Khu đô thị 17.000 tỷ của Ecopark ở Long An: Tiếp giáp cao tốc Bến Lức - Long Thành và được xây cao 45 tầng

Dự kiến từ năm 2023, liên danh DB - Ecopark sẽ bắt đầu triển khai Khu đô thị sinh thái, thương mại du lịch tại xã Thanh Phú, huyện Bến Lức, Long An. Dự án này sẽ có 4.951 lô đất ở thấp tầng, 4.300 căn hộ hỗn hợp cao tầng và 180 lô đất tái định cư.

Phối cảnh dự án. (Ảnh chụp từ báo cáo).

Công ty TNHH MTV Đầu tư và Phát triển DB vừa công bố báo cáo liên quan đến dự án Khu đô thị sinh thái, thương mại du lịch tại xã Thanh Phú, huyện Bến Lức, Long An.

Dự án này được UBND tỉnh Long An phê duyệt quy hoạch phân khu 1/2000 vào tháng 5/2022, đến tháng 7 cùng năm được đưa vào danh mục dự án cần thu hồi đất.

97% diện tích dự án là đất nông nghiệp

Cuối tháng 2 vừa qua, Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Long An có thông báo mời các nhà đầu tư quan tâm nộp hồ sơ đăng ký thực hiện dự án, sau đó liên danh Công ty TNHH MTV Đầu tư và Phát triển DB - CTCP Tập đoàn Ecopark là nhà đầu tư duy nhất đăng ký. Đến ngày 15/5, liên danh này được chấp thuận là nhà đầu tư dự án.

Khu đô thị sinh thái này được thực hiện trên khu đất hơn 220 ha. Phía bắc giáp khu dân cư Ấp 3, Ấp 4 và sông Bến Lức; phía đông giáp khu dân cư Ấp 3 và Ấp Thanh Hiệp; phía nam giáp khu dân cư Ấp 4 và tuyến đường giao thông hiện trạng; phía tây giáp khu dân cư Ấp 4 và sông Bến Lức. 

Ranh giới khu đất dự án. (Ảnh chụp từ báo cáo).

Về hiện trạng, khu đất của dự án chủ yếu là đất nông nghiệp (khoảng 97%). Phần ranh giới của dự án giáp với các khu dân cư của Ấp 3, Ấp 4, Ấp Thanh Hiệp, đây cũng là 3 khu dân cư chịu tác động trực tiếp từ hoạt động sử dụng đất của dự án. Tổng số hộ dân có nhà ở thuộc diện tích đất dự án khoảng gần 100 hộ. 

Về giao thông hiện nay, phía bắc và tây bắc dự án giáp sông Bến Lức và tuyến đường hiện trạng cấp phối ven sông Bến Lức với tổng chiều dài khoảng 2.227 m. Phía đông giáp tuyến đường bê tông rộng 4 m. Phía nam hướng đi thị trấn Bến Lức tiếp giáp đường cao tốc Hồ Chí Minh -Trung Lương, đoạn qua khu phía nam của dự án dài 4,45 km, có lộ giới 130 m.

 

Hiện trạng khu đất dự án. (Ảnh chụp từ báo cáo).

Được xây cao tối đa 45 tầng

Về cơ cấu sử dụng đất, dự án sẽ bố trí hơn một nửa diện tích để xây các công trình nhà ở (khoảng 111,4 ha); đất giao thông sẽ chiếm 55,5 ha và đất cây xanh, mặt nước chiếm hơn 34,9 ha.

Các hạng mục chính của dự án sẽ bao gồm 4.951 lô đất ở thấp tầng, 4.300 căn hộ hỗn hợp cao tầng, 180 lô đất tái định cư và các công trình công cộng, cây xanh mặt nước.

Trong đó, các lô đất ở thấp tầng sẽ có mật độ xây dựng 90%, cao tối đa 5 tầng. Đất nhà ở hỗn hợp có 3 khu đất xây công trình cao tối đa 45 tầng, mật độ xây dựng 50%. Đất tái định cư sẽ có mật độ xây dựng 90% và cao tối đa 5 tầng.

Các công trình thương mại dịch vụ của dự án sẽ có mật độ xây dựng tối đa 80%, cao tối đa 5 tầng. Công trình giáo dục xây dựng trên diện tích hơn 6 ha, mật độ tối đa 40% và cao tối đa 5 tầng. Về nhà ở xã hội, khu đô thị sinh thái này không thuộc trường hợp phải dành quỹ đất phát triển nhà ở xã hội.

