Kinh Bắc chốt hạn mức vay 700 tỷ đồng từ chủ KCN Quang Châu

Kinh Bắc vừa ra quyết định vay Khu công nghiệp Sài Gòn - Bắc Giang (SBG) - KCN Quang Châu với hạn mức 700 tỷ đồng để sản xuất kinh doanh. Nửa đầu năm, công ty từng quyết định cho SBG vay với cùng hạn mức trên.

Tổng Công ty Phát triển Đô thị Kinh Bắc - CTCP (mã chứng khoán: KBC) vừa thông qua việc vay vốn công ty con là CTCP Khu công nghiệp Sài Gòn - Bắc Giang (SBG) với hạn mức 700 tỷ đồng để phục vụ hoạt động sản xuất kinh doanh.

Thời hạn của khoản vay là tối đa 2 năm, không có tài sản đảm bảo. Lãi suất cho vay theo thỏa thuận tại từng hợp đồng, tiền lãi sẽ được thanh toán một lần khi tất toán các khoản vay.

Công ty cũng giao cho người đại diện pháp luật và Tổng Giám đốc thực hiện các thủ tục cần thiết liên quan đến thương vụ vay vốn này.

Liên quan đến CTCP Khu công nghiệp Sài Gòn - Bắc Giang (SBG), đây là đơn vị thành viên của Kinh Bắc được thành lập từ năm 2005, có trụ sở tại tỉnh Bắc Giang. SBG được biết đến là chủ đầu tư của Khu công nghiệp Quang Châu với tổng diện tích 600 ha, xây dựng theo mô hình quần thể gồm khu công nghiệp - khu đô thị - khu vui chơi giải trí và dịch vụ.

Nửa đầu năm 2021, Kinh Bắc đã từng có quyết định cho SBG vay với hạn mức 700 tỷ đồng, bằng với hạn mức khoản vay nêu trên. 

Cụ thể vào tháng 3, Kinh Bắc đã công bố huy động thành công 400 tỷ đồng trái phiếu với kỳ hạn 24 tháng, lãi suất cố định 10,5%/năm để cho các công ty con vay vốn, trong đó SBG được vay 200 tỷ đồng.

Đến tháng 6 vừa qua, công ty cũng công bố huy động thành công 1.500 tỷ đồng trái phiếu không có tài sản đảm bảo nhằm mục đích tương tự, SBG được vay với hạn mức 500 tỷ đồng nhằm phục vụ hoạt động sản xuất kinh doanh.

Về tình hình nợ vay của Kinh Bắc, nợ phải trả tại ngày 30/9 là 14.954 tỷ đồng, tăng 14% so với đầu năm, chủ yếu do tăng khoản vay dài hạn từ 4.218 tỷ đồng lên 5.868 tỷ đồng.

Trước đó vào đầu tháng 10, Kinh Bắc đã hoàn tất đợt chào bán 100 triệu cổ phiếu riêng lẻ và thu được gần 3.410 tỷ đồng. Theo phương án sử dụng vốn, công ty sẽ dùng 12,3% số tiền thu được (419 tỷ đồng) nhằm mục đích hoạt động sản xuất kinh doanh.

Bên cạnh đó, 34,6% số tiền sẽ được dùng để tăng quy mô hoạt động, góp vốn vào các công ty con, công ty liên doanh, liên kết (1.180 tỷ đồng), 53,1% còn lại dùng vào tái cơ cấu các khoản nợ vay nhằm giảm áp lực về vốn của công ty (1.811 tỷ đồng).

Hiện doanh nghiệp đang tập trung phát triển các dự án như Khu công nghiệp và đô thị Tràng Cát, Khu công nghiệp Tân Phú Trung, Khu đô thị Phúc Ninh với tồn kho tại thời điểm 30/9 lần lượt là 7.342 tỷ đồng; 1.223 tỷ đồng và 1.091 tỷ đồng.

chọn
Lãnh đạo Fecon: Luật mới không ảnh hưởng đến mảng BĐS của công ty, cam kết trả cổ tức 2022 vào quý IV năm nay
Giai đoạn đến 2029, Fecon cho biết đang nghiên cứu phát triển và triển khai đầu tư khoảng 11 dự án bất động sản với tổng giá trị gần 2 tỷ USD. Với các luật mới vừa được thông qua, ban lãnh đạo đánh giá không ảnh hưởng quá nhiều đến Fecon, các dự án của doanh nghiệp hiện khá là thuận lợi so với sự thay đổi của các luật.