'Hụi chết' ở các bến xe buýt Sài Gòn

Muốn không bị 'hành' và nhanh chóng được ký lệnh xuất bến, các tiếp viên xe buýt phải chung tiền 'tươi' cho nhân viên điều hành ở điểm đầu, điểm cuối tại các bến xe.

Tình trạng này diễn ra trong một thời gian dài, như “hụi chết” khiến tiếp viên vô cùng bức xúc.

Từ phản ánh của giới tài xế, tiếp viên xe buýt, PV Thanh Niên đã nhiều ngày chứng kiến và ghi hình cảnh các tiếp viên hằng ngày phải chung tiền “hụi chết” cho nhân viên ở phòng điều hành (PĐH) điểm đầu, cuối tuyến mỗi khi vào ký lệnh vận chuyển (LVC) để xuất bến.

Ba bến xe, một “quy trình”

Theo tìm hiểu của PV, mỗi xe buýt trước khi xuất bến phải qua khâu kiểm tra, kiểm soát của nhân viên điều hành (của doanh nghiệp) và nhân viên của Trung tâm quản lý và điều hành vận tải hành khách công cộng (sau đây viết tắt là trung tâm) thuộc Sở GTVT TP.HCM.

Sáng sớm 25.10, Bến xe (BX) buýt Chợ Lớn (đường Trang Tử, P.2, Q.5) đã tấp nập xe và người ra vào. Các tiếp viên xe buýt liên tục từ trên xe nhảy xuống, đi nhanh tới PĐH để trình ký LVC cho xe buýt bắt đầu chạy chuyến đầu tiên trong ngày. Trong PĐH, các nhân viên đang ghi giấy tờ, làm thủ tục. Ở phía ngoài, các tiếp viên chen nhau đứng chờ, tay cầm sẵn LVC, bằng lái và tập vé để đưa vào cho nhân viên làm thủ tục.

5 giờ 59 phút cùng ngày, trong PĐH có 3 nhân viên đang ngồi làm việc. Một tiếp viên từ bên ngoài thòng tay vào ô cửa kính, đặt tờ tiền lên bàn, nhân viên mặc áo màu vàng (của doanh nghiệp) lật tờ LVC ghi xong rồi nhặt tờ tiền bỏ nhanh vào túi áo. 6 phút sau, thêm một tiếp viên kẹp tiền vào tập vé rồi luồn tay qua cửa kính, đặt xuống bàn trước mặt nhân viên.

Người này ghi chép xong lập tức cầm tờ tiền gấp đôi lại rồi nhét vào túi. Động tác diễn ra thuần thục và nhanh chóng.

hui chet o cac ben xe buyt sai gon
Nhân viên phòng điều hành (trong ô kính) tại Bến xe Miền Tây cầm tiền từ tiếp viên xe buýt đưa, nhét vào túi, sáng 13.11

Ngồi sát bên cạnh, một nhân viên mặc áo xanh (của trung tâm) cũng liên tục nhận các LVC do tiếp viên đưa vào, lấy tiền nhét vào túi áo rồi mới làm thủ tục cho tiếp viên. Trong thời gian ngắn, hành động này lặp đi, lặp lại nhiều lần.

Đến khi túi áo cộm lên, nhân viên này lấy “thành quả” từ túi áo ra xem, rồi chuyển nhanh xuống túi quần. Tay của người này vừa rời khỏi túi quần thì bên ngoài có một tiếp viên đưa vào tờ 10.000 đồng. Nhân viên điều hành nhanh chóng cầm tiền nhét vào túi áo, tay còn lại cầm tờ LVC để ghi chép và trả lại tiếp viên.

6 giờ ngày 28.10 ở BX buýt Chợ Lớn, PV tiếp tục ghi hình cảnh hai nhân viên điều hành lấy “tiền tươi” khi làm thủ tục xuất bến. Phía trước PĐH có khá đông tiếp viên đứng chờ ký LVC. Một cánh tay tiếp viên cầm tờ tiền đặt lên bàn nhân viên áo vàng. Sợ nhân viên chưa nhìn thấy, tiếp viên phải dùng tay khều tờ tiền vào sát tay nhân viên.

Thấy vậy, nhân viên này nhanh chóng cầm tờ tiền bỏ vào túi áo. Chỉ vài giây sau, lại thêm một tiếp viên cầm tiền đặt xuống bàn. Chưa đến một phút, thêm một tiếp viên nữa cầm tờ tiền để sát tay của nhân viên. Tiếp viên này đưa qua, đưa lại khiến nhân viên này lỡ nhịp, phải với tay theo. Sau khi lấy được tờ tiền và nhét vào túi áo, nhân viên này mới lật LVC ra ký.

hui chet o cac ben xe buyt sai gon
Nhân viên Trung tâm quản lý và điều hành vận tải HKCC lấy tiền và tờ lệnh vận chuyển từ tiếp viên bên ngoài đưa vào ngày 7.11 tại Bến xe Miền Đông

