Kinh tế 2023, dự báo 2024: Tổng lực với các dự án giao thông trọng điểm

Sáng 28/12, Bộ Giao thông Vận tải tổ chức Hội nghị tổng kết công tác năm 2023, triển khai nhiệm vụ năm 2024. Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đến dự và chỉ đạo hội nghị.

Năm 2023, khối lượng công việc của Bộ Giao thông Vận tải được giao đặc biệt lớn với nhiều nhiệm vụ chính trị quan trọng, cấp bách, phức tạp. Tuy nhiên, dưới sự chỉ đạo của Đảng, Nhà nước, sự ủng hộ tháo gỡ của Quốc hội, sự chỉ đạo trực tiếp của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ Giao thông Vận tải đã từng bước vượt qua khó khăn, đề ra giải pháp đạt được nhiều kết quả ấn tượng.

Theo Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thắng, lĩnh vực đầu tư kết cấu hạ tầng tiếp tục có nhiều điểm sáng với 26 dự án được khởi công, 20 dự án được hoàn thành. Riêng lĩnh vực đường bộ, có 9 dự án thành phần đường bộ cao tốc đã được đưa vào khai thác với chiều dài 475 km, nâng tổng số km đường bộ cao tốc đưa vào khai thác trên cả nước lên 1.892 km.

Đặc biệt, trong lĩnh vực giải ngân vốn đầu tư công, năm 2023 năm qua, dù được Thủ tướng Chính phủ giao kế hoạch vốn đầu tư công giải ngân đến hơn 94.000 tỷ đồng, lớn nhất từ trước tới nay (gấp 1,7 lần năm 2022 và gấp 2,2 lần năm 2021). Song, tính đến hết tháng 12/2023, khối lượng giải ngân của Bộ đạt khoảng 90% kế hoạch. Dự kiến đến hết niên độ kế hoạch sẽ giải ngân đạt trên 95%.

Năm 2023, hoạt động vận tải tiếp tục ghi nhận sự tăng trường so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, tính trong 11 tháng năm 2023, vận tải hàng hóa ước đạt hơn 2.000 triệu tấn, tăng gần 13%; Luân chuyển hàng hóa ước đạt 442 tỷ tấn.km, tăng hơn 10,5%.

Vận chuyển hành khách ước đạt hơn 4.200 triệu lượt khách, tăng 11,5%. Luân chuyển hành khách 11 tháng ước đạt 222 tỷ hành khách.km tăng xấp xỉ 24% so với cùng kỳ năm 2022.

Với lĩnh vực hàng không, Bộ Giao thông Vân tải chỉ đạo Tổng công ty Quản lý bay Việt Nam cung cấp các dịch vụ bảo đảm hoạt động bay an toàn cho gần 753.000 lần chuyến bay, bằng gần 114% so với kế hoạch năm 2023 và bằng hơn 139% so với thực hiện năm 2022.

Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng cho biết, với các dự án đường bộ cao tốc, tính đến nay, Bộ Giao thông Vận tải phối hợp với các bộ, ngành liên quan, tham mưu Thủ tướng Chính phủ thực hiện phân cấp địa phương là cơ quan có thẩm quyền, cơ quan chủ quản thực hiện khoảng 25 dự án, gồm: 9 dự án đầu tư công và 16 dự án đầu tư theo phương thức đối tác công tư.

"Năm 2023 thực sự là năm có nhiều đột phá trong đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông với việc khởi công 26 dự án, trong đó rút ngắn thời gian khởi công 6 Dự án quan trọng quốc gia 1 năm so với quy trình thủ tục thông thường và lần đầu tiên thực hiện khởi công đồng loạt theo hình thức trực tuyến Dự án cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2 tại 12 điểm cầu của 12 dự án thành phần; khởi công các dự án đường bộ cao tốc trục Đông - Tây, các tuyến Vành đai đô thị tại Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Khởi công công trình nhà ga Cảng Hàng không Quốc tế Long Thành, Nhà ga T3 Cảng Hàng không Tân Sơn Nhất...”, Bộ trưởng nhấn mạnh.

Mặc dù vậy, theo Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng, bên cạnh những kết quả đạt được, Bộ Giao thông Vận tải cũng còn một số tồn tại, hạn chế chính cần được xem xét, giải quyết để có được sự chuyển biến thực chất, mạnh mẽ hơn trong thời gian tới.

Đơn cử như quản lý hoạt động vận tải vẫn còn bất cập; tình trạng xe dù, bến cóc, xe hợp đồng "trá hình" còn diễn ra ở nhiều nơi, ở nhiều địa phương; Tai nạn giao thông vẫn tiềm ẩn diễn biến phức tạp, còn xảy ra nhiều vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng.

Mặc dù nhiều công trình dự án đường bộ cao tốc sớm hoàn thành, đưa vào khai thác, tuy nhiên các trạm dừng nghỉ chưa được đầu tư đồng bộ dẫn đến sự bất tiện đối với người dân, một vài tuyến đường gom, đường hoàn trả cho dân chưa được thực hiện triệt để; Việc thu hút nguồn vốn xã hội trong đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông còn hạn chế, chưa đáp ứng được kỳ vọng….

Tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương cũng đánh giá cao những kết quả mà ngành giao thông đạt được trong năm 2023.

