Kỳ vọng đầu tư công tăng tốc cuối năm, bài toán chính sách tài khoá không dễ giải

Theo TS Võ Trí Thành, cho dù nền kinh tế đang khát vốn và kỳ vọng cao vào đầu tư công, song thực tế cũng cho thấy tiến độ giải ngân vốn đầu tư công nhiều năm qua luôn là một bài toán không dễ giải.

Trong bối cảnh Ngân hàng Nhà nước đã có tín hiệu thắt chặt tiền tệ (mặc dù chỉ trên thị trường liên ngân hàng), chính sách tài khoá được kỳ vọng sẽ là động lực chính cho tăng trưởng kinh tế Việt Nam cuối năm 2022. Trong đó, đầu tư công được kỳ vọng sẽ được đẩy mạnh hơn trong những tháng tới.

Luỹ kế đến hết tháng 7,tỷ lệ giải ngân kế hoạch đầu tư vốn đầu tư công ước đạt 34,47% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao (tương đương 186.000 tỷ đồng). Trong đó, có 41/51 bộ, cơ quan trung ương và 18/63 địa phương có tỷ lệ giải ngân đạt dưới mức trung bình của cả nước.

Giải ngân đầu tư công chậm do dâu?

Lý giải về tỷ lệ giải ngân thấp, Thứ trưởng Bộ KH&ĐT Trần Quốc Phương cho biết, có 21 loại tồn tại, khó khăn vướng mắc trong đầu tư công khác nhau, có thể phân thành 3 nhóm chính: Nhóm thể chế, chính sách; nhóm tổ chức triển khai thực hiện và nhóm khó khăn mang tính đặc thù của kế hoạch năm 2022.

   Thứ trưởng Bộ KH&ĐT Trần Quốc Phương (Ảnh: VGP) 

 Liên quan đến thể chế, chính sách, có những vướng mắc chủ yếu về các lĩnh vực như đất đai, tài nguyên - môi trường xây dựng, đấu thầu… Trong đó, việc xác định phân loại đất, nguyên tắc sử dụng đất giữa các luật không thống nhất dẫn tới khó khăn trong thu hồi và sử dụng đất của dự án.

Ví dụ đất của trạm dừng nghỉ của đường cao tốc, trạm làm logistics thì quyết định phân loại đất nào, nguyên tắc sử dụng theo quy định nào cũng chưa rõ… Hay như xác định giá đất phải theo nguyên tắc: phù hợp với giá đất phổ biến trên thị trường. Nhưng thế nào là phù hợp với giá đất phổ biến trên thị trường..., Thứ trưởng Phương nêu rõ.

Với nhóm khó khăn trong tổ chức triển khai thực hiện, các quy định về trường hợp chỉ định thầu, lựa chọn nhà thầu trong trường hợp đặc biệt vẫn còn một số khó khăn, vướng mắc, chưa giải quyết được trong một số trường hợp cấp bách. Ví dụ như trong các chương trình phòng, chống dịch bệnh, xây dựng các công trình có quy mô lớn cần đẩy nhanh tiến độ.

Thứ trưởng Phương cũng cho biết, ở nhiều dự án trọng điểm, quy mô lớn với tiến độ yêu cầu nhanh dẫn đến nhu cầu về đất san lấp, vật liệu xây dựng là rất lớn, nhưng nguồn cung không thể đáp ứng dẫn đến tiến độ thi công bị kéo dài và tiến độ giải ngân vốn không đạt quy định. Hay như trong quá trình thực hiện, người đứng đầu các cấp, các ngành chưa thực sự vào cuộc; cán bộ, công chức còn lúng túng, chưa quyết liệt khi gặp vấn đề vướng mắc...

Đặc biệt, hai khó khăn đặc thù kế hoạch của năm 2022 là việc kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 mới được Quốc hội thông qua vào tháng 7/2021, vì thế năm 2022 mới là năm đầu tiên triển khai.Hơn nữa, tổng số vốn đầu tư của năm nay tăng gần gấp đôi so với cả năm 2021. 

Các dự án khởi công hiện mất thời gian triển khai các thủ tục lập, thẩm định và phê duyệt thiết kế - dự toán công trình nên chưa giải ngân nhiều vốn.

Bên cạnh đó, giá nguyên, nhiên vật liệu, xăng dầu trong những tháng đầu năm 2022 tăng cao, có tình trạng khan hiếm nguồn cung về cát, đất để san lấp mặt bằng... dẫn đến nhà thầu trúng thầu, ký hợp đồng trọn gói thi công cầm chừng, chờ chính sách điều chỉnh giá hợp đồng và giá vật liệu xây dựng, Thứ trưởng Phương thông tin.

