Theo SCMP, các nhà phân tích cho biết suy thoái kinh tế Trung Quốc cộng với đại dịch Covid-19 tái bùng phát lần thứ ba tại Hong Kong đã làm cho tài sản của giới nhà giàu Trung Quốc giảm sút đáng kể.
Một số chủ sở hữu bất động sản của Trung Quốc đại lục đang phải gánh núi nợ khổng lồ, đã buộc phải bán tháo các căn hộ sang trọng của họ ở Hong Kong, chấp nhận lỗ nặng với mức chiết khấu lớn.
Theo các nhà môi giới, kể từ nửa cuối tháng 7 đến nay, đã có ít nhất 10 giao dịch bất động sản, trong đó có 9 dự án nhà ở và một dự án bãi đậu xe, đã phải chấp nhận lỗ nặng, lên tới 8,2 triệu đô-la Hong Kong (tương đương 1,06 triệu USD).
Derek Chan, trưởng bộ phận nghiên cứu của hãng bất động sản Ricacorp Properties, cho biết: "Nền kinh tế ở cả Trung Quốc đại lục và Hong Kong đều suy giảm trong bối cảnh đại dịch Covid-19, khiến các chủ dự án của Trung Quốc đại lục phải bán tài sản với giá thấp hơn và chấp nhận lỗ, vì họ cần tiền mặt".
Nền kinh tế Trung Quốc tăng trưởng 3,2% trong quý II, trở thành nền kinh tế lớn đầu tiên trên thế giới ghi nhận sự phục hồi sau dịch Covid-19. Tuy nhiên, các doanh nghiệp nước này vẫn đang phải chật vật xoay xở do nhu cầu bên ngoài còn thấp khi nhiều quốc gia khác vẫn đang quay cuồng trong đại dịch kéo dài. Thêm vào đó, vấn đề càng trở nên trầm trọng hơn trong bối cảnh quan hệ Mỹ-Trung đang đi xuống.
Dấu hiệu các nhà đầu tư Trung Quốc bắt đầu rút lui khỏi thị trường bất động sản Hong Kong xuất hiện từ tháng 4 khi một số khu vực họ ưa thích đã bắt đầu giảm giá mạnh. Theo các nhà môi giới bất động sản, người mua Trung Quốc đại lục gần như đã tạm dừng việc mua mới.
Sammy Po, giám đốc điều hành mảng bất động sản nhà ở tại Midland Realty, cho biết việc giảm giá và thua lỗ của các chủ đầu tư Trung Quốc đại lục phản ánh tình hình chung của thị trường ở Hồng Kông. Người bán trên thị trường thứ cấp đang chịu sức ép giảm giá để bán nhanh.
Ông nói: "Các nhà đầu tư bất động sản cũng muốn bán sản phẩm. Một số đưa ra các căn hộ mới rẻ hơn giá thị trường và tung ra nhiều chương trình khuyến mãi để thu hút người mua. Vì vậy, người bán căn hộ đã qua sử dụng lại phải cạnh tranh với các công ty bán mới nữa".
Đầu tháng 8, một căn hộ thông tầng tại dự án khu dân cư Positano ở Discovery Bay được bán với giá 21,5 triệu đô-la Hong Kong, thấp hơn 8,2 triệu đô-la Hong Kong so với giá gốc mua 5 năm trước. Các nhà môi giới cho biết, nếu các chủ đầu tư không đưa ra đề nghị thanh toán thuế con dấu cho chủ nhà thì còn phát sinh thêm khoản lỗ 1,26 triệu đô-la Hong Kong.
Nhiều dự án khác cũng bị bán lỗ, như căn ba phòng ngủ tại Mantin Heights (Ho Man Tin, Kowloon) ghi nhận khoản lỗ 2,3 triệu đô-la Hong Kong. Một căn ở Kadoorie Lookout cũng ghi nhận khoản lỗ khoảng 6 triệu đô-la Hong Kong.
Khu bãi đỗ xe tại The Merton, một khu căn hộ ở Kennedy Town, gần đây cũng lỗ 130.000 đô-la Hồng Kông.
Đầu tháng này, một căn hộ sang trọng trên tầng ba của dự án Fleur Pavilia ở North Point cũng được bán với giá 21,6 triệu đô-la Hong Kong, chỉ bằng 3/4 giá cách đây ba năm (28,61 triệu đô-la Hong Kong), do không thể tiếp tục trả góp.
Một công ty đại lục khác đã bán một căn hộ tại dự án Harbour Green gần ga tàu điện ngầm Olympic với giá 9,2 triệu đô-la Hồng Kông, thấp hơn khoảng 8% so với một căn hộ tương tự ở cùng khu vực lân cận.
Thị trường bất động sản Hong Kong cho thấy những diễn biến trái chiều. Trong khi phân khúc bất động sản mới hoàn thiện vẫn đang tăng giá, bất động sản đã qua sử dụng lại đi xuống.
Theo Midland Realty, số lượng giao dịch bất động sản trong tháng 8 có thể chạm đáy 4 tháng, với khoảng 6.000 giao dịch, cho thấy sự ảnh hưởng của làn sóng Covid-19 thứ ba tại đây.
Giới phân tích nhận định làn sóng bán tháo của các nhà đầu tư Trung Quốc đại lục có thể sẽ còn tiếp tục gia tăng khi đại dịch kéo dài tại Hong Kong và đà phục hồi kinh tế ở Trung Quốc chậm lại.
"Tình hình sẽ chủ yếu phụ thuộc vào kinh tế Trung Quốc. Nếu nền kinh tế này tốt hơn, mọi người sẽ không bán tài sản của họ ở Hong Kong", ông Po nói.
Ông cho biết thêm nhiều người Trung Quốc đại lục mua nhà để nghỉ dưỡng. Vì vậy, việc hạn chế biên giới khiến họ không mấy mặn mà với việc giữ lại.
"Việc đại dịch tái bùng phát cùng với tình hình chính trị có thể khiến nhiều người trong giới nhà giàu Trung Quốc cân nhắc lại việc phân bổ đầu tư vào bất động sản ở nước ngoài. Doanh số bất động sản cao cấp nửa cuối năm có thể lại quay về mức đáy trước đây", tập đoàn cung cấp các dịch vụ bất động sản hàng đầu thế giới Savills cho biết trong báo cáo tháng 7 của mình.