IFC One Saigon chỉ thay kính để đảm bảo an toàn, cơ hội hồi sinh còn bỏ ngỏ

Theo thông tin từ lãnh đạo Sở Xây dựng TP HCM, chủ đầu tư tại dự án IFC One Saigon chỉ xin thay kính để đảm bảo an toàn, sẽ kết thúc thi công vào ngày 1/9 và tiếp tục chờ kết luận của thanh tra.

Chỉ thay kính để đảm bảo an toàn, bác bỏ thông tin giá bán khủng

Theo thông tin từ Zing, ông Trương Công Nam, Phó chánh thanh tra Sở Xây dựng TP HCM đã cung cấp thông tin về tòa nhà IFC One Saigon (trước đây là Saigon One Tower) đang được dư luận quan tâm.

Ông Nam cho biết dự án đã ngừng thi công từ năm 2011 nên khả năng khung kính chịu lực xung quanh không còn an toàn, đồng thời gây mất mỹ quan đô thị, ảnh hưởng đến bộ mặt của thành phố.

Do đó, mới đây, chủ đầu tư là CTCP Saigon One Tower đã nộp hồ sơ đề nghị tháo gỡ và thay mới các khung kính mặt ngoài này và được UBND TP HCM chấp thuận nhằm đảm bảo an toàn, cải thiện diện mạo của thành phố. Việc thi công hạng mục này dự kiến kết thúc vào ngày 1/9 tới đây. 

Ông Nam cũng cho biết thêm, hiện chủ đầu tư chưa được phép thi công các hạng mục còn lại bên trong do còn chờ kết luận của Thanh tra Chính phủ. 

Trước đó, động thái "thay áo" tại dự án giống với hình ảnh phối cảnh mới đã thu hút sự chú ý của giới đầu tư về việc hồi sinh sau hơn thập kỷ "đắp chiếu". Cùng với đó, trên thị trường cũng xuất hiện thông tin dự án sẽ được bán với giá 1 tỷ đồng/m2.

Tuy vậy, Tổng Giám đốc Viva Land (đơn vị quản lý dự án) đã bác bỏ thông tin đồn đoán trên và khẳng định chủ đầu tư chưa công bố thông tin chính thức nào về dự án, số lượng căn hộ bán ra thị trường cũng như diện tích căn hộ và giá bán.

 Dự án IFC One Saigon (trước đây là Saigon One Tower) đang được "thay áo". (Ảnh: Báo Thanh niên). 

Cơ hội hồi sinh sau hơn một thập kỷ hoang hóa

Dự án nằm tại số 34 Tôn Đức Thắng, phường Bến Thành, quận 1, TP HCM, từng được kỳ vọng từng được kỳ vọng sẽ trở thành một biểu tượng mới của Sài Gòn và được khởi công xây dựng vào quý IV/2008 với tổng mức đầu tư 256 triệu USD, tương đương khoảng 5.000 tỷ đồng.

Song, dự án đã tạm ngưng thi công vào cuối năm 2011, khi tiến độ dự án đã được khoảng 80%, nguyên nhân do các nhà đầu tư không còn khả năng tài chính để xây tiếp. 

Đến năm 2017, dự án được thế chấp cho khoản vay tín dụng hơn 7.000 tỷ đồng tại Maritime Bank và DongA Bank, trở thành khoản nợ xấu thuộc một vụ án hình sự. Cùng năm, dự án bị Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC) thu giữ để xử lý và thu hồi nợ của CTCP Sài Gòn One Tower (chủ đầu tư dự án).

Đến đầu tháng 3/2018, dự án được đưa ra đấu giá với giá khởi điểm 6.110 tỷ đồng, song không có nhà đầu tư tham gia và phải tiếp tục "đắp chiếu".

Tháng 11/2020, trên thị trường lần đầu xuất hiện thông tin tái sinh dự án khi một doanh nghiệp có tên CTCP Di sản Quốc tế Hồ Tràm đăng ký với UBND TP HCM xin đầu tư dự án, song tài chính doanh nghiệp không đáp ứng đủ điều kiện theo quy định của Luật Đất Đai.

