- Chào Khánh Thi, mang thai lần thứ hai chắc chắn sẽ mệt hơn cả lần đầu, tại sao chị không sắp xếp thời gian nghỉ ngơi mà lại di chuyển và làm khá nhiều việc trong thời gian này?
Về công việc chấm thi, một cuộc thi một năm chỉ có một hai giải thôi. Tất cả các lời mời đều được gửi đến tôi trước cả năm. Có bằng trọng tài quốc tế là một vinh dự. Ở Việt Nam, cũng không có nhiều trọng tài quốc tế. Ban tổ chức luôn muốn mời những trọng tài có bằng cấp có chuyên môn giỏi để đi chấm những giải đấu lớn. Kế hoạch đã lên sẵn, không thể từ chối. Tôi lại là người tổ chức giải. Các giải của tôi cũng chốt theo tháng, tức là khi bạn đã tổ chức giải đấu nào đó vào tháng nào đó trong năm thì sau đó, giải đấu đó phải tổ chức vào tháng đó hàng năm mới được gọi là giải thường niên. Chúng ta không hể nổi hứng mà dời giải đấu lên sớm hay chuyển xuống muộn. Môn nghệ thuật này của tôi không như thế. Bên cạnh đó, chúng tôi cũng phải đi theo lịch của vận động viên. Ví dụ giải mình tổ chức nhắm vào các vận động viên nhí thì phải tổ chức khi các bé đã thi học kì xong, còn nhắm vào các vận động viên cao hơn thì phải tổ chức vào cuối năm hoặc đầu năm thì họ mới tham gia được. Đứng ở vai trò người tổ chức giải phải luôn nghĩ cho người ta trước hơn là nghĩ cho mình. Nếu nghĩ cho mình mà huỷ cả một cái giải đấu càng không được.
Cách đây một tuần, tôi vừa tổ chức giải đấu ở Đà Lạt. Đây là lần thứ 13 tôi tổ chức nhưng lại là lần đầu tiên tại thành phố ngàn hoa này. Tôi nghĩ chỉ khoảng 200 vận động viên đến nhưng không ngờ có đến 500 vận động viên đến từ 40 tỉnh thành. Quá khủng khiếp. Chúng tôi phải chấm từ 8h sáng đến 22h đêm. Cuối tháng 4 này tôi lại có thêm giải thưởng kết hợp cùng với anh Chí Anh. Vì hơn 10 năm, Khánh Thi và Chí Anh mới lại kết hợp tổ chức một giải đấu tên là CK. Năm ngoái đã tổ chức quá thành công kéo dài 2 ngày liền. Năm nay, chúng tôi phải tổ chức năm thứ hai vì đã là thường niên. Chúng tôi gặp khá nhiều áp lực từ khâu tổ chức. Tiền bỏ ra tổ chức đã gần 1 tỉ. Chúng tôi phải lo hơn 2000 giải thưởng, khá là mệt. Tuần nào tôi cũng bay đi.
Khánh Thi: "Mang thai lần hai, tôi hay giận hờn, nóng tính và nghi ngờ hơn". |
- Hiện tại chỉ có chị và anh Chí Anh bỏ tiền bỏ tâm sức ra để tổ chức những giải đấu cho bộ môn dance sport. Tuy nhiên, nhiều người không hiểu sẽ nghĩ chị bỏ tiền ra để lấy tiếng?
Tôi không cần để lấy tiếng. Trong giới thể thao, không ai nghĩ tôi như thế. Tất cả mọi người đến để ủng hộ cho tôi là chính. Điều mà họ có được khi đến giải đấu của tôi là được gặp các vận động viên quốc tế ở đỉnh cao, thậm chí là được xem các nhà vô địch thế giới về biểu diễn. Tôi luôn luôn mời giám khảo, các nhà vô địch thế giới về giảng dạy. Đây là điều không ai dám làm. Mọi người đều đặt lợi nhuận lên hàng đầu nhưng tôi lại đặt chuyên môn lên hàng đầu. Một phần là ông xã tôi cũng còn đang thi đấu. Ông xã tôi không thể nào bay sang nước ngoài học, bắt buộc tôi phải mời về. Thà mất một lần tiền mà đỡ phải bay sang nước ngoài lại có thể mời được các nhà vô địch thế giới về giảng dạy hơn mời hạng B, hạng C.
