Lập kế hoạch đầu tư công năm 2023: Tránh đầu tư phân tán, dàn trải

Bộ Kế hoạch và Đầu tư vừa có văn bản yêu cầu, các bộ, cơ quan trung ương và địa phương xác định rõ mục tiêu, thứ tự ưu tiên và khả năng thực hiện, giải ngân kế hoạch vốn; triệt để tiết kiệm, chống lãng phí, tránh đầu tư phân tán, dàn trải.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, trên cơ sở đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch đầu tư công năm 2022; mục tiêu, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, đầu tư công 5 năm giai đoạn 2021-2025 của quốc gia, từng ngành, lĩnh vực và của từng địa phương; mục tiêu, nhiệm vụ kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023 theo Chỉ thị số 12/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ; mục tiêu chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, Bộ Kế hoạch và Đầu tư vừa có văn bản yêu cầu, các bộ, cơ quan trung ương và địa phương xác định rõ mục tiêu, thứ tự ưu tiên và khả năng thực hiện, giải ngân kế hoạch vốn; triệt để tiết kiệm, chống lãng phí, tránh đầu tư phân tán, dàn trải.

Theo đó, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề nghị các bộ, cơ quan trung ương và địa phương báo cáo dự kiến kế hoạch đầu tư công năm 2023 theo các nội dung sau: Định hướng đầu tư công trong năm 2023; dự kiến nhu cầu kế hoạch đầu tư công năm 2023 theo từng nguồn vốn; dự kiến khả năng huy động các nguồn vốn đầu tư của các thành phần kinh tế khác cho đầu tư phát triển ngoài nguồn vốn đầu tư công.

Đồng thời, Bộ này yêu cầu các bộ, cơ quan trung ương và địa phương báo cáo các thuận lợi và khó khăn, vướng mắc trong việc cân đối và huy động các nguồn vốn đầu tư trong năm 2023 để thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ của kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023; các đề xuất, kiến nghị và các giải pháp thực hiện kế hoạch đầu tư công năm 2023 của bộ, cơ quan trung ương và địa phương và dự kiến các kết quả đạt được.

Về việc lập kế hoạch đầu tư vốn ngân sách nhà nước năm 2023, việc bố trí vốn ngân sách nhà nước năm 2023 phải đảm bảo nguyên tắc, tiêu chí quy định tại Luật Đầu tư công và Nghị quyết số 973/2020/UBTVQH14 ngày 08/7/2020 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Quyết định số 26/2020/QĐ-TTg ngày 14/9/2020 của Thủ tướng Chính phủ.

Kế hoạch đầu tư vốn ngân sách nhà nước năm 2023 bao gồm: Kế hoạch của các nhiệm vụ, dự án thuộc Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025 đã được cấp có thẩm quyền giao và kế hoạch vốn của nhiệm vụ, dự án thuộc Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.

Đối với việc bố trí kế hoạch đầu tư vốn ODA và vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài cho các dự án bảo đảm theo đúng tiến độ đã ký kết với nhà tài trợ, khả năng cân đối nguồn vốn đối ứng, tiến độ giải phóng mặt bằng theo quy định của Luật Đất đai, năng lực của chủ đầu tư chương trình, dự án và tiến độ thực hiện dự án.

Riêng đối với các nhiệm vụ, dự án thuộc Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, Bộ Kế hoạch và Đầu tư yêu cầu các bộ, cơ quan trung ương và địa phương căn cứ danh mục và mức vốn đã được Thủ tướng Chính phủ giao chi tiết cho từng nhiệm vụ, dự án thuộc Chương trình, các bộ, cơ quan trung ương và địa phương đề xuất bố trí đủ toàn bộ vốn cho các nhiệm vụ, dự án trong năm 2023, bảo đảm giải ngân vốn của Chương trình trong 2 năm 2022 và 2023 theo đúng quy định tại Nghị quyết số 43/2022/QH15 ngày 11/01/2022 về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình.

Các bộ, cơ quan trung ương và địa phương tổ chức đánh giá tình hình thực hiện kế hoạch đầu tư công năm 2022 và xây dựng kế hoạch đầu tư công năm 2023 theo các hướng dẫn trên gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính bằng văn bản và trên Hệ thống thông tin quốc gia về đầu tư công.

chọn
Những ông lớn địa ốc hiện diện tại 'Đất Tổ' Phú Thọ
Vài năm trở lại đây, Phú Thọ liên tục đón các doanh nghiệp lớn ngành bất động sản như GP Invest, T&T hay BV Land... Hiện nay, Ecopark và Tasco cũng đang hướng đến dự án bất động sản đầu tiên tại địa phương này.