Liên quan đến vụ việc một phụ huynh được cho là ép giáo viên trường tiểu học Bình Chánh (Long An) phải quỳ gối xin lỗi, Pháp luật TP.HCM đăng tải bài viết “Vụ cô giáo quỳ gối: Cần khởi tố vụ án!”, trong đó nêu quan điểm cơ quan tố tụng cần khởi tố vụ án để làm rõ vụ việc này.
Hàng trăm ý kiến của độc giả ủng hộ quan điểm nói trên. Bên cạnh đó, một số lại cho rằng nếu khởi tố vị phụ huynh thì phải xử lý hình sự đối với nữ giáo viên vì cũng bắt học sinh phải quỳ khi mắc lỗi.
Trung tá, NCS Đào Trung Hiếu, Chuyên gia nghiên cứu tội phạm học, Bộ Công an, đã nói thêm về vấn đề này.
Trung tá, NCS Đào Trung Hiếu, Chuyên gia nghiên cứu tội phạm học, Bộ Công an. Ảnh NVCC |
Có dấu hiệu làm nhục
Theo Trung tá Đào Trung Hiếu, nếu đúng là có việc cô giáo trường tiểu học Bình Chánh bị ép quỳ gối, hành vi của vị phụ huynh đã có dấu hiệu của tội làm nhục người khác, quy định tại Điều 155 BLHS năm 2015.
Về chủ thể, vị phụ huynh là người có đầy đủ năng lực trách nhiệm hình sự và đủ tuổi chịu trách nhiệm hình sự theo Điều 12 BLHS năm 2015. Về khách thể, hành vi gây sức ép bắt cô giáo quỳ gối nhận lỗi trong hơn 40 phút, trước mặt học sinh và đồng nghiệp, đã xâm phạm đến quyền được bảo vệ danh dự, nhân phẩm của công dân.
Về mặt chủ quan (lỗi, động cơ, mục đích), vị phụ huynh đã thực hiện hành vi phạm tội với lỗi cố ý trực tiếp. Tức là chủ thể biết rõ hành vi của mình là vi phạm pháp luật nhưng vẫn cố tình thực hiện, nhằm hạ nhục cô giáo, khẳng định cái tôi đẳng cấp,... Anh ta kiên quyết bắt cô giáo quỳ, chứng tỏ sự mong muốn cho hậu quả xấu xảy ra với người bị hại.
Về mặt khách quan, hành vi xúc phạm nghiêm trọng đến danh dự, nhân phẩm của người khác là việc bôi nhọ danh dự, nhân phẩm của công dân, làm họ mất uy tín trước mặt mọi người xung quanh. Trong trường hợp này, cô giáo đã bị sỉ nhục, hạ nhục ở chỗ đông người, trước mặt học sinh và đồng nghiệp, phụ huynh khác.
“Nói là có dấu hiệu, chứ việc chứng minh hành vi đó đã phạm vào tội này hay chưa, còn chờ kết quả điều tra xác minh. Cần thiết phải có một cuộc điều tra do cơ quan điều tra tiến hành, thu thập chứng cứ, làm rõ sự việc và xử lý theo đúng quy định của pháp luật” – Trung tá Hiếu nhấn mạnh.
Trường tiểu học Bình Chánh (Bến Lức, Long An). Ảnh: VĂN HỘI |
Không thể xử hình sự cô giáo
Trung tá Đào Trung Hiếu cho rằng việc cô giáo bắt học sinh quỳ là sai so với quy định của ngành giáo dục , tuy nhiên nó có dấu hiệu của tội làm nhục người khác hay không thì cần căn cứ vào khoa học hình sự để xem xét.
Về hành vi khách quan, cả cô giáo và vị phụ huynh nọ đều bắt người khác quỳ, giữa 2 hành vi có tính chất tương đồng. Đều tác động đến thân thể người khác, gây ra những phản ứng tâm lý không thoải mái hoặc ức chế.
“Nhưng hậu quả của hai hành vi bắt quỳ này là khác nhau, chúng ta cần nhận diện rõ” – Trung tá Hiếu nói.
Theo đó, với hành vi của cô giáo, một vài trẻ có thể thấy chán học, không muốn đến lớp; số khác thấy bình thường, vẫn đi học đều. Còn với hành vi của vị phụ huynh, nó khiến giáo viên cảm thấy nhục nhã (vì phải quỳ gối trước mắt nhiều người, trong đó có học sinh, phụ huynh, đồng nghiệp).
Dấu hiệu vô cùng quan trọng trong tội làm nhục người khác là hậu quả của nó làm cho người bị hại cảm thấy nhục nhã, bởi danh dự nhân phẩm bị xúc phạm nghiêm trọng. Người bị hại sau khi bị làm nhục, bị tổn thương tinh thần nặng nề, không thể duy trì công việc, cuộc sống một cách bình thường được nữa.
“Tôi tin rằng chỉ có cô giáo với sự trưởng thành về thể chất, trí tuệ, vị trí xã hội, mới là người cảm nhận sâu sắc về nỗi nhục do bị xúc phạm, còn nhóm học sinh lớp 4 của cô, chắc rằng chưa ý thức được nhục là gì. Điều này là hết sức quan trọng, bởi nếu người bị hại không cảm thấy nhục thì hành vi xúc phạm không cấu thành tội làm nhục người khác” – vị trung tá nhận định.
Về mặt chủ quan, vị phụ huynh khi bắt cô giáo quỳ trước mặt đông người thì hoàn toàn ý thức được việc làm đó là trái đạo lý, sẽ gây ra sự xấu hổ, nhục nhã của cô giáo, nhưng anh ta vẫn liên quyết gia tăng áp lực, buộc cô giáo thực hiện việc quỳ trong 40 phút. Hậu quả là cô giáo đã phải quỳ và anh ta thỏa mãn với kết quả này.
Trong khi đó, cô giáo bắt học sinh quỳ là vì mất trật tự, phạm lỗi trong giờ học; việc bắt quỳ như một hình phạt để tăng cường kỷ cương lớp học, chứ không nhằm hạ nhục học sinh của mình. Cô giáo không có mục đích hoặc động cơ nào để hạ nhục học trò, mà đây là việc làm thiếu cân nhắc, suy xét, non về nghiệp vụ sư phạm.
“Hành vi bắt học sinh quỳ không chứa đựng yếu tố lỗi trong cấu thành tội phạm của tội làm nhục người khác. Lỗi của vị giáo viên này mang tính hành chính, kỷ luật vì vi phạm quy trình công tắc hay đạo đức nghề nghiệp. Chế tài xử phạt đối với cô giáo là theo quy định của ngành giáo dục, chứ không phải là chế tài hình sự” – Trung tá Hiếu kết luận.