Chính phủ vừa có báo cáo gửi Quốc hội về việc thực hiện chính sách phát triển giao thông vận tải đường sắt và sử dụng ngân sách nhà nước đầu tư cho giao thông vận tải đường sắt.
Trong báo cáo này, Chính phủ cho biết theo quyết định năm 2016 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt điều chỉnh quy hoạch phát triển giao thông vận tải TP Hà Nội, dự kiến sẽ xây dựng 8 tuyến đường sắt đô thị khu vực trung tâm với chiều dài 305 km.
Ngoài ra, Hà Nội cũng nghiên cứu xây dựng kéo dài các tuyến để kết nối với các đô thị vệ tinh; đồng thời quy hoạch một số tuyến tàu điện một ray nhằm hỗ trợ và khai thác tốt hơn cho toàn bộ hệ thống đường sắt đô thị.
Theo đó, đường sắt đô thị khu vực đô thị trung tâm TP Hà Nội sẽ bao gồm 8 tuyến.
Cụ thể, tuyến số 1 gồm 2 nhánh: Ngọc Hồi - ga trung tâm Hà Nội - Gia Lâm - Yên Viên và Gia Lâm - Dương Xá (Phú Thụy). Tuyến đi trên cao, có xem xét phương án đi kết hợp giữa đường sắt đô thị với đường sắt quốc gia. Chiều dài tuyến khoảng 36 km, tổng số ga được bố trí là 23 ga và hai đề pô tại Ngọc Hồi và Yên Viên.
Tuyến số 2 có hành trình Nội Bài - Nam Thăng Long - Hoàng Hoa Thám - Bờ Hồ - Hàng Bài - Đại Cồ Việt - Thượng Đình - Vành đai 2,5 - Hoàng Quốc Việt với chiều dài khoảng 42 km.
Tuyến đi trên cao Nội Bài - đường Hoàng Quốc Việt và đi ngầm trên đoạn còn lại với tổng số 32 ga và hai đề pô tại Xuân Đỉnh và Phủ Lỗ. Tuyến này được tổ chức chạy tàu vành đai kết hợp hướng tâm.
Tuyến số 2A là tuyến Cát Linh - Ngã tư Sở - Hà Đông với chiều dài khoảng 14km, tuyến đi trên cao với tổng số 12 ga và một đề pô tại Yên Nghĩa.
Tuyến số 3 là Trôi - Nhổn - ga Hà Nội - Hoàng Mai với chiều dài khoảng 26 km, đi trên cao đoạn Trôi - Cầu Giấy và chủ yếu đi ngầm trên đoạn còn lại với tổng số 26 ga. Giai đoạn 1 xây dựng đoạn từ Nhổn - ga Hà Nội với 12 ga và một đề pô tại Nhổn.
Tuyến số 4 là Mê Linh - Đông Anh - Sài Đồng - Vĩnh Tuy - Vành đai 2,5 - Cổ Nhuế - Liên Hà với chiều dài khoảng 54 km. Đoạn Mê Linh - Đông Anh - Sài Đồng - vượt sông Hồng - Vĩnh Tuy - Thượng Đình được quy hoạch đi cao, từ Thượng Đình đi Hoàng Quốc Việt được quy hoạch đi ngầm, đoạn từ Hoàng Quốc Việt - Liên Hà quy hoạch đi trên cao. Tổng số ga trên tuyến 41 ga và hai đề pô tại Liên Hà (Đan Phượng) và Đại Mạch (Đông Anh).
Tuyến số 4 kết nối với các tuyến số 1, số 2A, số 3 và số 5. Đoạn đi dọc đường vành đai 2,5 tuyến số 4 xem xét đi trùng ray với tuyến số 2 và tổ chức chạy tầu phù hợp. Giai đoạn đầu khi chưa xây dựng đường sắt đô thị bố trí xe buýt nhanh trên từng đoạn.
Tuyến số 5 là đường Văn Cao - Ngọc Khánh - đại lộ Thăng Long - Vành đai 4 - Hòa Lạc với chiều dài khoảng 39 km.
