lãi vay của HAGL lên cao, bình quân mỗi quý trong năm 2016, HAGL của bầu Đức phải trả tới 400 tỷ đồng tiền lãi vay. Thời điểm đó, HAGL đang có khoản nợ vay lên tới 33.000 tỷ đồng, với hơn 17.700 tỷ nợ ngắn hạn.
Để giải quyết khó khăn HAGL đã phải chia tay mảng kinh doanh quan trọng của tập đoàn là mía đường. Bầu Đức phải bán lại toàn bộ nhà máy tại Lào và mảng mía đường của mình cho Tập đoàn Thành Thành Công với giá 1.330 tỷ đồng
Thêm nữa, bầu Đức phải bán một phần vốn dự án bất động sản HAGL tại Myanmar, bán một phần nhà máy thủy điện Nậm Kong 2 tại Lào, chuyển nhượng 23 triệu cổ phiếu HAG…
Áp lực phần nào được giải tỏa khi đầu năm 2017, các chủ nợ của HAGL đã đồng ý tái cơ cấu nợ vay cho doanh nghiệp này. Từ hơn 12.000 tỷ đồng nợ vay đến hạn, xuống chỉ còn 2.800 tỷ đồng.
Song song với việc cơ cấu nợ, bầu Đức đã chuyển hướng kinh doanh chủ đạo của HAGL từ chăn nuôi sang trồng trọt và có nguồn thu đáng kể.
Cả bầu Đức lẫn Cường "đô la" đều đang gặp khó khăn |
Không khá hơn HAGL, cuối năm 2016, Quốc Cường Gia Lai có khoản nợ phải trả lên tới hơn 4.200 tỷ đồng. Trong đó, gần 1.900 tỷ là nợ vay tài chính, và hơn 1.788 tỷ đồng là nợ vay ngắn hạn.
Nếu so với khoản nợ ngắn hạn của HAGL, khoản nợ của Quốc Cường Gia Lai không quá lớn. Tuy nhiên, nếu so với kết quả kinh doanh của đại gia phố núi này thì Quốc Cường Gia Lai đang gặp khó khăn thật sự với khoản nợ này.
Có những thời điểm, cổ phiếu QCG của Quốc Cường Gia Lai giảm đáy, chỉ ngang cốc trà đá (3.000 đồng/cổ phiếu).
Nguyên do là bởi hàng tồn kho là các dự án bất động sản triển khai dở dang của công ty lên tới hơn 6.800 tỷ đồng, chiếm 77% tổng tài sản.
Không được chủ nợ tái cơ cấu, Quốc Cường Gia Lai buộc phải chuyển nhượng dự án tâm huyết của mình là dự án Phước Kiển để có dòng tiền trả nợ. Tuy chưa đặt bút ký chuyển nhượng chính thức dự án này cho đối tác, nhưng Quốc Cường Gia Lai đã nhận 50 triệu USD tiền cọc.
Ngay khi có khoản tiền cọc từ đối tác, Quốc Cường Gia Lai đã tất toán khoản nợ hơn 1.300 tỷ đồng cả gốc và lãi vay với BIDV cùng nhiều chủ nợ, qua đó giải tỏa gần như toàn bộ áp lực nợ vay.
Đại gia Việt thời nay giá trị tỷ USD
Một kỷ lục chưa từng có của thị trường chứng khoán (TTCK) Việt Nam ngày 7/11, khi ghi nhận 415 triệu cổ phiếu VRE của Vincom Retail, trị giá khoảng 740 triệu USD, được chuyển nhượng chỉ trong một phiên giao dịch. Sự kiện này lập tức đưa doanh nghiệp của tỷ phú Phạm Nhật Vượng lọt top 24 công ty có quy mô vốn hóa tỷ USD trên sàn chứng khoán, lọt top 10 cổ phiếu lớn nhất trên TTCK.
Trước đó, hồi cuối 2016, một loạt doanh nghiệp lớn với quy mô vốn hóa đạt tỷ USD ngay sau khi chào sàn: đại gia xăng dầu Petrolimex gần 3 tỷ USD, "ông lớn" ACV 7 tỷ USD, bia Sabeco gần 8 tỷ USD.
Sự bứt phá về giá của FLC Faros (ROS) cũng giúp ông Trịnh Văn Quyết góp thêm một doanh nghiệp có vốn hóa gần 4 tỷ USD cho TTCK.
Đầu năm 2017, Vietnam Airlines lên UPCOM cũng có vốn hóa khoảng 1,5 tỷ USD. Masan Consumer có vốn hóa gần 1,4 tỷ USD.
Chỉ trong thời gian rất ngắn, hàng loạt doanh nghiệp có vốn hóa tỷ USD xuất hiện đã góp phần giúp TTCK Việt Nam phát triển bùng nổ về mặt quy mô.
Số lượng tỷ phú trên TTCK ghi nhận theo số lượng cổ phiếu trên sàn có 2 người: ông Trịnh Văn Quyết với tài sản quy từ cổ phiếu trị giá 2,7 tỷ USD và ông Phạm Nhật Vượng với 2,1 tỷ USD. Còn theo tính toán của Forbes, Việt Nam có 2 tỷ phú là ông Phạm Nhật Vượng với 3,4 tỷ USD và bà Nguyễn Thị Phương Thảo (CEO hãng hàng không VietJet) với 1,9 tỷ USD.
Con trai ông Trần Bắc Hà từ chức sếp lớn Cảng Quy Nhơn
CTCP Cảng Quy Nhơn (QNP) vừa có thông báo gửi UBCKNN cho biết, ông Trần Duy Tùng không còn tư cách thành viên Hội đồng quản trị (HĐQT) kể từ ngày 1/10 sau khi có đơn xin từ chức hôm 22/9.
Ông Trần Duy Tùng (1985), con trai ông Trần Bắc Hà - cựu chủ tịch Ngân hàng BIDV, được Đại hội đồng cổ đông thường niên CTCP Cảng Quy Nhơn 2017 chấp thuận trở thành thành viên HĐQT sau một thời gian là thành viên tạm thời thay cho ông Trần Tuấn Nghĩa hồi giữa năm 2016.
Ảnh: Vietnamnet |
Tuy nhiên, điều đáng nói ở đây là ông Trần Duy Tùng rút lui khỏi Cảng Quy Nhơn sau khi Chính phủ yêu cầu thanh tra toàn diện việc cổ phần hóa Cảng Quy Nhơn bởi có dấu hiệu thất thoát tài sản nhà nước tại đây. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng hồi tháng 7 cũng đã chỉ đạo khẩn trương thanh tra, kết luận rõ đúng sai trong việc cổ phần hóa Cảng Quy Nhơn.
Thời điểm ông Trần Duy Tùng rút lui khỏi Cảng Quy Nhơn chừng khoảng hơn 1 tháng sau khi xuất hiện tin đồn thất thiệt, ông Trần Bắc Hà bị bắt. Tuy chỉ là tin đồn thất thiệt, không có căn cứ nhưng đã khiến thị trường chứng khoán Việt Nam khi đó bốc hơi gần 2 tỷ USD.