Licogi 14: Lợi nhuận hoạt động kinh doanh chính 'lao dốc' trong quý III, đẩy mạnh rót tiền vào chứng khoán

Tại cuối tháng 9, các khoản đầu tư vào tiền gửi ngân hàng và chứng khoán của Licogi 14 lần lượt cao gấp 2,4 lần và 3,96 lần đầu năm. Trong 9 tháng đầu năm, lãi từ các hoạt động đầu tư này cũng tăng vọt, trong khi kết quả hoạt động kinh doanh chính của doanh nghiệp sụt giảm.

Biên lợi nhuận gộp giảm từ 63% cùng kỳ còn 21% trong quý III, điểm sáng từ lãi đầu tư tài chính

CTCP Licogi 14 (mã chứng khoán: L14) vừa công bố báo cáo tài chính quý III/2023, qua đó cho biết doanh thu thuần quý đạt 22,9 tỷ đồng, giảm 35% so với cùng kỳ, chủ yếu ghi nhận từ hoạt động bán hàng. Biên lợi nhuận gộp giảm từ mức 63% cùng còn kỳ 21% trong quý vừa qua. 

Song, doanh thu từ hoạt động tài chính tăng vọt, đạt 11,6 tỷ đồng nhờ các khoản lãi tiền gửi, tiền cho vay và lãi đầu tư chứng khoán đều tăng mạnh so với cùng kỳ. Trong đó, lãi từ đầu tư chứng khoán đạt 9,4 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ quý III năm trước chỉ ghi nhận 204 đồng. 

Bên cạnh đó, các chi phí tài chính, chi phí bán hàng và quản lý doanh nghiệp trong quý đều được công ty tiết giảm so với cùng kỳ. 

Kết quả, Licogi 14 báo lãi sau thuế 7,3 tỷ đồng, giảm 10% so với cùng kỳ. 

 KQKD của Licogi 14. (Nguồn: HM tổng hợp từ BCTC). 

Lũy kế 9 tháng đầu năm nay, Licogi 14 ghi nhận doanh thu thuần 67,1 tỷ đồng, giảm 48% so với cùng kỳ. Lợi nhuận sau thuế đạt 15,6 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ lỗ 15,6 tỷ đồng chủ yếu do không phải trích dự phòng giảm giá đầu tư gần 70 tỷ đồng như cùng kỳ.

So sánh với kế hoạch lãi sau thuế năm nay mà doanh nghiệp đã đề ra là 25 tỷ đồng, Licogi 14 đã thực hiện được 62,4% chỉ tiêu năm. 

Dòng tiền rót vào đầu tư chứng khoán dần mạnh trở lại

Nói thêm về hoạt động đầu tư tài chính của Licogi 14, doanh nghiệp đã tham gia đầu tư chứng khoán trong giai đoạn thị trường chứng khoán bùng nổ 2020 - 2021. Từng có thời điểm, hơn 85% tổng tài sản của doanh nghiệp được rót vào đầu tư chứng khoán, doanh thu từ mảng đầu tư này cũng từng cao gấp đôi so với các mảng kinh doanh chuyên ngành của Licogi 14 trong giai đoạn này. 

Năm 2022, thị trường chứng khoán lao dốc. Trước khi thay đổi cách hạch toán, báo cáo tài chính hợp nhất quý II/2022 của Licogi 14 cho thấy, nửa đầu năm 2022, doanh nghiệp phải trích lập dự phòng giảm giá chứng khoán kinh doanh gần 380 tỷ đồng trước khi dần thoái vốn mảng đầu tư này vào nửa cuối năm 2022 và quý I/2023, đồng thời đẩy mạnh hơn hoạt động đầu tư tiền gửi ngân hàng có kỳ hạn. 

Đến quý II/2023, Licogi 14 bắt đầu rót tiền trở lại vào chứng khoán 5 mã cổ phiếu mới, gồm 4 mã bất động sản là DIG (DIC Group), NVL (Novaland), PDR (Phát Đạt), ITA (Tân Tạo) và một mã xây dựng là CSC (Cotana). 

Tại thời điểm cuối tháng 9, tổng giá trị đầu tư vào chứng khoán của Licogi 14 là gần 56,3 tỷ đồng, cao gấp 3,96 lần so với đầu năm và cao gấp 1,5 lần so với tại thời điểm cuối quý II. Công ty không cho biết cụ thể về các mã cổ phiếu đang nắm giữ. 

Bên cạnh đó, khoản đầu tư vào tiền gửi ngân hàng có kỳ hạn vẫn là khoản đầu tư tài chính ngắn hạn lớn nhất mà doanh nghiệp đang ghi nhận, chiếm gần 70% trong tổng giá trị đầu tư. Tại thời điểm cuối tháng 9, khoản đầu tư này đạt 122,4 tỷ đồng, cao gấp 2,4 lần so với đầu năm nay.  

Theo báo cáo lưu chuyển tiền tệ mới đây, trong 9 tháng đầu năm nay, công ty đã chi hơn 313 tỷ đồng đầu tư vào tiền gửi ngân hàng có kỳ hạn. Mặt khác, doanh nghiệp cũng thu hồi hơn 357 tỷ đồng từ hoạt động đầu tư này.  

Tỷ lệ nợ/VCSH ở mức thấp, dòng tiền chủ yếu đến từ khoản đầu tư tiền gửi ngân hàng

Nhờ dòng tiền thu hồi đầu tư tiền gửi ngân hàng như đã đề cập, dòng tiền thuần từ hoạt động kinh doanh của Licogi 14 dương gần 47,4 tỷ đồng. Cũng nhờ đó, dòng tiền thuần trong kỳ của doanh nghiệp dương hơn 17,5 tỷ đồng khi dòng tiền từ hoạt động kinh doanh và hoạt động tài chính đều ghi nhận giá trị âm. 

Tại ngày 30/9, tổng tài sản của Licogi 14 đạt 584 tỷ đồng, tăng 3% so với đầu năm nay. Chiếm tỷ trọng lớn nhất là giá trị hàng tồn kho 185 tỷ đồng, lớn thứ hai là khoản đầu tư tài chính ngắn hạn 176 tỷ đồng. 

Trong danh mục tồn kho, chi phí sản xuất, kinh doanh dở dang chiếm 99,8%. Công ty không cho biết cụ thể về danh mục này. 

Về phần nguồn vốn, tổng nợ phải trả của Licogi 14 tại cuối tháng 9 là hơn 164 tỷ đồng, tỷ lệ nợ phải trả/vốn chủ sở hữu là 0,39. Trong đó, dư nợ vay tài chính (cả ngắn và dài hạn) là 33,9 tỷ đồng, phần lớn là vay ngân hàng. 

9 tháng đầu năm nay, công ty đã chi hơn 19,8 tỷ đồng để trả nợ gốc vay, cao gấp 2,25 lần cùng kỳ năm ngoái. Mặt khác, số vốn vay thu được đã giảm hơn 72% còn gần 1,5 tỷ đồng. 

Tag: