Học sinh, sinh viên đi bộ 'liều mạng' ở Hà Nội: Than mệt, vội hay do bệnh lười

Nhiều học sinh, sinh viên than mệt, vội khi không sử dụng cầu, hầm đi bộ nhưng chuyên gia giao thông cho rằng do ý thức kém, lười.

File0023

Sinh viên đi bộ "liều mạng" ở trước cổng trường ĐH Ngoại ngữ. (Ảnh: Di Linh).

Đi bộ sai luật chỉ vì nhanh?

Như chúng tôi đã đưa tin, tại khu vực đường Xuân Thủy, Phạm Văn Đồng, nút giao cầu Vượt Mai dịch thường xuyên xuất hiện tình trạng học sinh, sinh viên "liều mạng" băng qua đường để đến đường.

Đáng chú ý, tại nhiều điểm cổng trường ĐH Ngoại Ngữ, ĐH Quốc gia Hà Nội không có vạch kẻ dành cho người đi bộ sang đường.

Tuy nhiên, theo ghi nhận của chúng tôi, khu vực này có hầm đi bộ dưới gầm cầu vượt Mai Dịch (cách cồng trường ĐH Ngoại ngữ hơn trăm mét), cầu đi bộ cạnh cổng ĐH Quốc gia Hà Nội nhưng không có nhiều học sinh, sinh viên sử dụng.

Ghi nhận của chúng tôi vào sáng 18/10 cho thấy tại khu vực đường Phạm Văn Đồng đối diện cổng ĐH Ngoại ngữ (ĐH Quốc gia Hà Nội) có rất nhiều sinh viên thản nhiên, bất chấp nguy hiểm đi bộ băng qua đường.

Khoảng 7h, khu vực cổng trường ĐH Ngoại ngữ thường xuyên xảy ra ùn tắc giao thông, việc nhiều học sinh, sinh viên đi bộ qua đây càng gây thêm xung đột.

"Đi qua đường nhanh hơn nhiều ạ!" - đây là câu trả lời của nam sinh viên khi chúng tôi hỏi lí do băng ngang đường.

Nam sinh này cho biết nếu không băng qua đường mà đi bộ đến hầm thì sẽ đi thành hình chữ U và mất nhiều thời gian hơn.

"Bến xe buýt đối diện cổng trường nên nhiều bạn cũng đi như vậy. Những ai đi qua hầm đi bộ thì thường ở đường Hồ Tùng Mậu sang", nam sinh này cho biết thêm.

File0036

Nữ sinh tấp nập băng qua đường vào giờ cao điểm sáng. (Ảnh: Di Linh).

Không chỉ các nam sinh, đoạn đường Phạm Văn Đồng đối diện cổng ĐH Ngoại ngữ cũng tấp nập các nữ sinh đi bộ sai luật.

"Đoạn đường này xe chạy chậm vì ùn tắc nên cũng không quá nguy hiểm. Em cũng không thấy ai xử phạt", một nữ sinh nói với chúng tôi.

"Mệt, vội, muộn giờ..."

Đi qua khu vực cổng ĐH Ngoại ngữ, chúng tôi tiếp tục di chuyển về hầm đi bộ dưới chân cầu vượt Mai Dịch (khoảng gần 200m).

Tại khu vực này, người đi bộ đi dưới hầm chủ yếu từ đường Hồ Tùng Mậu di chuyển sang đường Xuân Thủy.

Tuy nhiên, nhiều người cũng "ngại xuống hầm" mà băng qua gầm cầu vượt, cắt dòng phương tiện để sang đường.

Không những thế, khu vực cổng ĐH Quốc gia Hà Nội trên đường Xuân Thủy có cầu đi bộ nhưng không phải sinh viên nào cũng sử dụng.

Chia sẻ với chúng tôi về việc không đi cầu vượt, nhiều nam nữ sinh cho rằng cầu cao, đi mệt, vội, muộn giờ...

File0057

Hạ tầng giao thông bất hợp lí hay do lười? (Ảnh: Di Linh).

Trao đổi với chúng tôi, một chuyên gia giao thông cho biết trên thực tế Hà Nội có cầu, hầm đi bộ bất hợp lí ví dụ như bậc thang cao, lối lên dốc, gây khó khăn cho người già.

"Tuy nhiên, với trường hợp ở cầu, hầm đi bộ ở nút giao Mai Dịch thì việc các sinh viên học sinh mạnh khỏe nhưng bất chấp đi sai luật gây nguy hiểm thì có thể do thói quen, ý thức kém, bệnh lười đi bộ.

Bởi lẽ, theo tôi được biết, cầu, hầm đi bộ ở khu vực này rất gần các cổng trường ĐH. Vài trăm mét không thể nói là quá xa.

Thêm nữa, mặc dù chúng ta có Nghị định 46 xử lí người đi bộ sai luật nhưng gần như không có ai thực thi khiến người dân có tâm lí tùy tiện.

Tôi từng nhớ Hà Nội có xử lí người đi bộ ở đường Vành đai 3 trên cao nhưng sau đó lại bỏ ngỏ và người dân lại lên đây đón xe", vị này cho biết thêm.

Video đi bộ sai luật ở Hà Nội.

chọn
Thông tin quy hoạch nổi bật tuần qua (13/4 - 19/4): Sắp khởi công nhiều cao tốc ở Bình Dương và Thái Bình
Quốc hội cho ý kiến về báo cáo tiền khả thi cao tốc Gia Nghĩa - Chơn Thành; sắp khởi công cao tốc CT 08 đoạn qua Thái Bình và cao tốc TP HCM - Thủ Dầu Một - Chơn Thành đoạn qua Bình Dương... là những thông tin quy hoạch nổi bật tuần qua.