Đoạn từ Nam Hồ Tây - Nguyễn Chí Thanh - Trần Duy Hưng - Trung tâm hội nghị Quốc gia đi ngầm, đoạn tiếp theo đi trên mặt đất hoặc đi trên cao trong phạm vi dải phân cách giữa của Đại lộ Thăng Long. Tổng số ga trên tuyến 17 ga và hai đề pô tại Sơn Đồng (Hoài Đức) và Hòa Lạc.
Tuyến số 6 là Nội Bài - Phú Diễn - Hà Đông - Ngọc Hồi với chiều dài khoảng 43 km. Tuyến được xây dựng trên cơ sở tuyến đường sắt vành đai phía tây hiện tại và quy hoạch là tuyến đi trên cao hoặc đi trên mặt đất với tổng số 29 ga và hai đề pô tại Ngọc Hồi và Kim Nỗ.
Tuyến số 7 là Mê Linh - Đô thị mới Nhổn - Vân Canh - Dương Nội với chiều dài khoảng 28 km, tuyến đi trên cao toàn bộ hoặc đi trên cao kết hợp đi ngầm trong đoạn đô thị Đông Vành đai 4, với tổng số 23 ga và một đề pô tại Mê Linh.
Cuối cùng là tuyến số 8 với hành trình Sơn Đồng - Mai Dịch (trung chuyển với tuyến số 2) - Vành đai 3 - Lĩnh Nam - Dương Xá với chiều dài khoảng 37km. Đoạn từ Sơn Đồng - Mai Dịch quy hoạch đi trên cao, đoạn tuyến đi theo Vành đai 3 đến Lĩnh Nam đi ngầm, đoạn tuyến từ Lĩnh Nam - vượt sông Hồng - Dương Xá đi trên cao.
Tổng số ga trên tuyến này là 26 ga và hai đề pô tại Sơn Đồng và Cổ Bi. Trên tuyến có thể sử dụng xe buýt nhanh từng đoạn phụ thuộc vào lưu lượng giao thông của các giai đoạn.
Về kéo dài các tuyến đường sắt đô thị trung tâm để kết nối với đô thị vệ tinh, dự kiến kéo dài tuyến số 2 từ Nội Bài đến Trung Giã, huyện Sóc Sơn, chiều dài khoảng 9 km.
Kéo dài tuyến số 2A từ Hà Đông đến Xuân Mai, chiều dài khoảng 20 km, theo hướng quốc lộ 6, bố trí đề pô tại Xuân Mai.
Kéo dài tuyến số 3 từ Nhổn đi đô thị vệ tinh Sơn Tây theo hướng quốc lộ 32, chiều dài khoảng 30 km, bố trí đề pô tại Sơn Tây.
Đối với tuyến Sơn Tây - Hòa Lạc - Xuân Mai có chiều dài khoảng 32 km, từ khu đô thị vệ tinh Sơn Tây, tuyến đi theo hướng quốc lộ 21 kéo dài đến các đô thị vệ tinh Hòa Lạc và Xuân Mai, khi chưa xây dựng đường sắt đô thị nghiên cứu sử dụng xe buýt nhanh, bố trí đề pô tại xã Hòa Thạch.
Với các tuyến tàu điện một ray (monorail), quy hoạch một số tuyến tàu điện một ray nhằm hỗ trợ và khai thác tốt hơn cho toàn bộ hệ thống đường sắt đô thị gồm: (1) Liên Hà - Tân Lập - An Khánh dài khoảng 11 km; (2) Mai Dịch - Mỹ Đình - Văn Mỗ - Phúc La, Giáp Bát - Thanh Liệt - Phú Lương dài khoảng 22 km; (3) Nam Hồng - Mê Linh - Đại Thịnh dài khoảng 11 km, sau này tuyến có chể kéo dài lên Phúc Yên.
Hiện nay, tiến độ triển khai các dự án đường sắt đô thị tại Hà Nội đều chậm so với dự kiến, tăng tổng mức đầu tư và đến nay chưa có dự án nào đưa vào khai thác.
Tính đến năm 2021, nguồn lực đầu tư cho các dự án đường sắt đô thị trên địa bàn TP Hà Nội là 34.437 tỷ đồng để thực hiện đầu tư đối với 4 dự án (tuyến số 1: 2.103 tỷ đồng, tuyến số 2: 974 tỷ đồng, 2A: 15.749 tỷ đồng và tuyến số 3: 15.611 tỷ đồng).