“Lão gàn” ấy chính là ông Lê Quang Mạn (75 tuổi) chủ nhân của mảnh đất trên ngọn núi Sộc Đơ, bên rìa thị trấn Hùng Quốc (huyện Trà Lĩnh, tỉnh Cao Bằng) nơi có địa danh “Cổng trời Trà Lĩnh” án ngữ.
Suốt hàng chục năm nay, "lão gàn" Lê Quang Mạn vẫn miệt mài canh gác nơi "cổng trời" Trà Lĩnh. |
Chênh vênh đường lên "cổng trời"
Từ trung tâm thị trấn Hùng Quốc ra đến “cổng trời” dài chưa đến một cây số nhưng tôi cũng phải mất gần tiếng đồng hồ mới… bò được đến nơi. Con đường mòn nhỏ, hẹp bị cắt xẻ tơi bời bởi những tảng đá, gốc cây lớn đứng chắn ngang đường. Nhiều đoạn dốc dựng đứng, tôi phải hạ trọng tâm xuống sát mặt đường, bám vào những tảng đá rồi từ từ nhích lên từng chút một.
Khu đất của gia đình ông Mạn rộng chừng một héc ta, chạy nghiêng theo sườn núi Sộc Đơ theo một quỹ đạo kì quái đến mức tôi không thể định hình được nó rộng cỡ nào. Ở ngay giữa khu đất, nổi lên từng mảng lớn những tảng đá to tướng, hình thù kì dị nhô lên giữ mặt đất bằng phẳng. Đó chính là trung tâm của “cổng trời”.
Một chiếc ô lớn được mang từ căn lều để đồ cạnh “cổng trời” cũng được mang ra đặt ở chính điện để khách tránh mưa, tránh sương. “Hôm nay cuối tháng rồi. Mấy tiếng nữa sẽ bước sang ngày đầu tháng, khách sẽ lên đây hành lễ nhiều lắm. Phải chuẩn bị trước kẻo lại không kịp”, ông Mạn giải thích cho tôi về sự có mặt của chiếc ô lớn vừa được mang ra trong lúc đôi chân vẫn tất tả chạy đi chạy lại không ngừng.
Chênh vênh đường lên "Cổng trời" |
Ông Mạn cho biết, trong những ngày có khách hành hương đến (thường là ngày lễ, Tết, ngày rằm hoặc đầu tháng) thời điểm bận rộn nhất của vợ chồng ông lúc nửa đêm bởi đó là lúc “mở cửa cổng trời” đón khách. Từ lúc đồng hồ chuyển sang ngày mới cho tới tận tờ mờ sáng hôm sau, vợ chồng ông hầu như chẳng lúc nào được nghỉ. Cứ chạy qua chạy lại như con quay để “đánh vật” với những thao tác tưởng chừng chẳng nặng nhọc chút gì nhưng lại vô vùng tốn sức.
Có lẽ những người đến với “cổng trời” đều nhận ra công lao của vợ chồng ông nên sau mỗi lần hành lễ, họ đều tự nguyện gửi biếu gia chủ một ít tiền gọi là “tiền nhờ chiếu của cụ”. Người ít thì 5 - 10 ngàn, người nhiều thì một vài chục. Với ông Mạn, số tiền ấy tuy không nhiều nhưng nó lại là nguồn động viên tinh thần rất lớn để vợ chồng ông có thể tiếp tục công việc mà nhiều người gọi là “gàn dở” này suốt chục năm qua.
Đêm trắng “cổng trời”
5 giờ chiều, mặt trời đã bắt đầu chạy trốn sau dãy núi Sộc Đơ, cái lạnh se sắt của khí trời vùng cao bắt đầu lùa tới khiến chúng tôi không khỏi rùng mình liên hồi, rồi nhanh chóng chui vào một hốc đá, nơi có sẵn một bếp lửa đang âm ỉ cháy để sưởi ấm.
Trời nhập nhoạng tối, một đoàn xe ô tô khách chừng 6 chiếc lầm lũi từ trung tâm thị trấn vào thăm “Cổng trời”. Đoàn người kia dường như đã quen với nơi này, họ tới chào hỏi một chủ quán bán hàng tạp hóa dưới chân núi Sộc Đơ và mua vài thẻ hương cho mình.
Chị Quyên – chủ cửa hàng đó cho biết: “Ở đây chỉ đông vui vào những ngày rằm và mùng một hàng tháng, còn những ngày thường thì cũng chỉ lèo tèo vài người khách phương xa, có việc ở Cao Bằng thì ghé qua thăm thú mà thôi”.
Khách hành hương làm lễ ở "Cổng trời" |
Khoảng 20h, chị Quyên bắt đầu kê chiếc bàn bán những đồ lễ ra ngoài sân cho khách dễ quan sát hơn. Không biết từ đâu tới, nhiều người cũng bày bán hoa quả, vàng hương, kẹo bánh dọc con đường lên núi Sộc Đơ.
Khách thập phương cũng bắt đầu đổ về. Ô tô, xe máy, bắt đầu chật dọc con đường từ thị trấn rẽ vào Sộc Đơ. Mọi người cười nói xôn xao, tay lỉnh kỉnh những thứ đồ lễ được chuẩn bị từ trước, bước về phía “Cổng trời”.
Người đi lễ từ nhiều nơi khác nhau, có khi là người dân xung quanh, người dân từ các huyện khác hoặc cũng có khi là những người thuộc tỉnh khác. Con đường lởm chởm những đá, tối om không một ánh sáng nào lọt tới. Đoàn người đi lễ vẫn dò dẫm từng bước lên. Người mới tới “Cổng trời” lần đầu thì dùng đèn điện thoại soi, người nào lui tới đây vài lần rồi thì rút ra kinh nghiệm và sắm cho mình chiếc đèn pin soi đường. Đồ lễ bắt đầu được bày ra, người nào tới trước thì chọn được chỗ đẹp, chỗ trung tâm, người tới sau phải đành chọn chỗ “xấu” hơn để bày lễ.
Chốn linh thiêng nhất nơi "cổng trời" |
Hương khói bắt đầu nghi ngút, người từ dưới chân núi vẫn nối đuôi nhau lên. Gần 12 giờ đêm, cả khu đất rộng của nhà ông Mạn đã chật kín người. Khói hương bay mịt mù. Kẻ đứng, người ngồi xì xụp bái lạy những bát hương ở “chính điện”. Tiếng rì rầm khấn vái hòa lẫn vào nhau, xen kẽ là những tiếng chuông ở những chiếc chiếu của khách thập phương. Thi thoảng lại có một đoàn người hoặc vài người rải rác lên làm lễ. Những người này thường là những người dân xung quanh hoặc là những người đã lui tới đây nhiều lần. Họ chỉ đến thắp hương và khấn vái rồi đi xuống núi luôn.
Buổi lễ khấn kéo dài tới gần 3 giờ, khi khách đến làm lễ đã về hết, “Cổng trời” trở lại yên lặng, tĩnh mịch như nó vốn có. Trên mặt đất, tàn hương, túi nilon bừa bãi. Ông bà Mạn lại cặm cụi làm những công việc quen thuộc như những ngày lễ khác là dọn dẹp “bãi chiến trường”.
“Hôm nay khách vắng hơn mọi khi nên lễ hoàn thành sớm. Dạo trước, có lần phải tận 5 giờ sáng người ta mới về hết. Vợ chồng tôi dọn dẹp xong thì cũng là lúc trời sáng rồi”, ông Mạn nói với chúng tôi, mặt vẫn cúi gằm xuống đất cùng vợ quét dọn “Cổng trời”.