Tại BX Miền Đông (ở P.26, Q.Bình Thạnh), cảnh chung chi “hụi chết” cũng nhộn nhịp không kém. Khoảng từ 4 - 6 giờ sáng các ngày 4, 5, 7.11, PV ghi nhận có rất nhiều tiếp viên cầm tập vé, LVC, kèm theo tờ tiền đưa qua ô cửa kính phòng PĐH cho nhân viên bên trong. Có tiếp viên kín đáo rút tiền kẹp vào giữa tờ LVC, hoặc cuộn tròn và nắm trong tay rồi đưa cho nhân viên; cũng có tiếp viên cầm xấp tiền lẻ bán vé đếm tới đếm lui, rút riêng ra một tờ rồi nhanh chóng đưa vào bên trong PĐH cho nhân viên. Mệnh giá các tờ tiền tiếp viên “kẹp”, “đưa” là 10.000 đồng và 20.000 đồng.

4 giờ 25 phút ngày 7.11, trong PĐH xe buýt ở BX Miền Đông có 3 nhân viên. Một cánh tay của tiếp viên cầm tiền và LVC đưa qua ô cửa kính. Ngay lập tức, nhân viên bên trong nhận lấy đặt xuống bàn. Sau khi ký và chuyển LVC trả tiếp viên, nhân viên này mới đưa tay lấy tờ tiền trên bàn, gấp lại bỏ vào túi quần.

Trong khoảng 30 phút, PV ghi được rất nhiều lần tiếp viên đưa và nhân viên này nhận tiền. Ngồi bên cạnh, một nhân viên khác cũng liên tục có động tác đón các tờ tiền từ tay tiếp viên đút vào túi rồi mới ký LVC.

“Hụi chết” tương tự cũng diễn ra tại PĐH xe buýt ở BX Miền Tây (P.An Lạc, Q.Bình Tân). Liên tiếp sáng sớm các ngày 11, 12, 13.11 có mặt tại đây, PV ghi nhận cảnh tiếp viên chen nhau đứng bên ngoài, liên tục móc tiền trong ví, túi và cả giỏ xách, kẹp vào LVC; thậm chí cầm tờ tiền trên tay đưa trực tiếp qua ô cửa PĐH cho nhân viên bên trong.

5 giờ 22 phút ngày 13.11, một tiếp viên cầm xấp tiền trên tay hai lần rút từng tờ tiền đưa vào cho nhân viên ngồi bên trong PĐH rồi bỏ đi. Một lát sau, người này mới quay lại lấy LVC bên trong đưa ra. Tới 5 giờ 57 phút, các tiếp viên liên tục tới đưa LVC và tập vé vào, nhân viên cầm xem và rút tờ 10.000 đồng bên trong giơ lên nói chuyện rồi nhét vào túi, trả LVC cho tiếp viên.

6 giờ 7 phút, một tiếp viên cầm tờ 10.000 đồng tới nhưng nhân viên đi ra ngoài nên phải đứng chờ đợi nhân viên quay lại làm thủ tục. Vài giây sau, lại thêm một tiếp viên nữa cầm LVC và đưa tờ 10.000 đồng vào, nhân viên ngồi bên trong PĐH nhanh chóng giơ tay cầm lấy, rồi mới ghi LVC.

“Không chi tiền thì sẽ biết ngay”

Theo điều tra của PV, việc chi tiền cho nhân viên ký LVC tại các BX buýt ở TP.HCM diễn ra lâu nay và đã trở thành “hụi chết” khiến tiếp viên xe buýt rất bức xúc. Hằng ngày, các tiếp viên phải chi tiền ký lệnh khi xe xuất bến chuyến đầu tiên. Tại điểm đầu tuyến, tiếp viên phải đóng “hụi chết” ít nhất 20.000 đồng. Trong đó, nhân viên điều hành của doanh nghiệp lấy 10.000 đồng, nhân viên trung tâm 10.000 đồng. Tới điểm cuối tuyến, thường chỉ có một nhân viên của doanh nghiệp nên tiếp viên chỉ phải “cho” 10.000 đồng.

Cao điểm chung tiền diễn ra nhiều nhất khoảng từ 4 - 7 giờ sáng hằng ngày. Bởi đây là lúc các xe buýt bắt đầu ký LVC chạy chuyến đầu tiên.

Tiếp xúc với PV Thanh Niên, chị N.T.H (một tiếp viên) bức xúc: “Tiếp viên chỉ vào PĐH để ký lệnh, ghi số seri cùi vé, trình bằng lái xe chứ không hề mua bán hay nộp tiền lệ phí gì cả. Tiền đưa cho nhân viên được mặc định là tiền “bồi dưỡng”. Vẫn theo chị này, gọi là “bồi dưỡng” nhưng nếu không đưa thì lập tức sẽ bị nhân viên tìm bắt các lỗi như: không mang dép quai hậu, rửa xe dơ... hoặc cứ để chờ tới cận giờ xuất bến mới ký LVC.

