Vài tháng trở lại đây, dễ dàng nhận thấy người dân Việt Nam, đặc biệt là giới trẻ có trách nhiệm hơn trong công việc bảo vệ môi trường, chung tay làm sạch không gian sống bằng các hoạt động nâng cao ý thức bảo vệ thiên nhiên, giúp giảm lượng rác thải, giữ gìn môi trường sống xung quanh.
Giới trẻ Việt tham gia thử thách dọn rác.
Chuyện bảo vệ môi trường đã trở thành trách nhiệm của mỗi công dân không phân biệt vùng miền, quốc gia. Bắt đầu từ thử thách dọn rác #ChallengeForChange, giới trẻ không ngại ngần lăn xả đến những khu vực có lượng rác thải lớn, ô nhiễm nghiêm trọng vì chất thải sinh hoạt, phế liệu công nghiệp... để dọn dẹp, trả lại không gian trong lành.
Mới đây, một thử thách khác cũng nhanh chóng lan truyền trong cộng đồng mạng: #LessPlasticChallenge, nhằm giảm bớt đồ nhựa.
Mọi người bắt đầu tự mang đồ đựng thức ăn thay vì lấy hộp xốp, hộp nhựa dùng 1 lần. (Ảnh: Chụp màn hình).
Trào lưu nhanh chóng được các bạn trẻ đón nhận và hưởng ứng nhiệt tình. Họ không còn sử dụng ống hút nhựa nữa, thay vào đó, họ chọn ống hút làm từ gạo, tre hay cỏ bàng... đều là những nguyên vật liệu dễ phân hủy hoặc thậm chí, không dùng ống hút.
Nếu như trước kia, việc mang vật dụng cá nhân đi để mua thức ăn, đồ uống mang về có thể là một cảnh tượng hiếm gặp, thậm chí khiến nhiều người cảm thấy tự ti, xấu hổ, thì giờ đây, số lượng người hành động như vậy đang tăng lên từng ngày.
Đó là vì người trẻ nhận ra rằng, một cái cốc hay ống hút nhựa, một hộp nhựa đựng thức ăn chỉ có giá trị sử dụng trong vài chục phút nhưng lại có tác hại khi phải mất hàng trăm năm để phân hủy.
Tự chuẩn bị cốc, bình giữ nhiệt và bộ ống hút cá nhân là những gì các bạn trẻ đang làm để bảo vệ môi trường.
Từ đó, họ tự chuẩn bị cho mình bộ ống hút inox, bình đựng nước, cốc cá nhân để mang đi khắp mọi nơi thay vì nhận cốc cafe, trà sữa hay nước ép hoa quả đựng trong cốc nhựa dùng một lần.
Tự mang túi đựng, không lấy túi nilon cũng là những hành động của một bộ phận giới trẻ nhằm bảo vệ Trái Đất. Đây quả là một tín hiệu đáng mừng đối với môi trường.
Các cửa hàng không còn dùng bao bì nilon mà dùng túi giấy.
Khi giới trẻ có ý thức hơn, đồng nghĩa với việc địa điểm ăn uống nào chỉ sử dụng đồ nhựa dần dần sẽ không còn được ưa chuộng như trước. Bởi lúc này, người Việt bắt đầu tìm đến những quán xá sử dụng cốc, bình, ống hút thủy tinh làm "chốn yêu thích" cho mình.
Không chỉ thế, nhiều siêu thị đã có những động thái đầu tiên trong việc giảm thiểu nhựa bằng cách không kinh doanh ống hút nhựa, thay thế bao bì nilon bằng các loại lá gói để bọc thực phẩm mà vẫn giữ được độ tươi ngon.
Giờ đây, #LessPlasticChallenge không đơn thuần chỉ là một trào lưu mà mục đích của thử thách này còn muốn hướng đến sự thay đổi thói quen sử dụng nhựa hàng ngày.
Bắt đầu từ việc giảm thiểu, sau đó tiến tới thay thế hoàn toàn các sản phẩm làm từ nhựa bằng các nguyên liệu thân thiện với môi trường.
Từ những trào lưu bảo vệ môi trường được phát động trên mạng xã hội, nhiều người đã nhận ra những "tín hiệu tốt" từ tinh thần của nhiều người trẻ.
Tuy vậy, cũng không ít người đặt câu hỏi, tại sao những trào lưu tự phát luôn đạt được thành quả, nhận được sự hưởng ứng ngoài mong đợi còn những qui định bắt buộc như việc phân loại rác thải tại nguồn (được áp dụng từ tháng 11/2018) lại dường như chưa "qua nổi vạch xuất phát"?