Licogi 14 không có giao dịch BĐS trong quý I, đã bán hết các khoản đầu tư chứng khoán

Licogi 14 cho biết công ty không có giao dịch BĐS nào thành công trong quý I dẫn đến biên lợi nhuận giảm mạnh, lãi sau thuế giảm 64% so với cùng kỳ. Thời điểm cuối quý I, công ty không còn khoản đầu tư chứng khoán nào, thay vào đó, tăng đầu tư vào tiền gửi ngân hàng.

Không có giao dịch BĐS thành công trong quý I

CTCP Licogi 14 (mã chứng khoán: L14) vừa công bố báo cáo tài chính tổng hợp quý I/2023, theo đó cho biết doanh thu thuần đạt 31,1 tỷ đồng, tăng 71% so với cùng kỳ năm 2022 nhờ tăng doanh thu bán hàng. 

Song, giá vốn tăng cao, biên lợi nhuận ở mức gần 7%, trong khi cùng kỳ ở mức 78%. Do đó, lợi nhuận gộp giảm 85% so với cùng kỳ còn 2,1 tỷ đồng. 

 KQKD quý I của Licogi 14. (Nguồn: HM tổng hợp từ BCTC). 

Giải trình về sự sụt giảm này, Licogi 14 cho biết, đối với lĩnh vực thi công xây lắp, doanh thu tăng so với cùng kỳ năm trước do công ty đảm bảo được tiến độ thi công, nghiệm thu giá trị xây lắp hoàn thành theo từng hạng mục kịp thời, song giá thành sản xuất đầu vào tăng cao do các ảnh hưởng vĩ mô, dẫn đến lợi nhuận giảm không đạt kỳ vọng. 

Còn đối với lĩnh vực bất động sản, bối cảnh chung của nền kinh tế trong quý I chưa khỏi sắc, thị trường bất động sản đóng băng so với cùng kỳ hàng năm, lượng giao dịch ở mức thấp nhất trong vòng 2 năm qua.

Công ty còn một phần đất nền tồn kho và kiot dịch vụ thương mại chào bán nhưng từ đầu năm nay chưa có giao dịch nào thành công, dẫn đến không phát sinh doanh thu nên không có lợi nhuận. 

Mặt khác, doanh thu tài chính trong quý I của Licogi 14 cũng giảm 33% còn 5,3 tỷ đồng, chủ yếu do lãi đầu tư chứng khoán giảm gần 58% so với cùng kỳ, ghi nhận gần 2,7 tỷ đồng. Ngược lại, lãi tiền gửi, tiền cho vay tăng hơn 73% so với cùng kỳ lên mức 2,6 tỷ đồng trong quý I vừa qua. 

Trong quý, công ty đã tiết giảm các khoản chi phí cho hoạt động tài chính, bán hàng và quản lý doanh nghiệp. Kết quả, Licogi 14 báo lãi sau thuế 3,3 tỷ đồng, giảm 64% so với quý I/2022. 

Licogi 14 cho rằng đây là nguyên nhân chính khiến biên lợi nhuận giảm sâu so với cùng kỳ năm 2022.

Theo kế hoạch kinh doanh năm nay mà Licogi 14 dự kiến trình cổ đông thông qua vào kỳ Đại hội đồng cổ đông thường niên sắp tới, mục tiêu lợi nhuận sau thuế là 25 tỷ đồng. Như vậy, sau 3 tháng đầu năm, công ty đã thực hiện 13,2% kế hoạch. 

Bán hết các khoản đầu tư chứng khoán, tăng tiền gửi ngân hàng

Nói thêm về hoạt động tài chính của doanh nghiệp trong quý I vừa qua, Licogi 14 cho biết, lợi nhuận của hoạt động tài chính đã tăng so với cùng kỳ năm trước. Công ty đã xem xét dùng một phần vốn hợp lý đầu tư vào một số mã chứng khoán có tiềm lực và xác định thời điểm chốt lời để đạt được một phần lợi nhuận trong quý I vừa qua.

Tại thời điểm cuối quý I, Licogi 14 không còn ghi nhận khoản đầu tư tài chính vào chứng khoán, trong khi đầu năm, con số này là gần 14,2 tỷ đồng.

Danh mục tiền và các khoản đầu tư tài chính ngắn hạn của Licogi 14 tại ngày 31/3/2023. (Nguồn: BCTC). 

Bên cạnh đó, theo Licogi 14, công ty có nguồn tài chính để chuẩn bị kinh phí bồi thường giải phóng mặt bằng dự án Nam Minh Phương chưa sử dụng đến. Để bảo toàn vốn, Licogi 14 đã gửi tiết kiệm vào các ngân hàng thương mại cổ phần Nhà nước.

Khoản đầu tư vào tiền gửi ngân hàng có kỳ hạn của công ty đã tăng từ 50,4 tỷ đồng  hồi đầu năm lên mức 114,4 tỷ đồng tại thời điểm cuối quý I. Ngoài ra, công ty cũng có gần 7,8 tỷ đồng tiền gửi ngân hàng, ghi nhận tại mục tiền và các khoản tương đương tiền.  

Tổng tài sản doanh nghiệp tại cuối quý I ở mức gần 553 tỷ đồng, giảm 2,5% so với đầu năm, chiếm phần lớn là tiền, tương đương tiền và khoản đầu tư ngắn hạn vào tiền gửi có kỳ hạn nói trên. 

Chiếm tỷ trọng cao thứ hai là giá trị tồn kho, ở mức 161 tỷ đồng, giảm gần 4% so với đầu năm, ghi nhận chủ yếu là các chi phí sản xuất, kinh doanh dở dang. Công ty không cho biết chi tiết về danh mục tồn kho này. 

Mặt khác, về phần nợ vay tài chính, dư nợ tại thời điểm cuối quý I của công ty là 16,2 tỷ đồng, giảm 35% so với đầu năm, chủ yếu giảm ở dư nợ vay trong ngắn hạn. Báo cáo lưu chuyển tiền tệ của Licogi 14 cho thấy, trong quý I, công ty đã chi tổng cộng hơn 10,9 tỷ đồng để trả nợ gốc vay và không phát sinh thêm khoản vay nào. 

Tag:
chọn
Chuyên gia: Không thể giải quyết bài toán nhà ở giá rẻ thông qua cơ chế thị trường
Dưới góc nhìn của Chuyên gia pháp lý bất động sản Nguyễn Văn Đỉnh, trong nền kinh tế chung, sẽ có những người không thể giải quyết bài toán nhà ở thông qua cơ chế thị trường, kể cả với phân khúc giá thấp nhất họ cũng không thể mua được.