Mới đây, Hiệp hội Công nghiệp ghi âm Việt Nam (RIAV) cho biết tổ chức này sẽ thu phí tác quyền với hơn 10.000 tác phẩm âm nhạc thuộc quyền sở hữu tại các điểm kinh doanh dịch vụ karaoke, mức thu phí là 2.000 đồng/bài.
Trung tâm Cấp phép và Quản lý quyền (trực thuộc RIAV) sẽ là đơn vị chịu trách nhiệm thu khoản phí này. Nhiều cơ sở kinh doanh karaoke cho rằng việc gánh thêm phí sẽ khiến họ gặp khó khăn.
Nhằm nào rõ thông tin trên, chúng tôi đã có cuộc trao đổi với Luật sư, Thạc sỹ Phạm Duy Khương (Đoàn luật sư TP Hà Nội).
Hiệp hội Công nghiệp ghi âm Việt Nam cho biết sẽ thu phí tác quyền với hơn 10.000 tác phẩm âm nhạc thuộc quyền sở hữu tại các điểm kinh doanh dịch vụ karaoke, mức thu phí là 2.000 đồng/bài. Ảnh minh họa: TTVH |
PV: Thưa luật sư, việc thu phí nêu trên của Hiệp hội Công nghiệp ghi âm Việt Nam đối với các tác phẩm âm nhạc thuộc quyền sở hữu tại các điểm kinh doanh dịch vụ karaoke có đúng luật hay không?
Luật sư Phạm Duy Khương: Để trả lời được có đúng luật hay không, cần phải trả lời được một số cấu hỏi, gồm: Nhiệm vụ, quyền hạn của RIAV là gì? Các điểm kinh doanh dịch vụ Karaoke có các bài hát từ nguồn nào và sử dụng các bài hát nằm trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của RIAV hay không?
Trên website của RIAV ghi rõ đơn vị này là “một tổ chức xã hội – nghề nghiệp, phi chính phủ, phi lợi nhuận của các đơn vị hoạt động trong lĩnh vực sản xuất băng đĩa ghi âm (bao gồm các sản phẩm ghi âm, ghi hình) ở Việt Nam.
Nhiệm vụ chính của RIAV là bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các nhà sản xuất băng đĩa âm thanh tại Việt Nam, tuân thủ theo các quy định của pháp luật về sở hữu trí tuệ ….”.
RIAV có nhiệm vụ “Thực hiện các quyền do hội viên ủy thác theo Hợp đồng” và có quyền hạn “Bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của Hiệp hội và hội viên theo quy định của pháp luật”.
Ngoài ra, RIAV được coi một tổ chức đại diện tập thể quyền tác giả, quyền liên quan. Theo quy định tại Điều 56.2 của Luật sở hữu trí tuệ thì Tổ chức đại diện tập thể quyền tác giả, quyền liên quan thực hiện các hoạt động sau đây theo ủy quyền của tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả, chủ sở hữu quyền liên quan:
Thực hiện quản lý quyền tác giả, quyền liên quan, đàm phán cấp phép, thu và phân chia tiền nhuận bút, thù lao, các quyền lợi vật chất khác từ việc cho phép khai thác các quyền được ủy quyền; bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của thành viên; tổ chức hòa giải khi có tranh chấp.
Từ các căn cứ nêu trên, có thể kết luận rằng: RIAV có quyền thương lượng để thu và phân chia thù lao, các quyền lợi vật chất khác từ việc khai thác các bản ghi âm/ghi hình được sử dụng tại các điểm kinh doanh dịch vụ karaoke; và chỉ được thực hiện quyền nêu trên khi quyền này thuộc phạm vi quyền của các hội viện của RIAV.
Điều đó có nghĩa là RIAV sẽ sai nếu tiến hành thu phí tác quyền đối với tác phẩm không được chủ sở hữu uỷ thác. Thứ hai, RIAV phải chứng minh được rằng các điểm kinh doanh dịch vụ karaoke đang sử dụng trái phép/không phép các tác phẩm thuộc quyền sở hữu của các hội viên RIAV.
Trường hợp này sẽ dễ dàng cho RIAV vì RIAV có thể yêu cầu các hội viên của mình báo cáo và ra tuyên bố có hay không có hoặc đã từng cấp quyền cho bất cứ điểm kinh doanh karaoke nào hay chưa. Tuy nhiên, RIAV sẽ rất khó và gần như bất khả thi trong việc liệt kê các tác phẩm thuộc quyền sở hữu của các Hội viện đang được sử dụng tại các điểm kinh doanh karaoke một mình.
Luật sư nhận định việc thu phí của RIAV sẽ không dễ dàng. Ảnh minh họa: Dân trí |
PV: Theo RIAV, số tiền thu về từ hoạt động này sẽ được chi 10% cho các chi phí hoạt động của văn phòng Hiệp hội; 5-10% chi cho các Sở Văn hóa, Thể thao & Du lịch các tỉnh, thành phố. Và 80% còn lại được trả trực tiếp cho các chủ sở hữu bản ghi âm, ghi hình. Quan điểm của ông về việc "phân chia lợi nhuận" này như thế nào?
