Trong một cuộc phỏng vấn với tạp chí Dragon, được xuất bản bởi Viện Khoa học Xã hội Cam Túc, CEO Nhậm Chính Phi nói rằng Trung Quốc nên có cái nhìn tỉnh táo về những thách thức mà họ phải đối mặt, khi cố gắng thay đổi chuỗi công nghiệp toàn cầu.
"Chúng tôi đã mua các bộ phận trị giá 18,7 tỉ USD từ Mỹ năm ngoái, một sự gia tăng lớn từ mức 11 tỉ USD trong quá khứ. Chúng tôi không nghĩ đến việc thay thế các linh kiện của Mỹ. Mỹ sẽ luôn là người bạn tốt của chúng tôi", ông Phi nói.
Ý kiến của ông được đưa ra mặc dù công ty đang bị đưa vào danh sách cấm của Bộ Thương mại Hoa Kỳ. Các công ty Mỹ chỉ có thể bán hàng cho Huawei nếu họ được chính phủ cấp phép.
Richard Vu Thừa Đông, CEO tập đoàn kinh doanh tiêu dùng của công ty, cho biết hồi đầu tháng, rằng Huawei vẫn có thể không sử dụng các linh kiện của Mỹ trong điện thoại thông minh của mình. Hãng này vẫn còn nhiều sự lựa chọn khác, nhưng họ muốn duy trì mối quan hệ tốt với các nhà cung cấp ở Mỹ.
Động thái trên khá lạ, vì sau khi được đưa vào danh sách đen hồi tháng 5 năm ngoái, Huawei đã chạy đua để phát triển hoặc mua các linh kiện không sử dụng công nghệ Mỹ. Chỉ 3 tháng sau "án tử", hãng đã ra mắt HarmonyOS, một hệ điều hành mới được thiết kế để chạy trên tất cả các thiết bị của Huawei, bao gồm cả điện thoại thông minh.
Dù vậy, tại thời điểm đó, hãng này vẫn tiếp tục sử dụng hệ thống Android của Google.
"Sẽ không sao cả nếu chúng tôi không sử dụng linh kiện của Mỹ, nhưng điều gì xảy ra nếu người tiêu dùng không mua sản phẩm của chúng tôi. Các hệ điều hành Android và iOS đã được hưởng doanh số lớn trên thế giới, vì người tiêu dùng đã quen với chúng", ông Phi giải thích.
Ông nói thêm, HarmonyOS không được phát triển để trở thành đối thủ cạnh tranh với các "tai to mặt lớn" của Mỹ, mà chỉ là một giải pháp trong lúc Huawei bị cấm vận.
"Huawei là một người đến sau, vì vậy sẽ rất khó để vượt qua các hệ điều hành của Android và Apple. Nó có thể mất một khoảng thời gian dài, nhưng không quá 300 năm", ông Phi nói đùa.
Huawei đã có những mối quan hệ rất thân thiện với Google và Apple. Và theo vị CEO, việc phát triển điện thoại thông minh 5G của Huawei rất hữu ích với 2 công ty trên.
Với sự gián đoạn gây ra bởi đại dịch do Covid-19 đối với các chuỗi cung ứng toàn cầu, thêm vào đó, Mỹ và Trung Quốc đang tách rời về kinh tế sau chiến tranh thương mại kéo dài hai năm, ông Phi nhận định, sẽ không thể có bất kì quốc gia nào có thể hoàn toàn tự túc trong lúc này.
Chi phí tự túc bây giờ sẽ là một gánh nặng, ông nói thêm rằng Trung Quốc nên tối ưu hóa môi trường kinh doanh, để duy trì sự hấp dẫn của thị trường trong khi cải thiện khả năng cạnh tranh công nghiệp.
"Đây sẽ là một sai lầm cho các nước, khi chuyển các chuỗi công nghiệp về nước, vì nền kinh tế thế giới được thiết lập để phát triển thông qua toàn cầu hóa. Năng lực cạnh tranh phát triển như một phần của toàn cầu hóa", ông nói.
Các lĩnh vực sản xuất trung và thấp cấp khổng lồ ở Trung Quốc đã được chuyển sang các nước như Thái Lan và Việt Nam, trong khi ngành công nghệ cao của Mỹ đang cố gắng vượt qua Trung Quốc.
"Sản xuất của Trung Quốc là ở tầng giữa của chuỗi công nghiệp toàn cầu. Và nó sẽ gặp khó khăn nếu muốn nâng cấp lên tầng cao hơn. Vì vậy chúng ta không thể có quá nhiều ảo tưởng", ông Phi nói.