Truy tố Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty Global buôn lậu lốp ôtô cũ | |
Cặp đôi biến ôtô cũ thành nhà di động chu du khắp nơi |
Dưới đây là chia sẻ của chị Phan Ngọc Thúy, 35 tuổi, hiện sống tại TP HCM.
Vợ chồng tôi đều làm công ăn lương, chồng tôi công tác trong một một cơ quan hành chính sự nghiệp, lương khoảng 6-7 triệu/tháng. Tôi làm quản lý nhân sự ở một công ty nước ngoài trong khu công nghiệp, lương tầm 12 triệu/tháng. Mấy năm gần đây, chúng tôi tăng thu nhập bằng cách bán một số nông sản quê nhà trên mạng (bố mẹ tôi sống ở Bà Rịa còn bố mẹ chồng vẫn đang làm nông ở Lâm Đồng), số tiền kiếm ngoài này nhiều tháng còn cao hơn tiền lương.
Cách đây 7 năm, nhờ sự hỗ trợ của bố mẹ và ngân hàng, vợ chồng tôi đã mua được một căn nhà 60m2 ở quận 12. Đến đầu năm 2017, dư nợ vay mua nhà của chúng tôi chỉ còn 100 triệu, mỗi tháng trả cả gốc và lãi khoảng 3-4 triệu nên tôi nghĩ đến việc vay tiền mua ôtô, dù chỉ là ôtô cũ. Từ lâu tôi đã mơ ước có chiếc xe để tránh mưa tránh nắng. Trong vòng 200 triệu, chúng tôi hoàn toàn có thể vay theo kiểu tín chấp, không cần tài sản bảo đảm. Cả hai vợ chồng tôi đều đã học lái xe từ năm 2015 nên cũng muốn có xe để thực hành nhiều hơn.
Mua xe cũ thường tốn nhiều tiền sửa chữa - Ảnh minh họa: HA |
Chúng tôi lên mạng tìm kiếm và nhờ người quen giới thiệu. Cuối cùng, chúng tôi duyệt được một chiếc ô tô 5 chỗ của Mỹ, sản xuất từ năm 2006, đã chạy gần 100.000 km, đang được cắm ở hiệu cầm đồ với giá 180 triệu. Theo mấy cậu tài xế taxi gần nhà, giá ngoài thị trường của chiếc xe là khoảng 250 triệu. Hai vợ chồng hí hửng vay tiền mua xe.
Sau khi nhận xe về vào đầu tháng 4/2017, chúng tôi đem qua gara sửa chữa sơ qua, hết 30 triệu. Tính ra tổng số tiền đầu tư ban đầu cho xe là 210 triệu. Sau đó, chúng tôi đã kịp lái xe đi chơi nhân dịp 30/4. Chúng tôi cũng kịp về quê chở được vài chuyến hàng. Tuy nhiên, chi phí cho chiếc xe khá lớn khiến chúng tôi cảm thấy cuộc sống căng thẳng.
Xe cũ rất hao nhiên liệu. Chạy trong thành phố, 100km, xe tiêu tốn hết khoảng 22 lít xăng, chạy đường cao tốc về quê cũng tầm 18 lít/100km. Mỗi lần về quê, đổ 500.000 tiền xăng, cả đi cả về là hết sạch, chưa kể tiền vé qua các trạm thu phí nên về sau tiếc tiền, chúng tôi hạn chế đi lại.
Để mua được chiếc xe này, chúng tôi vay ngân hàng 200 triệu, trả dần trong ba năm, mỗi tháng, trả cả gốc và và lãi khoảng 7-8 triệu. Tôi bàn với chồng đăng ký cho anh chạy xe công nghệ để gỡ lại chút tiền nhưng đã bị từ chối vì chiếc xe quá cũ. Thỉnh thoảng chồng tôi chở khách do quen biết giới thiệu nhưng cũng không thấy ai hào hứng đi lại lần sau vì chê xe xấu và cũ.
Ngồi trên xe của gia đình, con gái 6 tuổi của chúng tôi luôn miệng kêu ca, nào là xe hôi, nào là không mát, nào là rung lắc khiến con say. Nó kêu ca nhiều làm vợ chồng tôi cũng chú ý so sánh thì thấy đúng là xe nhà mình kém hơn cả mấy chiếc taxi dù. Thậm chí, sau một lần chúng tôi chở mẹ chồng thì bà cụ tuyên bố không “lên xe đó nữa vì ngồi trên xe ầm quá".
Ngoài ra, vì xe số sàn nên tôi cũng không dám lái, mỗi chồng tôi sử dụng được. Mùa mưa vừa rồi, chồng tôi gặp đoạn đường nước ngập vẫn đi cố khiến xe bị chết máy, kéo theo một loạt hỏng hóc khác. Chúng tôi lại không mua bảo hiểm thủy kích, mang xe ra gara, báo giá sửa hết 80 triệu. Chúng tôi quyết định không sửa nữa vì tiền sửa gần bằng nửa tiền xe, trong khi bản thân chúng tôi cũng đang bí tiền, từ ngày mua xe phải gánh thêm nhiều nợ nần.
Vậy là từ tháng 11 đến nay, chiếc xe cứ để ngoài đường, chúng tôi cũng chả buồn đem vào sân nhà. Chúng tôi đã rao bán xe nhưng chưa có ai mua. Chồng tôi bảo trong trường hợp tệ nhất, mang giấy tờ ra hiệu cầm đồ, may ra vớt vát được mấy chục triệu.
Kỹ sư Lê Trung, đang công tác tại một gara sửa chữa ô tô ở TP HCM cho rằng khi mua xe cũ, khách hàng có thể gặp các rủi ro như xe từng bị tai nạn, xe bị ngập nước, xe dùng để kinh doanh đã chạy rất nhiều, hoặc xe đã qua đại tu nên khó đánh giá chính xác giá trị thực tế của xe. Theo anh, để tránh bị hớ khi mua xe, người mua nên nhờ hay thuê một người thợ sửa chữa ô tô đi định giá cùng mình. Kỹ sư Trung cũng cho biết, một số xe ngập nước, ảnh hưởng đến bảng điện, ban đầu có thể không phát hiện ra nhưng sau này sử dụng, điện thường xuyên hư hỏng lặt vặt khiến sửa chữa rất tốn kém thời gian và tiền bạc. |
* Tên nhân vật đã thay đổi