Sau một thập kỷ hoang hóa, đến cuối năm 2021, việc công trường dự án bắt đầu làm việc trở lại cùng thông tin mới về dự án tại website Viva Land đã thu hút sự chú ý không chỉ của giới đầu tư và mà còn của dư luận, đồng thời đem đến kỳ vọng về việc hồi sinh tòa nhà từng bị ví như công trình "làm xấu bộ mặt thành phố". 

Về phần chủ đầu tư dự án (cũng là chủ đầu tư ban đầu), CTCP Sài Gòn One Tower có tiền thân là CTCP Địa ốc Sài Gòn M&C, là liên doanh giữa CTCP M&C - Saigontourist - Công ty TNHH Đất Thủ đô, được thành lập vào tháng 3/2004 để thực hiện dự án trên.  

Chủ đầu tư ban đầu của Saigon One Tower là CTCP Địa ốc Sài Gòn M&C, sau này đổi tên thành CTCP Sài Gòn One Tower. Đây là liên doanh giữa CTCP M&C - Tổng Công ty Du lịch Sài Gòn (Saigontourist) - Công ty TNHH Đất Thủ đô, được thành lập vào ngày 31/3/2004 để tập trung nguồn lực thực hiện dự án Cao ốc Sài Gòn M&C. 

Song đến năm 2012, không lâu sau khi công trình dự án ngừng thị công, Đất Thủ đô không còn nắm giữ vốn, thay vào đó là nhóm cổ đông gồm DongA Bank, Công ty TNHH Chứng khoán DongA Bank, CTCP Vàng bạc Đá quý Phú Nhuận (PNJ).

Đến năm 2015, Saigontourist và PNJ lần lượt thoái sạch vốn tại công ty Sài Gòn M&C, từ đó rút lui khỏi dự án.

Từ đầu năm 2016 đến nay, Cổng thông tin Quốc gia về đăng ký doanh nghiệp cũng không có cập nhật mới về công ty. Tuy nhiên, cuối năm 2021, Viva Land đã xuất hiện với vai trò quản lý dự án IFC One Saigon.  

Tính tới ngày 16/8, vốn điều lệ của Viva Land là 80 tỷ đồng, trong đó, Viva Land Management Group Pte. Ltd. (Singapore) đang nắm 49%. 

Viva Land hiện do ông Lim Boon Hwee (quốc tịch Singapore) làm Tổng Giám đốc kiêm người đại diện pháp luật. Ngoài ra, theo giới thiệu của Viva Land, Chủ tịch hiện nay của công ty là ông Chen Lian Pang, người từng giữ vị trí Tổng Giám đốc tại Tập đoàn bất động sản CapitaLand Việt Nam.

CapitaLand cũng là đơn vị đã chuyển nhượng dự án Tòa nhà văn phòng Capital Place tại Hà Nội cho Viva Land vào đầu năm nay. Giá trị giao dịch được công bố là 751 triệu SGD (tương đương 550 triệu USD). Theo giới thiệu trên website doanh nghiệp, Viva Land cũng đóng vai trò quản lý dự án, tương tự IFC One Saigon.

Tòa nhà văn phòng Capital Place tại Hà Nội mà Viva Land chính thức sở hữu từ đầu năm nay. (Ảnh: Capital Place). 

Đáng chú ý, bên cạnh hai dự án nói trên, trong danh mục của Viva Land cũng xuất hiện nhiều dự án của các doanh nghiệp bất động sản lớn như Saigon Peninsula (quận 7, TP HCM) của Tập đoàn Vạn Thịnh Phát, hay dự án tại lô đất 32 và 3b tại Đảo Tuần Châu (TP Hạ Long, Quảng Ninh) do Tập đoàn Tuần Châu của “chúa đảo” Đào Hồng Tuyển làm chủ đầu tư. 

chọn
Các dự án của Novaland, Nam Long, DIG ở Đồng Nai đón tin mừng
Quy hoạch chung TP Biên Hòa vừa được phê duyệt điều chỉnh cục bộ. MBS đánh giá động thái này sẽ giúp đẩy nhanh tiến độ phê duyệt quy hoạch 1/500 các phân khu thuộc dự án Aqua City, Izumi và Khu đô thị Long Tân.