Trưa 2/2, trong ngày đầu tiên đi làm của năm Đinh Dậu 2017, các gian điện thờ và sân của phủ Tây Hồ chật kín người dân đi lễ. Ảnh: Đoàn Lê |
Từ ngày đầu Xuân đi đâu cũng nghe người này nói người kia, đình này thiêng, chùa nọ linh, nên nhiều người đã lên kế hoạch cầu may, cầu an, cầu tài lộc, cầu sức khỏe… cho các cuộc viếng chùa, vãng cảnh chốn tâm linh.
Cao điểm mùa lễ hội được bắt đầu từ ngày 2/2 (tức ngày Mùng 6 tháng Giêng), nhiều lễ hội lớn như lễ hội chùa Hương, lễ hội Gióng tại đền Sóc (Hà Nội), lễ hội chém lợn (phường Ném Thượng, TP Bắc Ninh), lễ hội chùa Bái Đính (Ninh Bình)... đã đồng loạt khai hội. Và trong những ngày sắp tới, ở hầu hết mọi miền đất nước sẽ diễn ra vô số các lễ hội liên quan đến tín ngưỡng tâm linh thu hút hàng ngàn đến hàng chục ngàn người tham dự trong những ngày đầu năm mới.
Lễ hội Xuân vốn là một hoạt động văn hóa không thể thiếu trong đời sống tinh thần của người dân Việt Nam từ bao đời nay. Lễ hội luôn giữ vai trò như sợi dây gắn kết cộng đồng, tạo dựng không gian văn hóa gắn với nhu cầu tín ngưỡng, tâm linh của người dân.
Nhưng chúng ta cũng dễ dàng bắt gặp các ước nguyện thực dụng khi tới bất cứ lễ hội, đình chùa nào. Phải chăng đời sống trần tục đầy khó khăn và nhiều rủi ro, luôn ẩn họa sự được-mất, thật-giả. Bên cạnh đó, sự may rủi, bất ổn luôn thường trực trong mọi hoạt động của con người. Tất cả có thể đã dẫn đến việc niềm tin giữa người và người ngày càng bị nhạt nhòa trong cơ chế cạnh tranh khắc nghiệt.
Do người xin lộc quá đông nên sư thầy phát lộc lên không trung đã ít nhiều tạo sự phản cảm. Ảnh Chí Hiếu |
Vậy nên các điểm du lịch tâm linh đầu năm mới luôn chật kín người. Từ Phủ Tây Hồ (Hà Nội), đến nơi ban ấn tại Đền Trần (Nam Định), hay chùa Ngọc Hoàng (TP HCM)… là những nơi người dân đổ về cầu cạnh thần linh, mong toàn điều tốt cho mình, biểu hiện một khát vọng vượt lên mãnh liệt trong năm Đinh Dậu.
Họ đến những nơi linh thiêng ấy với tất cả sự thành tâm nhưng không biết trong những người đi lễ bái đó có ai sám hối rằng: năm nay sẽ bớt làm điều ác, sẽ biết sống tốt với người khác hay không dùng quyền lực, địa vị để ức hiếp người khác....
Tại những nơi diễn ra lễ hội, dù là những chốn “thiêng”, nhưng dịch vụ rất “tục”. Giá giữ xe máy có khi cao điểm lên tới vài chục nghìn một xe. Giá đồ lễ cúng, hoa, sớ… cũng được dịp lên ngôi, kéo theo là cả một hệ thống dịch vụ sống nhờ cửa đền, chùa, miếu mạo. Từ người bán nhang đèn, vé số, đến dịch vụ coi bói hay những quán nước hàng ăn và cả những dịch vụ thuê lấy lễ, lấy ấn, lấy lộc cho khách, tất cả rất năng động.
Chỉ cần nhìn vào một chốn tâm linh nào đó trong dịp này dễ có cảm giác na ná giống một xã hội thu nhỏ. Ở đó có từ quan đến dân, thượng vàng hạ cám đủ cả, rồi cả cảnh cầu cạnh với đủ thứ động cơ theo vị trí xã hội khác nhau; cảnh chen lấn xô đẩy, bát nháo xô bồ ở vài tụ điểm thiêng hệt như cảnh bon chen, tranh giành ngoài xã hội.
Xã hội hiện đại không hề loại bỏ các yếu tố tâm linh, tôn giáo trong mỗi con người qua lễ hội đầu Xuân. Ảnh: Chí Hiếu |
Nhưng cũng chính những nơi đó vẫn còn những hình ảnh tích cực. Nhiều người vẫn đến với sự lo lắng cho bình an, hạnh phúc gia đình của các bà mẹ, người vợ, cụ già neo đơn, hay những người cơ nhỡ. Họ đến không phải cầu tài, cầu lộc mà cầu phúc, cầu bình an. Ước muốn của họ thường giản dị như chính đời sống của họ. Đó thường là người lao động chất phác, lam lũ, cuộc sống công việc có nhiều bấp bênh, đôi khi là những ông chủ, cán bộ hết lòng vì cấp dưới, vì nhân dân. Họ đến chùa, đến đình…với sự thành kính, nên ước nguyện thường ở mức bình dân, tối thiểu hay dành nguyện ước ấy cho người khác.
Nhìn cảnh lễ hội đầu năm mới mới thấy xã hội hiện đại không hề loại bỏ các yếu tố tâm linh, tôn giáo trong mỗi con người. Ngược lại, chính các lễ hội tạo ra một cộng đồng xã hội thêm gắn kết và có liên hệ. Lễ giỗ tổ Hùng Vương là điển hình của việc gắn kết các tầng lớp trong xã hội Việt ý thức về cội nguồn của mình.
Vậy nên, nhiều nhà nghiên cứu văn hóa cho rằng lễ hội đầu Xuân thường vừa là văn hóa, vừa là tôn giáo, vừa là tín ngưỡng hòa quyện với nhau, tạo ra một “không gian thiêng” gắn kết con người với trời đất và các Đấng siêu linh. Chỉ có một điều rằng, cái “không gian thiêng” đó ít nhiều đã bị con người làm cho vẩn đục bởi những động cơ, mục đích vụ lợi rất phàm tục.