Tổng mức đầu tư của dự án này là hơn 16.981 tỷ đồng, trong đó chi phí bồi thường giải phóng mặt bằng dự kiến khoảng 3.000 tỷ đồng. Về tiến độ, dự án sẽ thực hiện trong 6 năm kể từ ngày chấp thuận nhà đầu tư và chia thành 2 giai đoạn.

Giai đoạn 1 (2023 - 2025) sẽ tiến hành công tác bồi thường giải phóng mặt bằng cho toàn bộ dự án. Đầu tư xây dựng các công trình, hạng mục công trình thuộc dự án thành phần số 1, số 2, số 3, số 4 và số 7. Giai đoạn 2 (2025 - 2028) đầu tư xây dựng các công trình, hạng mục công trình thuộc dự án thành phần số 5, số 6, số 8 và số 9. 

Đôi nét về chủ đầu tư, Công ty DB là thành viên của Tập đoàn Ecopark, được thành lập từ năm 2011, có trụ sở tại huyện Văn Giang, Hưng Yên. Đại diện pháp luật của doanh nghiệp này là ông Lương Xuân Hà - Chủ tịch HĐQT của Tập đoàn Ecopark.

 Dự án được chia thành 10 phân khu với hai giai đoạn. (Ảnh chụp từ báo cáo).

Hàng loạt dự án lớn ở Long An đang tìm chủ

Khoảng 1 - 2 năm trở lại đây, khi giá bất động sản ở TP HCM ngày càng tăng cao, nhiều nhà đầu tư có xu hướng tìm về các khu đô thị vệ tinh quanh thành phố như Bình Dương, Long An, Đồng Nai…

Tận dụng vị trí kinh tế chiến lược khi là điểm trung chuyển giữa TP HCM và các tỉnh miền tây, Long An đã mời đầu tư nhiều dự án và nhận được sự quan tâm của các nhà đầu tư. Nửa đầu năm 2023, địa phương này đã có 5 dự án kêu gọi tìm chủ với tổng số vốn hơn 60.000 tỷ đồng (hơn 2,5 tỷ USD).  

Sau khi mời đầu tư Khu đô thị sinh thái, thương mại du lịch tại xã Thanh Phú, đến đầu tháng 3, Long An tiếp tục tìm chủ cho Khu dân cư Thanh Phú - Tân Bửu tại các xã Tân Bửu và Thanh Phú, thuộc huyện Bến Lức. Dự án được thực hiện trên diện tích gần 144 ha. Quy mô dân số khoảng 25.000 người. Tổng vốn đầu tư 6.163 tỷ đồng.

Một dự án khác là Khu đô thị tại phường 4 và phường 6, TP Tân An (137 ha, 8.145 tỷ đồng), được mời gọi đầu tư vào tháng 5/2023.

Tại dự án này, tổng số lô đất ở thấp tầng là 2.482 lô, trong đó nhà ở biệt thự gồm 195 lô, nhà ở phố thương mại chiếm 2.287 lô. Nhà đầu tư dành khoảng 8,6 ha để phát triển nhà ở xã hội và sẽ bàn giao cho Nhà nước để xúc tiến, mời gọi đầu tư xây dựng. Sau khi hoàn thành sẽ đáp ứng quy mô dân số khoảng 17.000 người.

Đến ngày 7/6, Long An tìm nhà đầu tư cho dự án Khu đô thị mới Hậu Nghĩa – Đức Hòa, huyện Đức Hòa (197,2 ha; 28.257 tỷ đồng), với quy mô dân số khoảng 40.000 người.

Cơ cấu của khu đô thị gồm biệt thự, nhà liền kề, chung cư, đất nền tái định cư, nhà ở xã hội (riêng quỹ đất xây dựng nhà ở xã hội chiếm khoảng 20% tổng diện tích đất ở) và các công trình hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội.

Mới đây nhất là dự án Đường N18 kết hợp khu dân cư thị trấn Cần Giuộc, huyện Cần Giuộc (9,2 ha; 1.453 tỷ đồng). Nơi đây sẽ dành khoảng 3,1 ha để xây dựng 366 căn nhà liền kề, nhà biệt thự, nhà phố thương mại và gần 0,5 ha để xây dựng nhà ở xã hội. Quy mô dân số dự kiến khoảng 1.500 người.