Công ty cổ phần Ánh Dương Việt Nam (Vinasun) vừa công bố báo cáo tài chính hợp nhất quý 4/2017 với kết quả kinh doanh khá bết bát cả về doanh thu lẫn lợi nhuận. Mặc dù Vinasun đã chuyển hướng sang mô hình nhượng quyền thương mại và khai thác taxi, tuy nhiên tình hình cũng không mấy khả quan.
Cụ thể, doanh thu thuần trong quý 4/2017 của Vinasun chỉ đạt 486 tỷ đồng, giảm gần 55% so với cùng kỳ năm trước. Luỹ kế doanh thu thuần bán hàng và cung cấp dịch vụ cả năm đạt 2.937 tỷ đồng, giảm 35% so với năm trước và đây là mức thấp nhất của Vinasun trong 4 năm trở lại đây.
Lợi nhuận sau thuế quý này của Vinasun đạt 41 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ năm ngoái là 70 tỷ đồng. Luỹ kế lợi nhuận sau thuế cả năm 2017 cũng không mấy khả quan khi chỉ đạt 189 tỷ đồng, thấp hơn nhiều so với 312 tỷ đồng năm 2016.
Tình hình hoạt động kinh doanh của Vinasun đang có chiều hướng đi xuống. |
Cơ cấu doanh thu cung cấp dịch vụ của Vinasun trong năm qua đã có sự thay đổi rõ nét. Nếu như năm trước, doanh thu chủ yếu của hãng này đến từ dịch vụ vận tải hành khách bằng taxi thì năm nay đã chuyển sang dịch vụ cung cấp vận tải hành khách theo hợp đồng (278 tỷ đồng) và từ nhượng quyền thương mại và khai thác taxi (566 tỷ đồng).
Với việc chuyển hướng mô hình kinh doanh mới, đã có 10.000 nhân viên của Vinasun thôi việc hoặc chuyển sang hoạt động theo mô hình nhượng quyền thương mại và khai thác taxi. Điều này giúp hãng “cắt” đi khoảng 1.000 tỷ đồng chi phí nhân viên.
Trên thương trường, dường như Vinasun đang là con ngựa đuối sức trước sự vượt lên mạnh mẽ của các hãng “taxi công nghệ” như Uber và Grab. Vinasun từng gửi công văn kiến nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét Uber và Grab là công ty kinh doanh dịch vụ taxi chứ không phải công ty công nghệ, đồng thời đề xuất sớm định danh để quản lý hai hãng nước ngoài này theo mô hình taxi truyền thống.
Trong diễn biến có liên quan, ngày 6/2 tới đây, TAND TP.HCM dự kiến sẽ mở phiên xử sơ thẩm vụ kiện tranh chấp bồi thường hợp đồng giữa Vinasun và bị đơn là Công ty TNHH GrabTaxi Việt Nam.
Đại diện Vinasun cho biết, Vinasun kiện Grab vì cho rằng doanh nghiệp này vi phạm cạnh tranh thương mại dựa trên các quy định trong Luật Cạnh tranh. Vị này cho hay, Vinasun đã chuẩn bị nhiều bằng chứng như văn bản, hình ảnh và clip chứng minh cho việc Grab vi phạm cạnh tranh thương mại bằng hình thức phá giá, đơn cử như việc khuyến mãi hơn 90 ngày trong 1 năm.