“Em mừng quá anh ạ. Các bạn bên em tiến bộ làm em bất ngờ,” cô chủ trẻ tên Hằng của một doanh nghiệp vừa tròn ba tuổi gọi điện thoại cho tôi.
Hằng vừa họp với toàn công ty để giải quyết một lỗi lầm của một bạn nhân viên trong doanh nghiệp mình. Lỗi này nói nhẹ thì cũng được. Nói nặng thì cũng đúng. Tùy theo góc nhìn của bạn, bạn sẽ phán xét nó nặng hay nhẹ.
Là doanh nghiệp làm môi giới kinh doanh, bạn nhân viên kia - tạm gọi là Hải - đã giúp đỡ hai bên ráp lại với nhau mà không ký hợp đồng thông qua doanh nghiệp của mình. Sau khi giao dịch kết thúc, bạn Hải nhận được một khoản tiền khá lớn do hai bên “thưởng thêm” dù không có hợp đồng nên họ không có nghĩa vụ trả cho bạn. Bạn này đã không thông báo số tiền này cho công ty của mình và giữ lại cho riêng mình khoản tiền này.
Chúng ta hãy cùng phân tích hai góc nhìn, của cá nhân bạn Hải, và của doanh nghiệp.
Theo góc nhìn của bạn Hải, do bạn chỉ “giúp đỡ” hai bên kia, nên từ đầu không có ý định làm dịch vụ thu tiền, nên không đăng ký với doanh nghiệp của mình. Vì thế bạn ấy cảm thấy số tiền này không cần phải thông báo, và không cần phải chia cho doanh nghiệp mình.
Bạn có cảm thấy áy náy một chút, nhưng vào thời điểm đó, lòng tham đã lấn át lý trí khiến bạn quyết định như vậy. Chính bạn Hải đã chia sẻ sau đó.
Theo góc nhìn của doanh nghiệp và các thành viên khác trong doanh nghiệp, bạn Hải đã chơi không đẹp, vì để bạn phát triển như ngày hôm nay, bạn đã dựa vào cả một tập thể nhiều người, xây dựng cho bạn uy tín chung của doanh nghiệp mà bạn mượn, kỹ năng cá nhân mà bạn được rèn luyện và được điều chỉnh thường xuyên.
Hơn tất cả, bạn sống cùng một tập thể như một gia đình gắn kết yêu thương bạn, giúp bạn tiến bộ, đỡ bạn đứng dậy khi vấp ngã, giúp bạn độc lập và mạnh mẽ trong cuộc sống.
Nói nhẹ thì bạn Hải đã làm mọi người thất vọng về cách bạn chơi. Nói nặng thì bạn Hải đã phản bội lại lòng tin của mọi người, của gia đình thứ hai của mình dành cho bạn.
Về lý xử nhẹ, thì bạn Hải cần được phê bình, nhắc nhở.
Nếu xử nặng, cần chia tay bạn Hải làm gương cho các bạn còn lại.
Theo bạn, trong trường hợp này, bạn nên xử như thế nào?
Tác giả Trần Xuân Hải - CEO Missionizer.
Đó cũng là băn khoăn của Hằng, cô chủ trẻ tuổi, tuy ít kinh nghiệm quản lý doanh nghiệp, nhưng lại có trái tim rộng lớn bao dung.
Nếu là một người khác, có thể Hằng đã đùng đùng nổi giận và ra quyết định sa thải bạn Hải kia ngay khi biết tin. Nhưng cô chủ trẻ đã biết dừng lại và từ từ nhẹ nhàng tìm hiểu hết tình huống, bao gồm tìm hiểu các góc nhìn của những thành viên khác trong doanh nghiệp mình về trường hợp này.
Mục tiêu không phải là để giải quyết cho xong vấn đề này. Mục tiêu là làm toàn doanh nghiệp lớn mạnh thêm sau trường hợp này.
Nếu chia tay với bạn Hải, thật là dễ dàng để thực hiện bước này. Nhưng khi chúng ta chia tay một bạn Hải mắc lỗi, Hằng nhận thấy khi đó, mình đã chấp nhận tin là bạn Hải đó trong tương lai không thể thay đổi để tốt đẹp hơn, mình đã chấp nhận cả tập thể và chính mình đã “treo cờ trắng chào thua”. Cô ấy nhất quyết không đồng ý cách làm này.
Trong cuộc họp toàn công ty, bạn Hải đã đứng lên chia sẻ, nhận lỗi và phân tích sâu quá trình vấp ngã của mình. Từng bạn khác đã đứng lên chia sẻ, nhận cả phần lỗi của mình đã không giúp bạn Hải nhìn thấy bạn ấy sai ra sao. Có bạn nói rõ mình đã chia sẻ với bạn Hải, khuyên bạn Hải phải làm rõ ràng minh bạch với công ty, để mình sống đàng hoàng cùng mọi người.
Gần như tất cả đều muốn giữ bạn Hải lại, giúp bạn tiến bộ vượt qua lỗi lầm cũ để cùng tiến bước với mọi người, xây dựng một doanh nghiệp mạnh mẽ hơn, tươi sáng hơn, giúp được nhiều người trong cuộc sống hơn.
