Ngày 25/3, ông Trần Sơn Hải – PCT UBND Khánh Hòa và các Sở ngành đã có buổi làm việc với Đoàn công tác liên ngành về tình trạng tour giá rẻ do ông Nguyễn Hoàng Hải - Vụ trưởng vụ Kinh tế Dịch vụ, Bộ Kế hoạch Đầu tư làm trưởng đoàn.
Du lịch Khánh Hòa tăng trưởng mạnh trong những năm vừa qua. (Ảnh: Khải An)
Tại buổi làm việc, ông Trần Việt Trung – Giám đốc Sở du lịch cho biết, từ năm 2014 đến 2018, du lịch Khánh Hòa luôn trên đà tăng trưởng tốt. Đặc biệt trong giai đoạn 2017-2018 lượng khách Trung Quốc tăng trưởng đột biến (luôn chiếm hơn 67% lượng khách quốc tế đến Khánh Hòa) nên dẫn đến nhiều bất cập.
Ông Trung cho rằng, tại Khánh Hòa không có tour 0 đồng. Cụ thể, vị Giám đốc Sở dẫn chứng khách Nga chi tiêu bình quân chuyến đi 1.565,12 USD/14ngày (khoảng 110,84USD/ngày); khách Trung quốc chi tiêu chuyến 583,05 USD/4,5 ngày (khoảng 117USD/ngày); khách Hàn chi tiêu chuyến khoảng 740USD/3,4 ngày (khoảng 216,15USD/ngày).
Theo đó, tổng doanh thu du lịch năm 2018 đạt 22.000 tỉ đồng, tăng 27,16% so với năm 2017, đạt 101,38% so với kế hoạch được giao. Đóng góp của ngành dịch vụ, du lịch vào GRDP tỉnh Khánh Hòa trong năm 2018 đạt khoảng 7,6% góp phần tích cực và sự tăng trưởng kinh tế địa phương.
Tuy nhiên, lãnh đạo Sở Du lịch cũng thừa nhận những bất cập trong khi du khách tăng trưởng nhanh, đặc biệt là khách Trung Quốc tăng đột biến.
Cụ thể, trong năm 2018, Chi cục quản lý thị trường tỉnh này đã kiểm tra 40 cơ sở kinh doanh phát hiện 26 cơ sở vi phạm về các trường hợp không hàng hóa ghi nhãn mác, không rõ nguồn gốc. Đối với các điểm kinh doanh dịch vụ ăn uống sử dụng nhân viên không có giấy chứng nhận an toàn vệ sinh thực phẩm. Theo đó, đơn vị này đã xử phạt tổng cộng 435 triệu đồng, tịch thu 900 đơn vị sản phẩm trị giá trên 200 triệu đồng.
Khách Trung quốc tăng nhanh dẫn đến một số bất cập. (Ảnh: Khải An)
Đại diện Sở LĐ TB-XH Khánh Hòa cho biết có khoảng 120.000 người hoạt động trong lãnh vực du lịch (lao động làm việc trực tiếp khoảng 48.000 người), trong đó lao động nước ngoài tham gia được cấp phép 323 người, nhiều nhất là Nga và Đông Âu. Riêng thị trường chiếm 67% khách quốc tế đến Khánh Hòa chỉ có 9 người Trung Quốc được cấp phép.
Theo đó, xuất hiện tình trạng lao động "chui" qua hình thức nhập cảnh bằng visa du lịch. Sở này cùng đoàn liên ngành đã kiểm tra và xử phạt 120 trường hợp phạt gần 3 tỉ đồng.
Đại diện Sở LĐ TB-XXH cũng cho biết, rất khó để bắt quả tang lao động không phép vì các cuộc kiểm tra liên ngành đều được thông báo trước nên các cơ sở có thời gian đối phó. Chỉ khi nào kiểm tra đột xuất với công mới "thắng" được.
Đại diện Sở Tài chính cũng cho rằng hiện giá phòng, giá tour và giá buôn bán các sản phẩm rất khó kiểm soát. Đơn cử giá phòng, giá tour các đơn vị đăng ký với Sở giá cao nhưng bán giá thấp trong khi luật chỉ xử phạt bán cao chứ chưa xử lý các trường hợp bán thấp.