“Tiếp viên mới vào nghề không đưa thì nhân viên đòi. Còn tiếp viên cũ làm trước giờ biết mặt nhau hết rồi nên khi nhân viên kêu thì phải “cho”. Nhiều khi tiếp viên sơ suất gì đó là bị lập biên bản, mất tiền trợ cấp, mất tiền thưởng ngay. Tiếp viên làm mỗi tháng có được bao nhiêu đâu mà tháng nào cũng phải chi cho nhân viên mất đứt 600.000 đồng rồi”, chị H. nói.

Còn nữ tiếp viên N.T.P nói: “Cái này là “luật” từ xưa tới giờ rồi. Xe nào cũng phải đưa hết, cho nhân viên điều hành của HTX 10.000 đồng, nhân viên trung tâm 10.000 đồng. Không chi tiền thì sẽ biết ngay”.

hui chet o cac ben xe buyt sai gon
Tiếp viên xe buýt thòng tay trao tiền cho nhân viên ở Bến xe buýt Chợ Lớn vào sáng 28.10

Đáng lưu ý, theo các tiếp viên, một số tuyến xe buýt tiếp viên sẽ được chủ xe chi trả lại số tiền phải đóng “hụi chết”. Còn một số tuyến thì tiếp viên phải tự bỏ tiền túi ra để chung chi. Nam tiếp viên N.V.A tính toán: Mỗi ngày tiếp viên phải “tổng chi” cho nhân viên ký LVC là 30.000 đồng, trong đó chủ xe sẽ trả lại cho tiếp viên 10.000 đồng, số tiền còn lại tiếp viên tự chịu.

“Chỉ trong nghề mới biết, một ngày tiếp viên mất 20.000 đồng để “cho” nhân viên khi vào ký lệnh. Một tháng thành ra mất trắng 600.000 đồng. Mình không đưa tiền thì dễ gì yên thân, bị họ làm khó dễ đủ thứ. Sơ hở là bị lập biên bản nên tôi đành cắn răng chịu đựng”, anh A. bức xúc.

Ông D., một tài xế xe buýt, cũng khẳng định việc lấy tiền của nhân viên PĐH đã có từ lâu. “Tiếp viên, tài xế xe buýt như chúng tôi thức đêm, thức hôm, mỗi ngày phải chạy cả chục chuyến xe. Vì cuộc sống, vì miếng cơm manh áo, nên phải nghiến răng chịu đựng. Sáng ra, tôi lấy tài những chuyến xe đầu tiên. Vừa bước vô là nó (nhân viên PĐH - PV) hoạnh họe. Nếu chúng tôi không xì tiền ra thì nó cầm cái lệnh lật qua, lật lại rồi để tới sát giờ xuất bến mới chịu ký”, ông D. nói.

Theo tìm hiểu của PV, TP.HCM hiện có hàng ngàn xe buýt hoạt động trên gần 150 tuyến, trong đó hơn 100 tuyến xe buýt có trợ giá, với tổng kinh phí trợ giá mỗi năm cả ngàn tỉ đồng. Việc trợ giá xe buýt nhằm đảm bảo giá dịch vụ phương tiện vận tải công cộng này ở mức hợp lý, qua đó thu hút người dân sử dụng. Tiền trợ giá được chi cho doanh nghiệp vận tải.

Thế nhưng, như phản ánh của một số tiếp viên, có tình trạng chủ xe phải bỏ tiền san sẻ “hụi chết” với tiếp viên, nghĩa là một phần tiền trợ giá đó doanh nghiệp phải đem đóng “hụi chết”.

Với số tiền chung chi 30.000 đồng/xe/ngày, số tiền “hụi chết” hàng ngàn tiếp viên phải đóng mỗi ngày lên đến hàng chục triệu đồng. Vậy số tiền khổng lồ này rơi vào túi ai? Thanh Niên sẽ tiếp tục thông tin tới bạn đọc trong số báo ngày mai.

hui chet o cac ben xe buyt sai gon Vụ vá xe kiểu 'cướp cạn' giữa Sài Gòn: 'Nhân vật chính' đến phường trình diện

Sau thời gian 'mất tích', ông Huệ đã đến công an phường trình diện và thừa nhận toàn bộ hành vi của mình.

chọn
'Quy hoạch NOXH ở những khu vực quá xa trung tâm như Củ Chi là không khả thi'
Theo đại diện Ban Quản lý các Khu chế xuất và công nghiệp TP HCM, so với các dự án nhà ở thông thường, việc xây dựng NOXH phức tạp hơn. Chẳng hạn như việc chọn địa điểm xây dựng, nếu NOXH được quy hoạch ở những khu vực quá xa trung tâm như Củ Chi thì sẽ không khả thi do di chuyển hàng ngày bất tiện.