- Chị có gặp nhiều khó khăn khi vừa mang bầu vừa tất bật lo cho công việc?
Thật ra khi phụ nữ còn trẻ, mang thai sẽ dễ dàng. Cơ thể khoẻ hơn nhiều. Từ ba mươi trở lên đã gọi là trung niên, tôi đang ở giai đoạn này. Khi tôi đi bệnh viên, thay vì người ta xét nghiệm chỉ 2 triệu, tôi xét nghiệm lên đến 16 triệu. Lúc thanh toán, tôi hơi bất ngờ: "Ơ, sao xét nghiệm gì mà nhiều tiền thế?". Họ bảo tôi là là bà bầu cao tuổi nên phải gửi xét nghiệm sang tận Mỹ. Tôi nghe xong hơi choáng. Bắt đầu từ đó về sau, các xét nghiệm của tôi đều cao hơn người bình thường. Cái gì cũng phải xét nghiệm. Phụ nữ sau 35, mọi thứ đều phải cẩn thận vì sức khoẻ của mẹ và cả bé.
- Nghe gọi mình là "bà bầu cao tuổi" chị cảm thấy thế nào?
Tôi bình thường. Trẻ thì phải khác hơn người có tuổi chứ. Ví dụ vợ anh Chí Anh vừa mới sinh con xong được một năm đã có thai. Tôi bảo vừa mới sinh mà lại sinh nữa à? Anh ấy nói: "Phải vài đứa nữa. Còn trẻ đẻ cho khoẻ". Trong đầu mọi người luôn nghĩ phụ nữ còn trẻ, sinh nở sẽ tốt hơn. Vì thế, tôi càng phải giữ gìn sức khoẻ.
Tôi từ lúc mang thai đến giờ không có tuần nào ở nhà. Theo lịch cứ vào cuối tuần là tôi lại bay. Tôi bay đến độ hãng hàng không sợ tôi vì gặp tôi hàng ngày. Có hôm, tôi bay từ Ý về, xe cứu thương chờ sẵn tôi ở chân máy bay. Thang chở đồ của máy bay phải đưa tôi xuống đi thẳng ra đường riêng để cấp cứu. Bay đến hai mươi mấy tiếng, tôi không thở được nữa. Tôi đến bệnh viện thở oxy trước. Ông xã tôi làm thủ tục check out riêng.
- Khi chị mang thai lần hai, tâm sinh lí có thay đổi nhiều so với lần đầu không?
Khác nhiều lắm. Tôi hay giận hờn, nóng tính hơn và nghi ngờ hơn. Tôi không biết cũng không giải thích được mình nghi ngờ gì. Tôi chỉ biết mình hay tủi thân. Ai mang bầu cũng bị thế. Cứ luôn đẩy mình vào góc tối và nghĩ rằng người ta không giúp đỡ mình. Khi mình mệt có ai biết mình mệt như thế nào đâu. Ví dụ khi tôi đau, ông xã bảo: "Thương em quá, bây giờ anh phải làm sao?". Tôi muốn anh ấy phải làm cái gì đó nhưng không nghĩ ra anh ấy nên làm cái gì, còn anh ấy thương nhưng lại không biết làm gì cho vợ. Từ những cái đó, tôi tự đưa mình vào thế cực đoan, bi quan hơn.
- Con trai đầu lòng mới hai tuổi, tại sao chị lại quyết định có con thứ hai sớm thế?
