Ngày 23/11, trao đổi với chúng tôi, ông Võ Văn Rơi, Viện trưởng VKSND thị xã Dĩ An (Bình Dương) cho biết, toàn bộ hồ sơ vụ việc lên cơ quan cấp trên để xem xét lại toàn bộ quá trình điều tra vụ tai nạn đặc biệt nghiêm trọng vào ngày 13/2/2017 trên đường Mỹ Phước Tân Vạn (đoạn qua địa bàn phường Tân Bình, TX Dĩ An) khiến hai cháu bé tử vong tại chỗ, hai người khác bị thương tật trên 50%.
Sau gần 9 tháng điều tra, mặc dù trong bản kết luận ghi rõ rằng tài xế Nguyễn Thái Dương không có giấy phép lái xe phù hợp để điều khiển xe khách 29 chỗ và gây tai nạn đặc biệt nghiêm trọng. Nhưng thượng tá Võ Văn Hồng, Thủ trưởng Cơ quan CSĐT Công an thị xã Dĩ An đã ký quyết định không khởi tố hình sự vụ tai nạn này.
Cơ quan chức năng tỉnh Bình Dương đã yêu cầu các cơ quan cấp dưới chuyển toàn bộ hồ sơ lên tỉnh để thẩm định và xem xét lại. Ảnh: Văn Dũng |
Về lý do không khởi tố, kết luận do thượng tá Võ Văn Hồng, Thủ trưởng Cơ quan CSĐT Công an thị xã Dĩ An, ký, viết rằng: "Căn cứ các tài liệu, chứng cứ thu thập được, xét thấy hành vi điều khiển ô tô khách mang biển số 51B-176.41 gây tai nạn của tài xế Nguyễn Thái Dương là do sự cố an toàn kỹ thuật "mất phanh" (yếu tố khách quan).
Việc tài xế Dương không có giấy phép lái xe phù hợp với loại xe điều khiển không phải là nguyên nhân trực tiếp dẫn đến tai nạn, nên không đủ yếu tố cấu thành tội "Vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ".
Ông Võ Văn Rơi, Viện trưởng VKSND thị xã Dĩ An, cũng ký văn bản nhận định nguyên nhân gây tai nạn là do xe bị sự cố an toàn kỹ thuật (mất phanh). Việc công an kiến nghị không khởi tố là đúng quy định pháp luật.
Nói về lý do đồng ý với kết luận không khởi tố hình sự vụ án của Công an thị xã Dĩ An, ông Võ Văn Rơi nói rằng việc xảy ra tai nạn là do sự cố an toàn kỹ thuật (xe bị mất phanh), còn riêng việc tài xế Dương không có giấy phép lái xe phù hợp để điều khiển xe khách 29 chỗ và gây tai nạn là vấn đề dân sự, sẽ bị xử lý hành chính theo luật giao thông đường bộ.
Ngoài ra, Viện trưởng VKSND thị xã Dĩ An còn cho biết thêm, trong quá trình điều tra, cơ quan điều tra phát hiện tài xế Nguyễn Thái Dương có dấu hiệu sửa giấy phép lái xe theo hướng nâng hạng từ dấu B2 lên dấu D.
“Chúng tôi đang điều tra làm rõ về dấu hiệu sửa chữa, làm giả tài liệu, con dấu. Cụ thể là hành vi sửa chữa, làm giả giấy phép lái xe của tài xế Dương. Vì tài xế này khai nhận đã nhờ một người lạ làm giả giấy phép lái xe dấu D cho mình”, ông Rơi cho biết.
Theo phản ánh của gia đình hai cháu bé bị tử vong, suốt từ thời điểm xảy ra tai nạn đến nay, nhà xe và tài xế xe khách vẫn chưa thương lượng bồi thường cho gia đình nạn nhân. Ảnh: Văn Dũng |
Cùng ngày, đại tá Trần Văn Chính, Phó Giám đốc - Thủ trưởng cơ quan CSĐT Công an tỉnh Bình Dương cũng cho biết đã yêu cầu Công an thị xã Dĩ An chuyển toàn bộ hồ sơ vụ việc lên Công an tỉnh để xem xét, thẩm định lại quá trình điều tra.