Luật sư Phạm Duy Khương: Việc này đúng hay sai phải phụ thuộc và Điều lệ của RIAV đã được Bộ Nội vụ phê duyệt. Thực tế, việc giữ lại một khoản % nhất định đang được nhiều hiệp hội khác áp dụng.
Trường hợp của RIAV, trong Điều lệ của RIAV đã quy định rõ trong cơ cấu nguồn tài chính của RIAV, thì “khoản trích giữ lại từ việc cấp phép sử dụng các chương trình ghi âm” là một trong số các nguồn thu của RIAV và RIAV được quyền chi cho hoạt động của Hiệp hội, chi phí hành chính của văn phòng hiệp hội, chi phí trả lương nhân viên văn phòng, thù lao cộng tác viên của Hiệp hội, chi khuyến khích hoạt động sáng tạo âm nhạc, các loại hình nghệ thuật và các hoạt động xã hội khác và các khoản chi khác (Điều 22 và 23 của Điều lệ RIAV).
Việc phân chia các khoản doanh thu có được từ hoạt động thu phí tác quyền này, về nguyên tắc sẽ tuân theo thỏa thuận giữa RIAV và các hội viên theo các điều khoản mà RIAV và hội viên đã thỏa thuận với nhau tại thời điểm gia nhập hội hoặc thỏa thuận riêng cho việc thu phí tác quyền các điểm kinh doanh dịch vụ karaoke này. Điều này đơn thuần chỉ là một thỏa thuận dân sự giữa RIAV và các hội viên.
Tuy nhiên, việc phân phối phải đảm bảo minh bạch, công bằng, qua các kênh phân phối hợp lý, nếu không sẽ rất xảy ra tình trạng khiếu kiện của người uỷ thác quyền.
PV: Nếu như các đơn vị kinh doanh karaoke không thực hiện việc trả phí thì đơn vị nào sẽ quản lý, xử lý vấn đề này?
Luật sư Phạm Duy Khương: Như đã nói ở trên, việc thu phí, mức phí thu không phải và không thể là một sự áp đặt một phía từ RIAV, mà phải là kết quả của quá trình thương lượng tuân theo các nguyên tắc cơ bản của pháp luật dân sự.
Do đó, trong trường hợp các đơn vị kinh doanh Karaoke không thực hiện việc chi trả thì RIAV trên cơ sở nhiệm vụ, quyền hạn của mình theo Điều lệ của RIAV và căn cứ vào các quy định của pháp luật hiện hành về sở hữu trí tuệ, có quyền yêu cầu các cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền tiến hành việc xử phạt vi phạm hành chính hoặc hình sự đối với hành vi xâm phạm quyền tác giả, quyền liên quan và/hoặc khởi kiện ra tòa án có thẩm quyền để yêu cầu bồi thường thiệt hại và thanh toán phí tác quyền cho các bài hát của hội viên bị xâm phạm.
Nhìn chung, việc thu phí tác quyền tại Việt Nam thực sự là một thử thách cả về mặt pháp lý cũng như nhận thức, nhưng là một việc cần được khuyến khích.
Thử thách bởi rất khó có một công thức mang tính khoa học để đề ra mức phí chính xác làm hài lòng tất cả các bên. Tất cả đều dựa trên sự tương đối, sự thoả thuận để hướng tới hài hoà lợi ích giữa bên đại diện việc thu phí, bên kinh doanh, tác giả, bên có quyền lợi liên quan.
Xin cám ơn ông!
Luật sư Phạm Duy Khương nhận định RIAV sẽ gặp khó khăn khi thương lượng mức phí 2.000 đồng/bài. Nếu theo đúng nguyên tắc thương lượng là tự nguyện và bình đẳng sẽ đơn vị kinh doanh yêu cầu mức giá thấp hơn, và có thể thấp hơn rất nhiều mức giá mà RIAV đưa ra. Để có thể đạt được các lợi thế trong thương lượng thì RIAV sẽ phải phối hợp chặt chẽ và sử dụng quyền yêu cầu xử lý hành vi xâm phạm quyền tác giả theo thủ tục hành chính/hình sự đối với các điểm kinh doanh karaoke có hành vi vi phạm quyền tác giả của các hội viên của mình. Các công việc nêu trên của RIAV sẽ rất khó khăn và kéo dài để tạo lập thói quen kinh doanh của các điểm kinh doanh karaoke về việc tôn trong quyền tác giả, quyền liên quan. Tuy nhiên, RIAV cần có lộ trình và cách thức thực hiện phù hợp để đảm bảo hài hòa lợi ích của hội viên RIAV, người tiêu dùng và của các đơn vị kinh doanh dịch vụ karaoke. Ở đây, cũng cần phải lưu ý rằng, với các bài hát được sử dụng tại các điểm kinh doanh karaoke, không những chỉ có quyền của các hội viên của RIAV mà có thể có cả quyền của tác giả bài hát, quyền của người biểu diễn. Do đó, câu chuyện thu phí sử dụng bài hát này có thể sẽ có nhiều bên liên quan hơn là chỉ có mỗi RIAV và các đơn vị kinh doanh karaoke. Do đó, không thể loại trừ được trường hợp này. Và nếu trường hợp này xảy ra, mức phí mà các Điểm kinh doanh karaoke phải thanh toán có thể sẽ không dừng lại ở con số 2.000VNĐ/bài hát như đề xuất của RIAV. |