Đây không phải là sớm. Người ta bảo nếu sinh con thì nên sinh liền tầm hai năm một đứa. Để cách nhau 5 năm mới sinh, cái tuổi của tôi không chờ được. Hơn nữa, tôi sinh mổ. Tầm hai năm, vết mổ sẽ lành tròn vẹn. Tôi lớn tuổi rồi, độ đàn hồi da không thể nào bằng các bạn trẻ. Tôi dự định năm 2019 mình mới sinh con thứ hai vì hợp cả tuổi bố tuổi mẹ. Bé thứ hai này nằm ngoài kế hoạch. Lần sinh Kubi cũng là vỡ kế hoạch. Không biết được lúc nào là bầu nữa. Có mấy lần tôi tưởng mình mang thai. Hai vợ chồng hì hục thử thì hụt. Lần này, tôi mang thai đến gần ba tháng mới cảm thấy bản thân mình khác lạ, thử mới biết có thai thật.
- Tâm sinh lí của chị thay đổi như thế dù không cố ý nhưng có khi nào chị xả giận vào ông xã không?
Không. Vì ông xã tôi đã kinh nghiệm đầy mình khi tôi có bầu lần đầu tiên. Tôi có nhu cầu gì anh ấy đều biết. Chẳng hạn, đưa vợ đi ăn sáng, đưa vợ đi mua sắm... Phụ nữ mà được chiều chuộng là xong hết.
Chị và chồng đã lên kế hoạch chăm sóc con cái sau khi sinh?
Ai cũng phải chuẩn bị tâm lí về vấn đề này. Tôi lại là một người luôn lên sẵn kế hoạch cho bản thân trước cả năm. Bây giờ, tôi cho phép mình được di chuyển bay đi đây đó đến tháng 5 và sau đó trước hai tháng sinh là phải nghỉ ở nhà, không được đi đâu cả. Trong hai tháng đó, ông xã cũng không được đi đâu luôn. Hiện tại, hai vợ chồng đi đâu cũng có nhau vì tôi không đi là anh ấy cũng không đi. Hai vợ chồng thống nhất với nhau như thế để đỡ ganh tị, nghi ngờ nhau. Vậy cho lành.
Tôi may mắn có bố mẹ chồng rất thương yêu. Mọi chuyện từ đi học đến ăn uống của Kubi đều được ông bà lo. Thậm chí, ông bà cố cũng cưng Kubi nên chăm hết. Không đến lượt tôi đâu. Đôi khi tôi chỉ việc ngồi chơi với con là ông bà vui rồi.
- Chị có quá nhiều việc dù đang mang thai. Có khi nào ông xã cằn nhằn chị nên bớt việc lại để lo cho sức khoẻ lo cho con không?
Chồng lúc nào cũng lo cho tôi. Anh ấy cứ bảo phải bớt việc nhưng tôi không nghe. Với tôi, ông xã là một người rất tâm lí. Bạn bè xung quanh tôi đều nói anh ấy ga lăng.
- Lần trước anh Phan Hiển có nói sẽ tổ chức một hôn lễ dành cho vợ. Vậy sau khi sinh, chị và chồng sẽ tiếp tục kế hoạch chứ?
Chúng tôi định cưới thì mang bầu rồi. Chúng tôi cũng chưa biết có tổ chức hôn lễ không. Thật ra, các bạn thấy hai vợ chồng tôi chung sống từ nhà cửa đến cơ sở vật chất, cuộc sống riêng từ đều đã ổn định. Việc cưới xin không quan trọng bằng việc mình có ổn định hay không. Showbiz mà, nhiều khi cưới xong lại đủ thứ chuyện, không đâu vào đâu. Đôi khi tôi cũng hơi duy ý chí một chút. Người nghệ sĩ được cái này mất cái nọ. Nếu mình đòi hỏi quá lại không trọn vẹn. Bản thân muốn khoe tất cả mọi thứ đều có thì trời chả cho ai đủ như thế. Cưới cũng chỉ là một hình thức, một bữa tiệc. Tôi không muốn phô trương, cứ sống vui là được.
- Kubi càng lớn, chị thấy bé giống ai hơn?