Bằng ngôn từ khác nhau, tất cả cùng chung một niềm tin với cô chủ trẻ, cùng hướng tới xây dựng một tương lai tốt đẹp mà mọi người cùng khát khao, nỗ lực, tiến bước mỗi ngày để ngày một thấy gần hơn.
"Yêu thương là vô điều kiện, phần tiền bạn nhận thì gửi lại công ty để chia lại cho các anh em, ngoài ra chỉ mong bạn thay đổi để lấy lại lòng tin ở mọi người, chứ không cần phải phạt bạn" - một bạn trong công ty Hằng chia sẻ.
"Nếu xét về lý, cần cho anh Hải dừng việc, nhưng nếu xét về tình, tụi em sẽ cùng nhau bảo lãnh để anh Hải được ở lại, và mong anh thay đổi tốt lên," - một bạn trẻ mới vào công ty nêu lên trong cuộc họp.
“Chúng ta ngồi đây tôi xem như một gia đình, anh em đồng ý không, mà gia đình thì mỗi thành viên là anh em của nhau, vậy khi anh em mình sai, mình cần giúp họ sửa sai, cần dang vòng tay để giúp họ tốt lên," một bạn khác chiêm nghiệm lắng đọng bài học của riêng mình.
“Ngoài kia có rất nhiều công việc khác, có rất nhiều công ty môi giới khác chứ không phải phải chỉ mình công ty chúng ta, bạn chọn ở lại nghĩa là bạn đã ăn năn rồi, nỗ lực để lấy lại lòng tin từ mọi người mới là điều khó khăn nhất với bạn, nên cho bạn cơ hội ở lại, vì bước ra ngoài không ai biết việc bạn đã làm, bạn sẽ không có cơ hội để sửa sai, còn ở đây, bạn sẽ có cơ hội để nỗ lực lấy lại lòng tin từ mọi người," lời của một bạn khác.
Làm kinh doanh, đương nhiên phải kiếm tiền. Đó là trách nhiệm xã hội của chúng ta, những người làm kinh doanh. Chúng ta phải đảm bảo ổn định công việc cho nhiều gia đình, đem lại nhiều điều tốt đẹp cho xã hội, cho khách hàng, cho nhân viên của mình, cho nhà cung cấp, cho nhà đầu tư. Chúng ta phải kiếm tiền, nhưng chỉ tập trung vào tiền thì không ổn. Vẫn còn nhiều điều chúng ta nên làm ngoài việc kiếm tiền.
Nếu chỉ tập trung vào tiền, chúng ta sẽ xây dựng các thế hệ nhân viên, quản lý, doanh nhân chỉ biết tới tiền, bất chấp thủ đoạn, cách làm gây thiệt hại cho người khác, cho xã hội lâu dài.
Chỉ biết tới tiền, họ sẽ xả thải vào sông, hồ, biển. Họ sẽ dùng thủ đoạn đen tối vùi dập những người cùng ngành. Họ sẽ đối xử tệ bạc với công nhân, nhân viên thấp nhất của mình. Họ sản xuất hay kinh doanh những sản phẩm gây hại đến sức khỏe, làm khách hàng bất bình thậm chí biểu tình đòi lại công bằng. Họ chèn ép người khác để doanh nghiệp của mình thu được nhiều tiền hơn. Họ có thể có nhiều tiền, nhưng có rất nhiều người không phục, thậm chí trở thành người căm ghét (anti-fan).
Trường hợp của công ty bạn Hằng là một trường hợp điển hình của một doanh nghiệp biết xây dựng văn hóa mạnh mẽ, gắn kết được các bạn, chung hướng, chung mục tiêu, chung cách nói, chung cách làm.
Đối với những bạn đang cùng chung công ty với Hằng, các bạn ấy đã không còn chỉ nhìn vào số tiền mình nhận được cuối mỗi tháng. Các bạn trẻ này - phần lớn chưa được 30 tuổi - đã biết nhìn tới sức mạnh của tập thể, nhìn doanh nghiệp mình như một gia đình lớn, biết gắn kết thương yêu, giúp đỡ lẫn nhau.
Không chỉ giúp những người trong công ty, các bạn trẻ đã biết giúp những người ngoài công ty, thậm chí những người tưởng chừng như đối thủ.
Ý nghĩa của xây dựng một doanh nghiệp, mở ra một hướng kinh doanh không chỉ nằm ở số tiền chúng ta kiếm được mà còn nằm ở cách chúng ta ứng xử với nhau, với mọi người mà chúng ta gặp phải trên con đường kinh doanh này.
Chúng ta để lại điều gì trong lòng họ ngoài tiền?
Chúng ta tôn trọng những nguyên tắc sống nào?
Chúng ta gắn kết họ với những gì?
Chúng ta đem lại ý nghĩa gì cho họ?
Chúng ta có những sức mạnh gì?
Chúng ta chịu trách nhiệm những gì?
Chúng ta đóng góp gì cho xã hội?