Theo đại tá Chính, đây là vụ tai nạn thương tâm, gây nhiều bức xúc, thu hút sự chú ý của dư luận nên rất cần lãnh đạo công an tỉnh có hướng giải quyết nhanh.
“Công an tỉnh đã yêu cầu Công an thị xã Dĩ An đem ngay hồ sơ lên để tỉnh xem lại. Thời điểm này chưa thể trả lời được gì về vụ việc. Sau khi có kết quả thẩm định, Công an tỉnh Bình Dương sẽ thông tin cho các cơ quan báo chí”, đại tá Chính nói.
Trong hai ngày 22 và 23/11, chúng tôi đã cố gắng liên hệ qua điện thoại với thượng tá Võ Văn Hồng, Trưởng Công an thị xã Dĩ An để nghe ý kiến chính thức về vụ việc. Tuy nhiên, thượng tá Hồng cho biết mình "bận họp" đến hết tuần.
Liên quan đến kết luận không khởi tố vụ án, giới luật sư khẳng định rằng việc không khởi tố hình sự vụ tai nạn nói trên là điều bất thường.
Theo các luật sư phân tích, việc tài xế không có giấy phép lái xe phù hợp để điều khiển xe khách 29 chỗ nhưng tài xế Nguyễn Thái Dương vẫn cố tình cầm lái chiếc xe chở nhiều hành khách chạy từ Hậu Giang lên Bình Dương và ngược lại trong một thời gian dài và sau đó gây tai nạn đặc biệt nghiêm trọng. Nguyên nhân dẫn đến hậu quả này là xuất phát từ một chuỗi hành vi chứ không đơn thuần là xe mất phanh. Từ đó có thể khẳng định có dấu hiệu vi phạm pháp luật về giao thông đường bộ.
Dấu hiệu thứ nhất là đối với tài xế: Pháp luật buộc một người phải biết rằng khi mình không đủ điều kiện điều khiển phương tiện giao thông đường bộ (bằng lái xe đúng chủng loại) thì mặc nhiên người đó không được điều khiển phương tiện. Biết rằng mình không đủ điều kiện điều khiển phương tiện theo luật nhưng tài xế vẫn lái xe, đây được xem là lỗi cố ý trực tiếp của tài xế. Vì vậy, có thể khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với tài xế về tội "Vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ" với tình tiết định khung tăng nặng theo điểm a, điểm đ khoản 2 điều 202 Bộ Luật Hình sự (không có giấy phép hoặc bằng lái xe theo quy định - điểm a; gây hậu quả rất nghiêm trọng - điểm đ).
Dấu hiệu thứ hai là đối với chủ xe: Mặc dù chưa thực hiện thủ tục sang tên phương tiện nhưng trên thực tế, chủ xe là người sở hữu và quản lý tài sản (phương tiện). Khi ký hợp đồng lao động và giao (điều động) phương tiện cho người lao động điều khiển, chủ xe buộc phải biết tài xế có bằng lái đủ hợp lệ hay không. Việc giao xe ẩu như vậy có thể khởi tố chủ xe về tội "Điều động hoặc giao cho người không đủ điều kiện điều khiển phương tiện giao thông đường bộ" theo khoản 2 điều 202 Bộ Luật Hình sự.
Theo phản ánh của gia đình nạn nhân, từ thời điểm xảy ra tai nạn đến nay, tài xế chỉ đến và gửi 5 triệu đồng để thắp hương cho hai cháu bé tử vong. Đến nay, nhà xe và tài xế xe khách vẫn chưa thương lượng bồi thường cho gia đình nạn nhân.
Nỗi đau của vợ chồng trẻ có hai con gái tử vong, tài xế gây tai nạn không bị khởi tố |