Giống cả hai vợ chồng. Ngoại hình giống bố. Tính cách vừa giống tôi lại vừa giống ông xã. Về độ khó tính thì con trai y chang tôi. Về sạch sẽ và nghiêm túc thì giống tôi lắm. Ví dụ tôi bảo Kubi đi với tôi. Lúc tôi còn đang bấm điện thoại thì con trai đã lấy sẵn đôi dép của tôi để sẵn và bảo: "Mẹ mang vào đi". Khi bước ra đường là nắm chặt tay tôi. Về đến nhà, Kubi phải tháo giày ra và đặt đúng vị trí ban đầu. Kubi là một người vô cùng ngăn nắp. Tôi là chuyên gia sai vặt và Kubi thì răm rắp nghe lời và bé luôn đặt đúng những vị trí mà tôi đã để trước đó. Vì con ngăn nắp nên sẽ khó tính. Khi chơi thì con lại chơi không biết mệt mỏi, chơi hết ga như bố.
- Có với nhau hai mặt con rồi, chị có điều gì vẫn chưa hài lòng ở chồng mình không?
Có cả tỉ thứ không hài lòng ấy chứ. Nhưng đó chỉ là những điều nhỏ. Vì khi hai người đã bỏ qua mọi thứ để chung sống và có con thì còn gì mà không hài lòng. Điều chấp nhặt đầu tiên và lớn nhất là ông xã nhỏ tuổi hơn mình. Khi nhỏ tuổi hơn thì mình luôn cho rằng người ta không giỏi và không nhiều kinh nghiệm bằng mình. Nếu tôi bỏ qua được hai điều trên thì mọi thứ người ta làm cho tôi tự khắc sẽ cảm nhận vô cùng vĩ đại.
- Chị có thấy ông xã thay đổi nhiều vì chị và các con?
Ông xã thay đổi nhiều lắm. Riêng chuyện anh ấy nhịn và sống được với tôi là một thay đổi quá lớn. Tôi không thể cứ mãi ngồi đếm chuyện anh thay đổi. Quan trọng là tôi hơn tuổi chồng nhưng tôi vẫn vui, vẫn thích sinh con và vẫn thích làm việc. Bên cạnh mình có ông chồng tương đối tâm lí, không lăng nhăng.
- Chị và chồng ai là người ghen nhiều hơn?
Bên nào có đối tượng lọ mọ tiến đến thì sẽ bắt đầu ghen. Điều này tuỳ thời điểm. Chúng tôi đều có bạn nhảy và tất nhiên chúng tôi phải có những thoả thuận nhất định mới cho bạn đời của mình ôm người khác mà nhảy. Chúng tôi đều phải tự hiểu giới hạn của mình. Một bên phải ý thức chuyện mình đã có vợ con, một gia đình ổn định. Một bên là người vợ cũng phải như thế nào mới cho phép mình thoải mái nhảy với người khác, tức là người vợ đã hi sinh rất nhiều. Người đàn ông đã hiểu được điều đó sẽ cảm thấy mãn nguyện hơn. Bản thân mình cũng thế, mình đã chấp nhận hi sinh nhưng vẫn tỏ thái độ ghen tuông cũng gây khó khăn cho chồng mình. Để dung hoà được mối quan hệ vợ chồng khi có sự làm việc cùng bạn nhảy, hai vợ chồng tôi đã ngồi nói chuyện với nhau rất nhiều. Chúng tôi đã trải qua rất nhiều giai đoạn, thậm chí là bất đồng, giờ cả hai đang trong giai đoạn ổn định.
- Anh Phan Hiển từng chia sẻ, sau khi chị sinh con thứ hai sẽ muốn chị ở nhà kinh doanh, chăm con và chăm sóc sức khoẻ, chị nghĩ sao về suy nghĩ này của chồng?
