Chủ tịch UBND tỉnh Hưng Yên Trần Quốc Văn cho biết, xác định môi trường đầu tư kinh doanh minh bạch, thông thoáng là yếu tố cốt lõi tạo niềm tin đối với doanh nghiệp, nhà đầu tư, thời gian qua, cùng với thu hút đầu tư, tỉnh Hưng Yên đã chỉ đạo các cấp, ngành tăng cường tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp
Cụ thể, tỉnh tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư, nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) với phương châm "Chính quyền đồng hành, cầu thị, lắng nghe, tháo gỡ một cách thực chất các khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp".
Cùng đó, tỉnh chỉ đạo các đơn vị chuyên môn thành lập đoàn công tác đánh giá tình hình hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh trên địa bàn. Qua đó, nắm bắt những thuận lợi, khó khăn cần tháo gỡ và đề xuất các giải pháp thúc đẩy tăng trưởng, phục hồi kinh tế.
Theo Chủ tịch UBND tỉnh Hưng Yên, thời gian tới, tỉnh tiếp tục đổi mới nội dung, nâng cao chất lượng hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp, trọng tâm là tổ chức các hội nghị gặp gỡ, xúc tiến đầu tư với các nhà đầu tư Hàn Quốc, Nhật Bản, Mỹ và các nước châu Âu… nhằm thu hút các tập đoàn lớn, có trình độ khoa học công nghệ hiện đại, tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu.
Cùng đó, tỉnh sẽ tích cực chuyển đổi số, công khai cụ thể, chi tiết đến các nhà đầu tư những thông tin liên quan đến quy hoạch đất đai, quy hoạch phát triển công nghiệp, giá đất, cơ chế đền bù giải phóng mặt bằng.
Hưng Yên tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Đề án "Nâng cao hiệu quả trong công tác giải phóng mặt bằng để thực hiện dự án đầu tư trên địa bàn tỉnh”, nhằm sớm bàn giao đất cho doanh nghiệp để triển khai các dự án đầu tư. Các sở, ban ngành, liên quan, theo chức năng nhiệm vụ được giao chủ động, tích cực phối hợp với các huyện, thị xã, thành phố, các chủ đầu tư dự án tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong giải phóng mặt bằng; rút gắn thời gian thực hiện các thủ tục liên quan đến việc triển khai đầu tư dự án.
Hiện tỉnh đang tập trung xây dựng nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng yêu cầu phát triển của các ngành kinh tế mũi nhọn; đồng thời, công khai quy trình chuẩn bị đầu tư và lựa chọn nhà đầu tư đối với dự án đầu tư không sử dụng nguồn vốn ngân sách nhà nước thực hiện ngoài các khu công nghiệp, cụm công nghiệp. Bên cạnh đó, chú trọng chuyển đổi số, hoàn thiện mô hình chính quyền điện tử theo hướng hiện đại; công khai, minh bạch các thông tin, dữ liệu.
Đồng thời, xây dựng đội ngũ công chức chuyên nghiệp, năng động, lấy doanh nghiệp, nhà đầu tư là đối tượng để phục vụ; rút ngắn thời gian thực hiện các thủ tục hành chính theo quy định, tạo thuận lợi tối đa cho người dân, doanh nghiệp theo phương châm “làm đúng, làm nhanh, làm tốt”, nhất là thủ tục về đất đai, quy hoạch, đầu tư.
Năm 2023, thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) của Hưng Yên đạt mức lớn nhất từ trước tới nay với trên 1 tỷ USD. Đây là thành tựu nổi bật của tỉnh trong cải cách hành chính, kiến tạo môi trường đầu tư thân thiện, tạo dựng niềm tin vững chắc cho cộng đồng doanh nghiệp.
Bí thư Tỉnh ủy Hưng Yên Nguyễn Hữu Nghĩa chia sẻ, Hưng Yên hội tụ đầy đủ điều kiện phát triển công nghiệp, nhất là công nghiệp công nghệ cao và phát triển đô thị, dịch vụ hiện đại. Bởi, các yếu tố hấp dẫn nổi trội như vị trí địa lý thuận lợi, vùng đất văn hiến với nhiều dấu ấn của lịch sử, giàu truyền thống văn hóa và đã từng là thương cảng nổi tiếng của Việt Nam, kinh tế phát triển năng động, tốc độ nhanh nhờ những nỗ lực cải cách hành chính, cải thiện môi trường kinh doanh, đẩy mạnh thu hút đầu tư tư nhân và FDI.
Bên cạnh đó, hạ tầng kinh tế-xã hội, thương mại, dịch vụ, logistics, năng lượng, nước sạch, y tế, giáo dục, đào tạo, bảo vệ môi trường đang được đầu tư lớn, phát triển đồng bộ. Hệ thống giao thông thuận lợi, phát triển nhanh và có tính kết nối cao. Nguồn nhân lực trẻ, dồi dào, chất lượng cao, thông minh, cần cù đáp ứng nhu cầu lao động chất lượng cao cho các dự án ứng dụng công nghệ cao trên địa bàn tỉnh.
Theo Bí thư Tỉnh ủy Hưng Yên, chiến lược phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh dựa trên 3 trụ cột chính là phát triển công nghiệp công nghệ cao, công nghiệp sạch, phát thải carbon thấp, sử dụng ít tài nguyên; phát triển thương mại, dịch vụ có giá trị gia tăng lớn và kinh tế đô thị trên cơ sở đẩy nhanh tốc độ đô thị hóa, hình thành hệ thống đô thị hiện đại, có kết cấu hạ tầng đồng bộ, mang tính kết nối cao, trọng tâm là các đô thị sinh thái, thông minh, đáng sống, đô thị công nghiệp, dịch vụ gắn với bảo đảm nhà ở xã hội cho người lao động và công nhân.
“Hưng Yên đang tiếp tục đổi mới phương thức phát triển công nghiệp từ chiều rộng sang chú trọng tăng trưởng theo chiều sâu, từng bước cơ cấu lại các ngành công nghiệp của tỉnh theo hướng hiện đại, nâng cao hiệu quả, năng lực cạnh tranh. Trong số đó, tỉnh tập trung triển khai các khu công nghiệp, cụm công nghiệp trong quy hoạch gắn với phát triển hệ sinh thái công nghiệp, trọng tâm là các khu công nghiệp, cụm công nghiệp có hạ tầng kỹ thuật hiện đại, đáp ứng nhu cầu đa dạng của các nhà đầu tư và hình thành hệ sinh thái sống hoàn chỉnh gắn với các khu đô thị mới, khu nhà ở, cơ sở y tế, giáo dục, đào tạo, văn hóa, thể thao, vui chơi, giải trí”, Bí thư Tỉnh ủy Hưng Yên chia sẻ.
Theo Cục Thống kê tỉnh Hưng Yên, đến nay, trên địa bàn tỉnh có 543 dự án có vốn đầu tư nước ngoài đăng ký hoạt động, với tổng số gần 7 tỷ USD; trong đó, Nhật Bản là nhà đầu tư hàng đầu trên địa bàn tỉnh với tổng số vốn 172 dự án, với số vốn đăng ký trên 3,8 tỷ USD, chiếm 55,35% tổng số vốn đăng ký.