"Giá vật liệu tăng cao khiến nhiều nhà thầu chần chừ, chậm tiến độ hoặc thậm chí còn không muốn nhận các dự án đầu tư công vì phải dựa trên đơn giá định mức do Bộ Xây dựng ban hành", ông Nguyễn Quốc Hiệp, Chủ tịch Hiệp hội Nhà thầu xây dựng Việt Nam chia sẻ tại Hội nghị Thủ tướng với Doanh nghiệp diễn ra sáng 11/8.

Ông Hiệp cho biết các công trình vốn đầu tư công đều sử dụng hệ thống đơn giá định mức do Bộ Xây dựng ban hành làm căn cứ cho cả khâu lập tổng mức đầu tư và thanh toán cho các dự án ở tất cả các loại hình công việc. 

"Mà hiện nay giá vật liệu xây dựng tăng cao đến 18 - 40%, điều này dẫn đến tình trạng một số doanh nghiệp xây dựng không muốn đảm nhận các dự án đầu tư công", ông Hiệp nói.

Bài toán không dễ giải

 

Ảnh: Hạ An 

Bình luận về thực trạng trên, TS. Võ Trí Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển thương hiệu và cạnh tranh, nhìn nhận công cuộc giải ngân vốn ngân sách nhà nước hiện gặp không ít khó khăn. Cho dù nền kinh tế luôn khát vốn, song thực tế cũng cho thấy tiến độ giải ngân vốn đầu tư công nhiều năm qua luôn là một bài toán không dễ giải. 

Theo TS. Võ Trí Thành, việc chậm giải ngân phần lớn là do năng lực của bộ máy từ cơ quan quản lý, chủ đầu tư đến nhà thầu chưa đáp ứng được yêu cầu công việc.

"Việc tổ chức triển khai thực hiện tại các bộ, cơ quan trung ương và địa phương còn nhiều bất cập, vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu chưa được đề cao, chưa rõ nét. Đây là yếu tố cần được cải thiện trong thời gian tới", TS. Thành nói.

TS. Thành cho hay, để thúc đẩy giải ngân đầu tư công hiệu quả, Nhà nước cần thanh tra, kiểm tra, giám sát, có chế tài xử phạt nghiêm những cá nhân, tổ chức gây đình trệ, chậm giải ngân. Cần làm rõ trách nhiệm của người đứng đầu, chỉ nói chung chung sẽ không thể nêu cao tinh thần trách nhiệm.  

Bên cạnh đó, vị chuyên gia này cũng lưu ý trong thực thi cần công khai, minh bạch, cần sự giám sát chặt chẽ để đảm bảo hiệu quả đầu tư, tránh thất thoát, tham nhũng và những hệ luỵ tiêu cực như đã từng xảy ra trong giai đoạn kích cầu trước đây. 

Giải ngân 734.000 tỷ đồng cho các dự án giao thông trọng điểm

Tại phiên họp lần thứ nhất của Ban Chỉ đạo Nhà nước các công trình, dự án quan trọng quốc gia, trọng điểm ngành giao thông vận tải, ban chỉ đạo đã phân công thực hiện 9 dự án và 31 dự án thành phần.

Các dự án này, gồm: Ðường Hồ Chí Minh; các dự án đường bộ cao tốc: Bắc - Nam phía Ðông, Bến Lức - Long Thành, Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột, Biên Hòa - Vũng Tàu, Châu Ðốc - Cần Thơ - Sóc Trăng, Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội, Vành đai 3 TP HCM; đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc -Nam; các tuyến đường sắt đô thị thành phố Hà Nội và TP HCM; Dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành và các dự án đường bộ cao tốc hoặc dự án hạ tầng giao thông khác mà Ban Chỉ đạo thấy cần thiết... 

Bộ Tài chính cho biết, tổng nguồn vốn cho các dự án này lên tới 734.000 tỷ đồng và cơ bản đã được cân đối. 

 

chọn
Toàn cảnh đường Lương Định Của mở rộng sắp thông xe tại TP Thủ Đức
Dự án nâng cấp, mở rộng đường Lương Định Của tại TP Thủ Đức có chiều dài khoảng 2,5 km. Đây là một trong 10 công trình giao thông dự kiến thông xe trước Tết Nguyên đán của TP HCM.