Để tôi suy nghĩ lại (Cười). Ông xã thấy tôi vất vả nhiều quá rồi. Năm nay tôi gần như ngừng showbiz. Tôi không tham gia nữa. Nó hơi phù phiếm đối với tôi. Mỗi người có một điểm dừng riêng. Nhiều nghệ sĩ dừng không kịp hay lúc về già phanh không kịp. Tôi chứng kiến nhiều hoàn cảnh khá thương tâm mà các đồng nghiệp khác phải chung tay giúp đỡ. Lúc còn trẻ không có sự chuẩn bị cho tương lai là không ổn. Tôi đã có sự chuẩn bị riêng cho mình. Bây giờ, tôi có lên thêm sóng truyền hình, tôi vẫn là tôi. Trừ khi tôi có bài hát nào nổi lắm, tôi cũng chỉ thêm được vài show diễn, cũng chỉ thêm được chừng 500-700 triệu trong một tháng. Một năm được khoảng 5 – 7 tỉ. Bạn thử lấy 5-7 tỉ này chia ra 10 năm sống tiếp theo thì còn được bao nhiêu? Tính một bài toán như thế thì liệu bạn có sống nổi không nếu vẫn cứ mua hàng hiệu, đi siêu xe?
Một anh đại gia cũng chỉ yêu bạn được 3-5 năm, chu cấp cùng lắm hai cái nhà nhưng đứng chủ quyền nhà cùng với bạn, không ai tặng nhà mà cho mình đứng tên một mình đâu. Đại gia lỡ vào tù cũng còn chút tài sản mà bạn đứng tên cùng. Đó là một sự thật không ai dám nói. Bạn sống với những điều phù phiếm đó để làm gì? Tôi từng đầu tư một MV với 200-300 triệu. Tôi đi diễn bù lại được khá nhiều. Nhưng rồi cũng có đi đến đâu vì tôi không chuyên tâm đi làm ca sĩ như người khác. Tôi biết khả năng của mình không thể trở thành ca sĩ hạng A như Hồ Ngọc Hà được nên đầu tư mạnh làm gì. Tôi thích thì tôi hát những bài về con về mẹ, hát cho tôi vui, hát cho khán giả có thêm bài hát. Tôi xác định mình đầu tư cho đào tạo dài hạn hơn đầu tư nhà hàng, quán bar. Con chúng ta lớn lên bao giờ cũng cần phải học một chút về nghệ thuật để có tư duy. Đây lại là chuyên môn của mình nên sẽ càng sống lâu hơn.
- Chị có sự tính toán này từ khi nào?
Từ bé. Khi tôi vô địch châu Á 2009, đến giờ tôi vẫn nói không ai nhảy giống tôi và không ai nhảy được bằng tôi cho dù tôi đã 37 tuổi. Tôi bắt đầu hạn chế nhảy từ 2009. Nếu tôi không nghỉ thì ai ra làm kinh tế. Tôi mà giống ông xã cứ mỗi mùa giải tốn hết mấy trăm triệu, một năm tốn mấy tỉ thì ai nuôi tôi? Tôi phải tự nuôi tôi. Lúc đó ông xã đã yêu, đã nuôi gì đâu vì cả hai còn chưa biết trước tương lai ra sao. Tôi phải hi sinh trước. Tôi phải đi dạy học và đi theo con đường của trọng tài. Sau đó, tôi đẩy ông xã vào vai trò của tôi là vận động viên, là lớp kế cận. Những tính toán của tôi, mọi người không hiểu được vì đó là những nước tính xa. Họ bảo tôi bị khùng nhưng tôi không hề khùng.
Cảm ơn chị về buổi trò chuyện này!
Không ngây thơ như Thanh Thảo của 'Hạ cuối tình đầu', Gia Linh hóa nàng thơ trong bộ ảnh mới
Nếu như trong phim "Hạ cuối tình đầu", Gia Linh vào vai Thanh Thảo ngây thơ, đáng yêu thì trong bộ ảnh mới đây, cô ... |
Đây là lý do Nam Em chưa muốn sinh con
Sau scandal tình cảm với Trường Giang, Nam Em chia sẻ: "Mọi người đừng có để ý đến tôi nữa. Mọi người nên dành thời ... |
Mỹ Tâm và những lần đầu tiên, duy nhất của showbiz Việt
Cùng nhìn lại những điều đã làm nên tên tuổi của Mỹ Tâm sau gần 20 năm hoạt động nghệ thuật. |