Tuyệt đối không văng tục trên facebook
Facebook là ứng dụng cộng đồng, nó mang tính mở chứ không riêng tư như chúng ta nghĩ |
Thỉnh thoảng khi tức giận một điều gì đó, chúng ta thường văng tục. Điều này ở ngoài cuộc sống là điều bình thường và có thể chấp nhận được, chuyện nói tục chửi bậy ở tầng lớp nào cũng có, về bản chất nó giống như một sự giải tỏa tâm lý khi bị ức chế.
Nhưng khi bạn viết lên trang cá nhân của mình thì vấn đề lại khác. Đồng nghiệp cũ của tôi đã từng bị nhà tuyển dụng từ chối phỏng vấn sau khi đọc được những status “bậy” mà cô ấy đăng trên trang cá nhân. Đây thực sự là một sự việc đáng tiếc bởi cô ấy là người có năng lực chuyên môn, chỉ vì những phút “lỡ miệng” trên facebook mà cô ấy đã để tuột khỏi tay một công việc cô ấy đam mê.
Việc văng tục trên trang cá nhân thường xuyên cũng khiến những người bạn facebook khó chịu. Họ không có lý do gì để nghe bạn phàn nàn hay chửi rủa cuộc đời, cũng không có trách nhiệm phải hứng chịu sự phẫn nộ, tức giận của bạn, vì họ có phải là nguyên nhân đâu.
Không cập nhật quá nhiều trạng thái trong một ngày
Một ngày bạn chỉ nên cập nhật tối đa 3 trạng thái là đã quá đủ để các facebooker phải “chịu trận” rồi. Chẳng ai biết công việc của bạn bận bịu tới đâu nhưng chỉ cần bạn liên tục cập nhật stastus cũng đủ để mọi người nghĩ bạn thật rảnh rỗi. Việc cập nhật liên tục trong thời gian làm việc cũng sẽ rơi vào tầm ngắm của đồng nghiệp và sếp, mà điều này thì không ổn một chút nào.
Không bày tỏ tiêu cực trên facebook
Facebook có tính lan truyền, việc bạn liên tục bày tỏ tiêu cực trên trang cá nhân sẽ ảnh hưởng đến cảm xúc của người khác |
Sự tiêu cực có tính lan truyền, các nghiên cứu khoa học đã chứng minh như thế. Việc bạn suốt ngày ca thán trên mạng xã hội khiến những người vô tình đọc được họ cũng bị mệt mỏi theo cảm xúc của bạn. Điều này dẫn đến việc họ sẽ cảm thấy khó chịu về bạn, cảm thông thì ít mà bực bội về bạn thì nhiều. Với một người suốt ngày coi nỗi buồn của mình là cực đại và mọi chuyện xung quanh mình là bi kịch thì cách tốt nhất là hãy bỏ theo dõi họ để tránh ảnh hưởng đến bản thân.
Nếu sếp hoặc đồng nghiệp đọc được những trạng thái này của bạn liên tục thì có lẽ sếp sẽ cho bạn nghỉ dài hạn để cân bằng lại cảm xúc để làm việc tập trung hợn.
Khoe khoang quá nhiều
Tiền bạc, ý kiến cá nhân chủ quan thiếu thuyết phục, quen biết sâu rộng, người yêu hoặc vợ chồng… là những “món đồ” mà hầu hết các facebooker đều mắc phải ít nhất một lần. Có nhiều cách khoe và kiểu khoe tế nhị khiến “công chúng” cảm thấy chủ nhân status là người thú vị và câu chuyện đáng yêu, nhưng bất kể điều gì được khoe quá nhiều cũng đều khiến “khán giả facebook” bội thực. Khoe khoang chỉ khiến bản thân chúng ta trở nên lố bịch trong mắt nhiều người.
Tránh bình luận về sếp hay đồng nghiệp ở những status nhạy cảm
Trước khi ấn nút "Enter", hãy đảm bảo bình luận của bạn không gây ra hậu quả đáng tiếc |
Có nhiều đồng nghiệp của tôi mỗi khi bức xúc về sếp hay công việc là ngay lập tức trút giận lên facebook. Dường như sự tức giận cũng có tính lây lan rất nhanh, các bạn đồng nghiệp khác lập tức nhảy vào an ủi và nói xấu nhân vật được ám chỉ: Sếp hoặc một người nào đó cùng công ty. Điều này thực sự ấu trĩ và trẻ con, không những không giải quyết được vấn đề khiến bạn bực bội mà còn khiến người khác đánh giá bạn là người thiếu chuyên nghiệp.
Nếu bạn cảm thấy không hài lòng ở sếp hay công ty, bạn có thể viết đơn nghỉ việc, như đã nói ở trên, mọi hành động của bạn trên mạng xã hội kể cả bạn để chế độ riêng tư thì đều có “khán giả” theo dõi và ngầm đánh giá tư cách của bạn,
Mạng xã hội không mang tính cá nhân, nó thuộc về cộng đồng, vì thế hãy “chơi” facebook một cách thông minh và văn minh. Đừng để những sơ ý không đáng có của những dòng chữ mà lại có thể khiến bạn bị nghỉ việc hoặc tuột mất những cơ hội có một không hai trong đời.