Làm gì để không rơi vào cảnh tiền trong ATM bỗng dưng \"không cánh mà bay\"?

Sự việc một phụ nữ bỗng dưng bị "thổi bay" 500 triệu đồng trong tài khoản ATM khiến nhiều người lo lắng. Vậy làm sao để mình không phải là nạn nhân tiếp theo?

Đang ngủ, chị Hương tá hỏa với hai thông báo rút tiền từ cây ATM được gửi về điện thoại của chị, tổng cộng 100 triệu đồng.

Mới đây, việc một khách hàng của Vietcombank bỗng dưng bị mất tiền trong tài khoản đã khiến nhiều người tỏ ra lo ngại. Cụ thể, chị Hoàng Thị Na Hương (Hà Nội) cho biết, 23h ngày 3/8, khi đang ngủ hai thông báo rút tiền từ cây ATM được gửi về điện thoại của chị, tổng cộng 100 triệu đồng.

Gần 1h ngày 4/8, 100 triệu đồng nữa bị rút khỏi tài khoản cũng qua cây ATM. Tiếp đó, 4 tiếng sau, điện thoại của chị xuất hiện 3 lệnh chuyển tiền qua Internet Banking với tổng số tiền 300 triệu đồng.

Cả 3 lệnh trên đều không có mã xác thực OTP gửi về điện thoại của chị như thông thường. Sau khi kịp thời báo ra ngân hàng, rất may lệnh chuyển tiền đã kịp được lui lại, nhưng số tiền rút từ ATM đã bị mất.

Thông tin trên báo Thanh niên, giao dịch qua internet mang tính rủi ro cao nhất nên các chủ thẻ cần lựa chọn những web uy tín khi giao dịch. Đồng thời lưu ý chủ thẻ quan tâm đến việc bảo mật thông tin cá nhân cũng như các thông tin khác được in trên mặt trước, mặt sau của thẻ để tránh bị lộ thông tin trong quá trình sử dụng thẻ.

lam gi de khong roi vao canh tien trong atm bong dung khong canh ma bay
Giao dịch qua internet mang tính rủi ro cao nhất nên các chủ thẻ cần lựa chọn những web uy tín khi giao dịch. (Ảnh minh họa).

Trao đổi với PV, ông Ngô Trần Vũ, Giám đốc điều hành Công ty bảo mật NTS Security, cho biết người dùng bị lộ thông tin thẻ tín dụng có thể từ hành vi thiếu cảnh giác khi giao dịch hoặc bị tin tặc tấn công vào hệ thống máy tính của điểm bán hàng (máy POS dùng để thanh toán tiền - PV), những máy này có thể đã bị tin tặc tấn công và cài mã độc trộm được thông tin trên thẻ.

Về hành vi thiếu cảnh giác, khách hàng thường không theo dõi thanh toán mà gửi thẻ cho người phục vụ lạ mặt đi cà thẻ một lúc lâu và quay lại cùng hóa đơn. Trong thời gian người phục vụ (nếu thuộc đường dây lừa đảo quốc tế) đi cà thẻ thì có thể thẻ đã bị chụp hình 2 mặt và người trộm thông tin thẻ sau đó có thể đặt hàng trực tuyến để mua hàng khắp thế giới.

Ngoài ra, trào lưu mua bán hàng trên mạng, đặc biệt mua đồ thương hiệu ở những trang web nước ngoài đã trở nên phổ biến. Nhiều người không ý thức được việc bảo quản thẻ nên đã đăng nhập vào những trang web giả mạo hoặc có tính lừa đảo để lấy cắp thông tin của chủ thẻ. Từ đó, những kẻ này có thể sử dụng được những thông tin của chủ thẻ để mua bán hàng trên mạng, ông Trần Vũ cho biết thêm.

