Theo Cổng thông tin điện tử tỉnh Đồng Tháp, Ban Chỉ đạo triển khai thực hiện cao tốc An Hữu - Cao Lãnh đã họp về tình hình thực hiện cao tốc An Hữu - Cao Lãnh. Tại cuộc họp, đơn vị tư vấn trình bày với Ban Chỉ đạo về báo cáo nghiên cứu khả thi cao tốc Cao Lãnh - An Hữu, giai đoạn 1 (Dự án thành phần 1).
Về tiến độ thực hiện dự án, Ban cán sự Đảng Ủy ban nhân dân tỉnh cho biết, đến ngày 18/11 đã cắm được 516/623 cọc giải phóng mặt bằng bằng bê tông, thuộc Dự án thành phần 1 trên địa bàn huyện Cao Lãnh; đã bàn giao cho Trung tâm Phát triển quỹ đất được 422 cọc giải phóng mặt bằng.
Dự án thành phần 1 có diện tích thu hồi đất khoảng 55 ha, có 450 hộ dân bị ảnh hưởng, số nhà ở thu hồi là 45 căn, trên 23.800 cây trồng các loại.
Sở Giao thông vận tải đã có văn bản trình Bộ Tài nguyên và Môi trường đề nghị thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường của dự án; trình Bộ Giao thông Vận tải thẩm định Báo cáo nghiên cứu khả thi Dự án (Dự án thành phần 1).
Lãnh đạo tỉnh đề nghị các bộ phận có liên quan tiếp tục đẩy nhanh tiến độ thực hiện các nội dung công việc của dự án, cũng như phối hợp chặt chẽ với các cơ quan Trung ương để triển khai các bước tiếp theo, đảm bảo khởi công theo mục tiêu đề ra (dự kiến 30/4/2023).
Bí thư Tỉnh ủy thống nhất theo ý kiến của Ban cán sự Đảng Ủy ban nhân dân tỉnh là nghiên cứu nâng giá bồi thường một số loại cây trồng cho phù hợp và sớm thống nhất phương án bồi thường, phê duyệt trong tháng 12.
Hai địa phương có dự án đi qua (huyện Cao Lãnh, huyện Tháp Mười) đẩy nhanh tiến độ hoàn chỉnh hạ tầng, phương án bố trí nền tái định cư để người dân ổn định cuộc sống - Bí thư Tỉnh ủy đề nghị.
Về cao tốc Cao Lãnh - An Hữu, mới đây, lãnh đạo tỉnh Đồng Tháp cũng đã chủ trì cuộc họp báo cáo cuối kỳ dự án thành phần 1 của Sở Giao thông Vận tải và đơn vị tư vấn.
Theo đơn vị tư vấn, phạm vi đầu tư dự án thành phần 1 có điểm đầu giao với cao tốc Mỹ An - Cao Lãnh, tại huyện Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp; điểm cuối giao với tuyến đường tỉnh ĐT.850. Quy mô đầu tư giai đoạn 1 là 4 làn xe, bố trí làn xe dừng khẩn cấp không liên tục. Nhu cầu sử dụng đất cho dự án hơn 101 ha.
Đơn vị tư vấn đưa ra hai phương án thực hiện, trong đó phương án 1 có 4,5 km đường gom dân sinh, tổng mức đầu tư 4.401 tỷ đồng; phương án 2 có 7,8 km đường gom dân sinh, tổng mức đầu tư 4.447 tỷ đồng.
Cao tốc Cao Lãnh - An Hữu có tổng chiều dài tuyến khoảng 27 km. Trong đó, đoạn qua địa phận tỉnh Đồng Tháp khoảng 18 km; và đoạn qua địa phận tỉnh Tiền Giang khoảng 9 km.
Điểm đầu giao với tuyến cao tốc Mỹ An - Cao Lãnh (cách nút giao An Bình khoảng 4 km), thuộc xã An Bình, huyện Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp. Điểm cuối giao với tuyến cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận (cách nút giao An Thái Trung khoảng 1,8km), thuộc xã An Thái Trung, huyện Cái Bè, tỉnh Tiền Giang.
Về quy mô, giai đoạn 1 có quy mô 4 làn xe cao tốc hạn chế, bề rộng nền đường 17 m. Giai đoạn hoàn thiện có quy mô 4 làn xe cao tốc hoàn chỉnh, bề rộng nền đường 24,75 m.