Tổ công tác kiểm tra nồng độ cồn của tài xế. (Ảnh: Gia Chính).
Nhiều người đi xe máy đã bị dừng lại, yêu cầu thổi vào máy đo nồng độ cồn. Trong số này, một người đàn ông có nồng độ đo 0,48 miligam/lít khí thở đã liên tục lăng mạ lực lượng làm nhiệm vụ sau khi không xuất trình được giấy tờ tuỳ thân.
Một người khác trong lúc bị kiểm tra đã lập tức rút chìa khóa, bỏ lại xe máy rồi thẳng vào cơ quan nhà nước gần đó. Khi được cảnh sát giao thông yêu cầu ra làm việc, người này chống đối, không thổi vào máy đo nồng độ cồn với lý do "không có vi phạm gì mà phải thực hiện theo yêu cầu". Ông này khẳng định "không uống rượu bia".
Cảnh sát giao thông cho biết các phương tiện bị bỏ lại sẽ được niêm phong đưa về trụ sở. Chủ xe chống đối không kiểm tra nồng độ cồn sẽ bị phạt 3,5 triệu đồng và giữ xe 7 ngày.
Cảnh sát niêm phong xe vi phạm. (Ảnh: Gia Chính).
Theo một cảnh sát, việc tài xế chống đối khi được yêu cầu đo nồng độ cồn không phải là hiếm. "Mức phạt trên tương đương với mức phạt người lái xe máy có kết quả kiểm tra nồng độ cồn ở mức cao nhất nên việc bỏ lại xe không có lợi gì cho các tài xế", vị này chia sẻ.
Nghị định 46/2016 quy định phạt tiền từ một triệu đồng đến hai triệu đồng với người điều khiển xe máy mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá 50 miligam đến 80 miligam/100 mililít máu hoặc vượt quá 0,25 miligam đến 0,4 miligam/lít khí thở.
Hình phạt bổ sung là tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe từ một tháng đến batháng.
Mức phạt từ 3 triệu đồng đến 4 triệu đồng áp dụng với người điều khiển xe máy không chấp hành yêu cầu kiểm tra về chất ma túy, nồng độ cồn của người thi hành công vụ; điều khiển xe trên đường mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá 80 miligam/100 mililít máu hoặc vượt quá 0,4 miligam/1 lít khí thở.
Hình phạt bổ sung là bị tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe từ 3 tháng đến 5 tháng.