Cũng theo ông Trần Vũ, nguy cơ tiềm ẩn trong sử dụng thẻ tín dụng rất lớn. Thẻ tín dụng tiện dụng trong thanh toán nhưng khi mất thẻ thì rất nguy hiểm. Người dùng nên tự bảo vệ mình bằng cánh: chọn hạn mức thẻ tín dụng nhỏ nhất theo nhu cầu sử dụng, cà thẻ nơi uy tín, theo dõi trong suốt quá trình thanh toán, không thực hiện khai báo thông tin thẻ qua các trang web lạ. Khi có giao dịch lạ xảy ra qua báo cáo tin nhắn thì bạn phải thông báo ngay cho ngân hàng phát hành khóa thẻ và khai báo giao dịch bất hợp pháp để thu hồi tiền bị mất.

Làm thế nào để không xảy ra tình trạng "thẻ giữ khư khư vẫn mất tiền"?

Chuyên gia thẻ Trần Quang Thoại cho rằng nếu nhật ký ATM có lưu tên trên thẻ, nhiều khả năng thẻ dùng để rút tiền là thẻ thật vì thường thẻ giả chỉ có dãy số chứ không có tên chủ thẻ. Theo ông Thoại, nhiều trường hợp chủ thẻ không quản lý thẻ kỹ để người khác lợi dụng dùng thẻ rút tiền xong trả vào chỗ cũ mà vẫn không hay.

Chẳng hạn, nhiều công nhân hay giao thẻ và mật mã nhờ người khác rút tiền, thậm chí còn đọc to mật mã giữa đông người. Một số trường hợp còn thế chấp thẻ và giao mật khẩu để mượn tiền, khi đến kỳ lãnh lương thì người cho vay sẽ đem thẻ đi rút tiền. “Thẻ cũng là tiền nên chủ thẻ phải cẩn thận, lúc nào cũng phải giữ bên người, không đưa thẻ hay tiết lộ mật mã cho người khác, không đặt mật mã bằng các thông tin dễ nhớ...”, ông Thoại nói.

Rút tiền nhớ nhìn xung quanh xem có máy quay lén không

“Cần cẩn thận khi sử dụng máy ATM có dấu hiệu đáng nghi như nhận thẻ khó khăn, không có đồ che bàn phím. Đặc biệt, người sử dụng không nên chủ quan đặt những mật khẩu quá dễ, hoặc đặt mật khẩu là những thông tin có sẵn trong bóp như ngày tháng năm sinh, số CMND, biển số xe..., đề phòng trường hợp mất bóp, kẻ gian nhặt được có thể lợi dụng”, ông Nguyễn Hữu Nguyên (Trung tâm ứng cứu khẩn cấp máy tính VN - VNCERT) khuyến cáo trên báo Tuổi trẻ.

Chuyên gia an ninh mạng Nguyễn Minh Đức cho rằng khi rút tiền người sử dụng thẻ nên để ý xem máy ATM có bị gắn thiết bị lạ như đầu đọc cắm bên ngoài khe đọc thẻ hay không. Khi nhét thẻ vào thì đầu đọc ấy sẽ đọc được hết thông tin trên thẻ của mình và từ thông tin ấy kẻ gian có thể làm thẻ giả.

“Thẻ từ ATM hiện nay có một nhược điểm là nếu sử dụng thiết bị kẻ gian có thể làm được thẻ giả có nội dung giống hệt. Các nước hiện nay đang sử dụng công nghệ mới là thẻ chip, tức là mỗi thẻ được gắn một con chip xử lý trên đó. Kẻ gian rất khó để sao chép thông tin trên các thẻ chip này”, ông Đức cho biết.

Ngoài ra, theo ông Nguyễn Minh Đức, chúng ta cũng nên tạo thói quen mỗi khi nhập mã PIN vào máy ATM thì nên dùng tay che bàn tay nhập mã lại tránh trường hợp kẻ gian gắn trộm camera gần đấy để lấy mật khẩu.

Theo ông Trần Quang Chiến, các hệ thống ATM bản chất cũng là các hệ điều hành nên vẫn có thể tồn tại lỗ hổng mà hacker có thể khai thác được.