Theo Thứ trưởng Trần Quốc Phương, về chiền lược, việc đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông vận tải được thực hiện mạnh mẽ từ Trung ương đến địa phương, góp phần thực hiện một trong ba đột phá chiến lược trong phát triển kinh tế  - xã hội 10 năm.

Về quy hoạch, ngày 7/6/2023, Thủ tướng đã phê duyệt quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng hàng không sân bay toàn quốc thời kỳ 2021-2030 tầm nhìn đến năm 2050.

"Như vậy, Bộ Giao thông Vận tải là một trong số các cơ quan hoàn thành 5 quy hoạch ngành quốc gia sớm nhất. Đây là tiền đề để thực hiện các dự án trọng điểm, là căn cứ để các địa phương hoàn thành quy hoạch tỉnh, thành phố.

Đến nay đã có 40 quy hoạch địa phương được phê duyệt, 19 địa phương hoàn thành báo cáo thẩm định, 4 địa phương đang xây dựng hoàn chỉnh hồ sơ quy hoạch. Cơ bản các địa phương cập nhật đảm bảo đồng bộ với quy hoạch của ngành giao thông vận tải", Thứ trưởng Trần Quốc Phương nói.

Theo Thứ trưởng Trần Quốc Phương, năm 2024, Bộ Giao thông Vận tải cần tập trung một số nhiệm vụ trọng tâm như thực hiện tốt phân cấp, phân quyền theo chủ trương của Đảng, nghị quyết Quốc hội; tiếp tục xây dựng chính sách thu hút nguồn lực đầu tư phát triển hạ tầng trong đó chú trọng phương thức đầu tư đối tác công tư, huy động nguồn lực xã hội đầu tư các dự án cảng hàng không, phương án đầu tư tuyến đường sắt cao tốc Bắc-Nam.

Cùng đó, Bộ Giao thông Vận tải phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, cơ quan địa phương liên quan tháo gỡ khó khăn vướng mắc đẩy nhanh các dự án trọng điểm kết nối liên vùng; rà soát ưu tiên đầu tư dự án theo quy mô phù hợp, chú trọng đầu tư mở rộng cao tốc theo quy mô hoàn chỉnh, hoàn thiện hệ thống trạm dừng nghỉ để phục vụ doanh nghiệp người dân.

Theo Bộ Giao thông Vận tải, năm 2024 dự kiến sẽ hoàn thành thủ tục khởi công; trong đó, có 3 dự án do Bộ Giao thông Vận tải là cơ quan có thẩm quyền/cơ quan chủ quản, gồm: Dầu Giây - Tân Phú, Lộ Tẻ - Rạch Sỏi, Chợ Mới - Bắc Kạn.

16 dự án khác gồm 10 dự án đường bộ: đường Hồ Chí Minh đoạn Rạch Sỏi - Bến Nhất, Gò Quao - Vĩnh Thuận và đoạn Chợ Chu - Ngã ba Trung Sơn; Dự án cải tạo, mở rộng QL2 đoạn Vĩnh Yên - Việt Trì, tỉnh Vĩnh Phúc; Cải tạo, mở rộng QL46 đoạn thành phố Vinh - Thị trấn Nam Đàn; Dự án nâng cấp, cải tạo 3 tuyến quốc lộ (53, 62, Nam Sông Hậu) tại Đồng bằng sông Cửu Long, vốn vay WB; Quốc lộ 4B Lạng Sơn; cao tốc Cao Lãnh - An Hữu, giai đoạn 1; Cải tạo, nâng cấp QL.28B qua tỉnh Bình Thuận và tỉnh Lâm Đồng; Xây dựng cầu Ninh Cường vượt sông Ninh Cơ trên QL.37B (ODA); Xây dựng công trình đường cao tốc Mỹ An - Cao Lãnh giai đoạn 1.

Một dự án đường sắt, gồm: cải tạo đường sắt khu vực đèo Khe Nét, tuyến đường sắt Hà Nội – Tp. Hồ Chí Minh. Một dự án lĩnh vực hàng hải là cải tạo, nâng cấp luồng Quy Nhơn cho tàu 50.000 DWT. Một dự án thuộc lĩnh vực hàng không là xây dựng hệ thống thông tin quản lý phương tiện, người điều khiển phương tiện hàng không và kết cấu hạ tầng giao thông hàng không.

Ngoài ra còn có 3 dự án khác, gồm: Xây dựng hệ thống thông tin phục vụ quản lý nhà nước của Cục Đường bộ Việt Nam; Xây dựng hệ thống thông tin quản lý tích hợp phục vụ chuyển đổi số Cục Đường thuỷ nội địa Việt Nam; Xây dựng các hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu dùng chung của Bộ Giao thông Vận tải giai đoạn 2021-2025.

chọn
'Quy hoạch NOXH ở những khu vực quá xa trung tâm như Củ Chi là không khả thi'
Theo đại diện Ban Quản lý các Khu chế xuất và công nghiệp TP HCM, so với các dự án nhà ở thông thường, việc xây dựng NOXH phức tạp hơn. Chẳng hạn như việc chọn địa điểm xây dựng, nếu NOXH được quy hoạch ở những khu vực quá xa trung tâm như Củ Chi thì sẽ không khả thi do di chuyển hàng ngày bất tiện.