Vào thế kỉ 19, giới thượng lưu ở Anh quốc đã trải nghiệm một hình thức giải trí đặc biệt được gọi là các bữa tiệc khí cười, liên quan đến việc hít Nitrous Oxide (N2O) với mục đích gây hưng phấn hoặc ảo giác nhẹ.
Theo ABC News, tác giả và nhà sử học Mike Jay đã viết rằng có những "khoảnh khắc kì lạ" xuất hiện trong các bữa tiệc khí cười:
"Nó chắc hẳn giống như một màn trình diễn".
"Những người tham dự bữa tiệc sẽ hét lên: "Hãy cho tôi nhiều hơn, cho tôi nhiều hơn; đây là điều thú vị nhất tôi từng trải qua".
"(Những người khác) đang chạy lên xuống cầu thang và khắp nhà, nói những điều kì lạ mà họ sẽ quên sau đó ".
Bức tranh miêu tả một bữa tiệc khí cười trong thế kỉ 19. (Ảnh: Thư viện Y khoa Quốc gia, Luân Đôn)
Những buổi tiệc tùng như vậy lan rộng khắp Đại Tây Dương đến Hoa Kì, nơi tác dụng giảm đau và gây tê của N2O được công nhận. Mặc dù cuối cùng các bữa tiệc khí cười không còn mang đến cảm xúc mới lạ, khí Nitrous Oxide vẫn được ứng dụng rộng rãi trong y khoa cho đến ngày nay, trang Ancient Origins thông tin.
Ngược dòng lịch sử, khí N2O được phát hiện lần đầu tiên vào năm 1772 bởi nhà hóa học người Anh Joseph Priestley. Priestley đã công bố phát hiện này ba năm sau đó trong "Các thí nghiệm và quan sát về các loại không khí khác nhau", trong đó N2O (mà ông coi là "không khí") được mô tả là không màu, ngọt ngào và có mùi khá dễ chịu. Priestley không tiến hành các thí nghiệm tiếp theo về những câu hỏi về khí này bị bỏ ngỏ trong vài thập kỉ sau đó.
Đến năm 1799, mối quan tâm về N2O mới được hồi sinh. Trong khoảng thời gian này, viện Khí nén được thành lập bởi bác sĩ người Anh Thomas Beddoes với mục đích tiến hành nghiên cứu về các đặc tính trị liệu của các loại khí. Beddoes muốn biết liệu một số loại khí có thể sử dụng để điều trị các bệnh về đường hô hấp, đặc biệt là bệnh lao, căn bệnh chết người vào thời điểm đó. Beddoes đã thuê Humphry Davy khi ấy mới 20 tuổi làm giám đốc đầu tiên của viện.
Trong khi Beddoes điều hành phòng khám nơi bệnh nhân có thể ở lại để điều trị, Davy đã thực hiện các thí nghiệm trên nhiều loại khí khác nhau, bao gồm cả N2O.
Ngoài ra, nhà phát minh người Scotland, James Watt (cha đẻ của động cơ hơi nước, phát minh đóng góp rất lớn cho cuộc Cách mạng Công nghiệp) đã phát triển một thiết bị giúp Beddoes truyền khí cho bệnh nhân của mình hiệu quả hơn.
Không chỉ được thử nghiệm trên nhiều loại động vật khác nhau, thí nghiệm về các loại khí cũng được tiến hành trên người và chính Davy đã ghi lại cảm giác của mình khi hít khí N2O.
Sau khi tự mình thử nghiệm thêm vài tháng, ông đã mời các nhà nghiên cứu, một số bạn bè và bệnh nhân tại viện thử khí. Một trong những người bạn của ông, nhà thơ Robert Southey đã viết trong một lá thư gửi anh trai mình rằng "Dav Davy đã thực sự phát minh ra một niềm vui mới mà ngôn ngữ không thể gọi tên".
Những người tham dự bữa tiệc khí cười mô tả lại tiếng cười miễn cưỡng và trạng thái "ngây ngất" mà họ trải qua. (Ảnh: Wellcome Collection).
Xem xét ảnh hưởng đối với cơ thể con người, Davy đặt tên cho khí N2O là "khí cười". Nó còn được gọi là "khí gây say" hay "khí thiên đường". Davy tiếp tục tổ chức những bữa tiệc khí cười cho bạn bè và yêu cầu họ ghi lại trải nghiệm của mình.
Hiệu quả tức thì của khí cười bộc lộ quá rõ ràng nhưng Davy không hề nhận ra tác dụng phụ của nó. Davy sau đó bị nghiện, nhưng may mắn là ông vẫn có thể thoát khỏi cơn nghiện và tiếp tục tiến hành nghiên cứu trong các lĩnh vực khác.
Trong khi đó, các bữa tiệc và triển lãm khí cười dần trở nên phổ biến, không chỉ ở Anh mà còn ở Hoa Kì. Tháng 12 năm 1844, Horace Wells, một nha sĩ ở Hartford, Connecticut và vợ của ông, Elizabeth đã tham dự một buổi biểu diễn khí cười được dàn dựng bởi Gardner Quincy Colton.
Một trong những người quen của Wells đã bị thương ở chân trong buổi biểu diễn. Tuy nhiên khi được tiêm một lượng nhỏ khí cười, anh ta dường như không có dấu hiệu đau đớn. Wells tự hỏi liệu khí này có thể sử dụng cho các mục đích y học?
Wells đưa ra giả thuyết rằng trong khi khí cười ở liều thấp gây ra sự chuếnh choáng, say sưa thì liều cao hơn sẽ khiến người ta mất cảm giác. Giống như Davy, Wells quyết định biến mình thành chuột bạch.
Sau khi uống một liều khí cười cao, vị nha sĩ không hề cảm thấy đau khi nhổ răng khôn, từ đó chứng minh giả thuyết của mình là đúng.
Tuy vậy, sự nghiệp của Wells lại dần tụt dốc. Ông đã thất bại trong bài diễn thuyết đầu tiên về khí cười trước công chúng và phải đến châu Âu để tìm sự hỗ trợ cho phát hiện của mình. Wells cũng không thành công ở đây và khi trở về Hoa Kì, ông nhận ra việc gây mê ether đã trở nên phổ biến
Wells tiếp tục thử nghiệm khí cười và phải gánh chịu hậu quả tai hại. Ông nghiện nó và một ngày nọ do ảnh hưởng của khí cười, Wells lao ra đường và ném axit sulfuric lên quần áo của hai gái mại dâm. Ông bị giải đến nhà tù Tombs ở New York và đã tự sát khi đầu óc tỉnh táo trở lại và nhớ ra những việc mình làm.
Sau này, tầm quan trọng của khí N2O trong lĩnh vực gây mê đã được khẳng định và người ta vẫn sử dụng nó khi thực hiện một số cuộc giải phẫu cho đến ngày nay.
Những tác động nguy hiểm của khí Nitrous Oxide
Nitrous Oxide có thể làm giãn các phản xạ và ức chế, dẫn đến mất ý thức và gây mê.
Sự mất phản xạ có điều kiện do khí này gây ra có thể kích thích tiếng cười (do đó nó thường được gọi là khí cười).
Nó cũng có thể có gây ra trầm cảm.
Việc sử dụng thường xuyên có nguy cơ gây tổn thương thể chất vĩnh viễn và không thể phục hồi, bao gồm cả chứng bại liệt.