“Khi được báo có giao dịch lạ hoặc bị thay đổi các thông tin về tài khoản của mình thì trước tiên người sử dụng nên báo ngay với ngân hàng dù chỉ là những thay đổi rất nhỏ. Sau đó nên kiểm tra ngay lại tài khoản xem đã bị thay đổi những gì và thay đổi mật khẩu”, ông Chiến đưa ra lời khuyên.

Ông Võ Đỗ Thắng cho biết, nhiều nước đã sử dụng chế độ mật khẩu chỉ có tác dụng trong một khoảng thời gian nhất định để tăng cường tính bảo mật cho thẻ ATM của khách hàng. Tuy nhiên, công nghệ này chưa được sử dụng rộng rãi tại VN, đa số mọi người vẫn dùng mật khẩu cố định theo thời gian.

Theo ông Trần Quang Chiến, một số NH lớn trên thế giới hiện nay cũng đang triển khai các biện pháp bảo mật về sinh trắc học, bằng ánh mắt hoặc bằng dấu vân tay để tăng thêm tính bảo mật cho các máy ATM.

“Hiện nay các công nghệ này chưa triển khai được ngay ở VN. Người dùng VN nên tập trung vào việc tự bảo vệ mình và tài khoản của mình trước vì những công nghệ trên là của tương lai”, ông Chiến cho biết.

Người sử dụng không nên chủ quan đặt những mật khẩu quá dễ, hoặc đặt mật khẩu là những thông tin có sẵn trong bóp như ngày tháng năm sinh, số CMND, biển số xe...

Không nhờ người lạ rút tiền hộ

Nghe có vẻ buồn cười và khó mà xảy ra, nhưng ở Vũng Tàu đã có trường hợp một người phụ nữ do không biết theo tác với máy ATM nên đã nhờ 1 người lạ rút hộ. Người này đã nhanh tay chuyển 15 triệu vào tài khoản riêng và trả lại thẻ cho người phụ nữ kia và nói đứng chờ một chứt tiền sẽ ra.

Vậy nên, trong trường hợp không biết dùng máy ATM, mọi người có thể xem số điện thoại đường dây nóng của ngân hàng ở mặt sau của thẻ ATM để được hỗ trợ hoặc đơn giản hơn là cầm CMND vào ngân hàng rút tiền.

Kiểm đếm tiền, lấy hóa đơn ngay sau giao dịch

Tránh trường hợp máy trả thiếu tiền, máy nuốt tiền. Dù rút nhiều hay ít, vẫn nên chọn in biên lai/in hóa đơn vì đây là tờ đơn đảm bảo cho việc giao dịch. Nếu có lỗi xảy ra hoặc sai sót, bạn chỉ việc cầm tờ đơn đến ngân hàng phát hành thẻ, để họ tiến hành tra cứu.

Luôn nhận thẻ trước rồi cất vào ví cho chắc ăn

Phòng trường hợp mất thẻ, bạn nên lấy thẻ trước khi lấy tiền. Hiện nay đa số các cây ATM đều nhả thẻ trước, kế đến mới nhả tiền.

Nên đăng kí SMS Banking

SMS Banking được coi là công cụ cảnh báo hữu hiệu cho các giao dịch của khách hàng. Đăng ký dịch vụ này tại ngân hàng phát hành, khách hàng sẽ nhận được các tin nhắn thông báo giao dịch phát sinh từ tài khoản của mình. Qua đó khách hàng có thể đảm bảo giao dịch thành công; Phát hiện ngay những giao dịch bất thường: sai lệch số tiền, giao dịch không do mình thực hiện,...

chọn
Hình ảnh cầu Tam Tòa nối Nam Định - Ninh Bình sau 7 tháng thi công
Cầu Tam Tòa vượt sông Đáy trên tuyến cao tốc Ninh Bình - Nam Định - Thái Bình sau 7 tháng thi công đã dần thành hình.