Kinh hoàng núi rác Cam Ly đổ ập xuống vườn, trại của dân

Hàng ngàn tấn rác tại bãi rác Cam Ly, TP Đà Lạt (Lâm Đồng) trượt từ độ cao hơn 60 m đổ ập xuống chôn vùi nhiều diện tích vườn rau, hoa của người dân.

Chiều 13/8, ông Bùi Trung Đường, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần dịch vụ đô thị Đà Lạt (Lâm Đồng), cho biết do từ ngày 7 - 10/8 ở Đà Lạt có mưa lớn kéo dài khiến bãi rác Cam Ly nằm trên triền đồi nghiêng trượt đổ xuống dưới thung lũng, nơi nhiều hộ dân đang canh tác rau, hoa, cà phê. Thống kê sơ bộ có hàng ngàn tấn rác từ trên đồi cao đổ xuống chôn vùi khoảng 7 ha đất, bao gồm nhiều diện tích rau, hoa.

Anh Nguyễn Hữu Vũ (32 tuổi) cho biết: “Sáng 8/8, từng đống rác khổng lồ từ trên đỉnh đồi cao lăn ầm ầm xuống vườn rau, hoa rất khủng khiếp. Rác trượt dài cả cây số, chôn lấp hết đường đi, mương suối...”.

Kinh hoàng núi rác Cam Ly đổ ập xuống vườn, trại của dân - Ảnh 1.

Vườn hoa của ông Thoan bị rác phủ dày hơn 4 m. (Ảnh: Lâm Viên)

Rác đã vùi lấp gần 2.000 m2 vườn hoa cúc của gia đình anh Vũ, trong đó một nửa diện tích đã đến ngày thu hoạch. Tương tự, ông Vũ Duy Thoan cho biết gia đình ông sản xuất nông nghiệp ở đây từ năm 1990. Đầu năm 2019 vợ chồng ông vay mượn thêm và bỏ ra hơn 200 triệu đồng đầu tư hệ thống tưới phun tự động, mua giống trồng 2.000 m2 hoa cẩm tú cầu. 

Vừa thu hoạch được hai lần thì sáng sớm 8/8 hàng ngàn tấn rác từ trên đồi cao cuồn cuộn đổ xuống vùi lấp tất cả, khiến gia đình ông trắng tay. Cùng chung cảnh ngộ là các hộ Lê Thị Nguyên bị rác vùi lấp 1.800 m2 hoa hồng; hộ ông Huỳnh Văn Tâm bị rác chôn luôn 1.600 m2 rau... Rác còn vùi lấp hệ thống đường giao thông, suối nước khiến việc sản xuất của người dân bị ngưng trệ hoàn toàn. Nước thải chảy ra từ bãi rác đen kịt, nồng nặc mùi hôi có nguy cơ gây ô nhiễm nguồn nước và lây lan dịch bệnh.

Bãi rác Cam Ly từng phải đóng cửa từ tháng 7/2015, khi Nhà máy xử lý chất thải rắn TP Đà Lạt (xã Xuân Trường, Đà Lạt) do Công ty TNHH môi trường Năng lượng xanh làm chủ đầu tư đi vào hoạt động. Tuy nhiên, chỉ sau một năm hoạt động nhà máy này bị quá tải khiến lượng rác dốn ứ hàng ngàn tấn.

Do đó, từ tháng 8/2016, UBND tỉnh Lâm Đồng cho phép Công ty cổ phần dịch vụ đô thị Đà Lạt tiếp tục đổ rác tại bãi rác Cam Ly. Ông Đường cho biết thêm, mỗi ngày lượng rác trung bình của TP.Đà Lạt từ 250 - 260 tấn, đơn vị này chỉ chở về nhà máy rác tối đa 80 tấn, còn lại chở đến bãi rác Cam Ly chôn lấp. Có những thời điểm nhà máy bị dồn ứ thì 100% lượng rác được chở về đây. Theo ông Đường, công ty sẽ đầu tư xây dựng các bờ kè chắn kiên cố để ngăn rác tràn xuống phía dưới.

Tối 13/8, ông Nguyễn Văn Sơn, Phó chủ tịch UBND TP.Đà Lạt, cho biết đang chỉ đạo các phòng ban chuyên môn phối hợp Công ty cổ phần dịch vụ đô thị Đà Lạt đến hiện trường thống kê thiệt hại thực tế của các hộ dân. Trên cơ sở đó xem xét từng trường hợp cụ thể để có phương án hỗ trợ hoặc đền bù và giúp các hộ sớm ổn định lại sản xuất.

chọn
'Quy hoạch NOXH ở những khu vực quá xa trung tâm như Củ Chi là không khả thi'
Theo đại diện Ban Quản lý các Khu chế xuất và công nghiệp TP HCM, so với các dự án nhà ở thông thường, việc xây dựng NOXH phức tạp hơn. Chẳng hạn như việc chọn địa điểm xây dựng, nếu NOXH được quy hoạch ở những khu vực quá xa trung tâm như Củ Chi thì sẽ không khả thi do di chuyển hàng ngày bất tiện.