Ngoài ra, việc thanh toán bằng thẻ qua các loại POS hoặc hình thức thanh toán thông qua mã phản hồi nhãn (QP code) vẫn chưa có giải pháp để quản lý, chống thất thoát thuế do các qui định của pháp luật thông qua POS rất khó khăn do máy có hình thức nhỏ gọn, dễ cất giấu và khó phân biệt đâu là máy hợp pháp và máy hoạt động trái phép.
Thông qua ý kiến các Sở ngành, PCT UBND tỉnh Khánh Hòa cho rằng các cơ quan chức năng ở địa phương đang hết sức lúng túng khi áp dụng các quy định hiện hành để xử lý, hạn chế các tiêu cực từ tour giá rẻ.
Ông Trần Sơn Hải cho biết, Khánh Hòa đang hết sức lúng túng khi áp dụng các quy định hiện hành để xử lý, hạn chế các tiêu cực từ tour giá rẻ. (Ảnh: Khải An)
Việc các cơ quan chức năng đề nghị phải có giá sàn áp dụng cho các dịch vụ cũng rất khó thực hiện trong thời điểm cạnh tranh hiện nay. Cụ thể, như các mặt hàng phục vụ du lịch không nằm trong danh sách quản lý về giá thì không biết thế nào là đạt chất lượng. Hay như hiện nay, Luật Quản lý giá không còn phù hợp theo kiểu "niêm yết giá, bán theo giá niêm yết" vì thực tế giá cả thị trường rất uyển chuyển.
Ông Nguyễn Quý Phương - Vụ Trưởng Vụ Lữ hành (Tổng cục Du lịch, Bộ Văn hóa Thể thao Du lịch) cho rằng cần có cái nhìn khách quan về tour du lịch giá rẻ. Đây là hình thức cạnh tranh bằng giá, tiết kiệm chi phí trong hoạt động kinh doanh.
Thực chất khách du lịch vẫn phải chi trả cho các dịch vụ lưu trú, ăn uống, thăm quan, vận chuyển và các dịch vụ khác tại điểm đến nên tạo ra doanh thu, việc làm, kích thích sản xuất, thúc đẩy tiêu thụ dịch vụ và hàng hóa cho địa phương.
"Vấn đề là kiểm soát dòng tiền, các sản phẩm nào bán hàng cho người nước ngoài. Chúng ta cần làm rõ việc mua sắm có mang hiệu quả du lịch có hay không? Nếu thất thu thì tính toán được tỷ lệ bao nhiêu? Tôi đang rất băn khoăn về tính hiệu quả của các tour du lịch này, thực sự có phải là tour giá rẻ không?"- ông Phương nói.
Lao động người Trung Quốc đi chợ truyền thống tại Nha Trang. (Ảnh: Khải An)
Đúc kết buổi làm việc, ông Nguyễn Hoàng Hải - Vụ trưởng vụ Kinh tế Dịch vụ, Bộ Kế hoạch Đầu tư cho biết ngoài Khánh Hòa, Đoàn liên ngành sẽ làm việc với Đà Nẵng, Quảng Ninh, đây là những đơn vị được dư luận, báo chí phản ánh nhiều về tour giá rẻ.
"Đoàn sẽ nắm tình hình quản lý du lịch ở từng địa phương, quan tâm đến việc quản lý chất lượng hàng hóa, quản lý các hệ thống cửa hàng, quản lý về giá cả về tour tuyến. Đoàn cũng đánh giá về thuế và giá, việc quản lý dòng tiền ra sao? Cơ sở pháp lý như thế nào? quy mô rộng cho toàn quốc?
Đồng thời Đoàn sẽ tổng hợp, tham khảo các ý kiến của các Sở ngành để đưa ra quan điểm, giải pháp về thuế, thanh toán, quản lý hoạt động mua bán hàng hoá, an ninh trật tư, nguồn nhân lực, quản lý công ty lữ hành, công tác tuyên truyền…", ông Hải cho biết.