Licogi 14 quay lại đầu tư chứng khoán và chốt lời sau khi 'thầy A7' rút khỏi HĐQT

Nếu như trong quý I, Licogi 14 đã bán hết toàn bộ cổ phiếu nắm giữ thì quý II vừa qua, doanh nghiệp đã đầu tư trở lại hơn 32 tỷ đồng vào thị trường chứng khoán và đạt được một phần lợi nhuận.

(Ảnh: Licogi 14).

CTCP Licogi 14 (mã chứng khoán: L14) là thành viên thuộc Tổng Công ty Licogi - CTCP. Doanh nghiệp này tiền thân là Xí nghiệp thi công cơ giới số 14 được thành lập năm 1982 và chính thức cổ phần hoá năm 2005.

Năm 2011, cổ phiếu L14 đã niêm yết trên sàn HNX. Tính đến hết quý II/2023, công ty có vốn điều lệ hơn 308,6 tỷ đồng với hoạt động kinh doanh chính là bất động sản. Địa bàn kinh doanh của công ty tập trung ở Phú Thọ, Lào Cai và Hà Nội.

Cổ phiếu L14 từng tạo nên cơn sốt trên thị trường chứng khoán. Đầu năm 2021, thị giá cổ phiếu L14 khoảng 53.000 đồng/cp. Đến tháng 1/2022, L14 đã vươn lên 440.000 đồng/cp và trở thành cổ phiếu có thị giá cao nhất sàn chứng khoán lúc đó.

Giai đoạn thị trường chứng khoán bùng nổ 2020 - 2021, Licogi 14 đã tham gia đầu tư chứng khoán.  Từng có thời điểm, doanh thu từ chứng khoán của Licogi 14 cao gấp đôi so với các mảng kinh doanh chuyên ngành. Báo cáo hợp nhất kiểm toán năm 2021 của Licogi 14 cho thấy, trong năm doanh nghiệp này đã thu về hơn 385 tỷ đồng từ các mã chứng khoán là CEO và DIG.

Bước vào năm 2022, thị trường chứng khoán bắt đầu lao dốc. Tính đến quý cuối quý II/2022, doanh nghiệp đã lỗ gần 380 tỷ đồng trong mảng đầu tư chứng khoán. Đến 30/9/2022, các cổ phiếu DIG và CEO đã mất 3/4 giá trị so với hồi đầu năm điều này khiến Licogi 14 phải trích lập dự phòng gần 69 tỷ đồng. 

Tính đến cuối quý I/2023, Licogi đã tất toán toàn bộ hơn 14 tỷ đồng chứng khoán đầu tư. (Ảnh chụp màn hình).

Cũng liên quan đến đầu tư chứng khoán, vừa qua một lãnh đạo của Licogi 14 với nhiều năm kinh nghiệm trong lĩnh vực này là ông Nguyễn Mạnh Tuấn không còn tham gia HĐQT nhiệm kỳ 2023 – 2028.

Ông Nguyễn Mạnh Tuấn được bầu thành viên HĐQT Licogi 14 năm 2016. Ông được giới đầu tư chứng khoán biết đến khi thường xuyên lên mạng xã hội chia sẻ về nhận định thị trường, doanh nghiệp với biệt danh "A7".  

Báo cáo thường niên năm 2022 của Licogi 14 cho biết, tại thời điểm 31/12/2022, doanh nghiệp đang nắm hai mã cổ phiếu là CEO và HDC với tổng giá trị hơn 14 tỷ đồng.

Đến quý I/2023, Licogi 14 bắt đầu chuyển dịch cơ cấu trong hoạt động tài chính. Tính đến 31/3, doanh nghiệp không còn nắm cổ phiếu, thay vào đó đẩy mạnh gửi tiền có kỳ hạn vào ngân hàng.

Sang quý II/2023, Licogi 14 đã có động thái tham gia đầu tư trở lại thị trường chứng khoán. Báo cáo tài chính hợp nhất quý II vừa công bố cho thấy doanh nghiệp đã rót hơn 32 tỷ đồng để kinh doanh chứng khoán. 

Theo giải trình của Licogi 14, trong quý II công ty đã xem xét cân nhắc kỹ dùng một phần vốn hợp lý đầu tư vào một số mã chứng khoán có tiềm lực, có nền tài chính ổn định, uy tín trên thị trường và xác định thời điểm chốt lời để đạt được một phần lợi nhuận. Cụ thể, lãi chứng khoán trong quý II đạt 3 tỷ đồng, tính 6 tháng đầu năm lãi hơn 5,6 tỷ đồng. 

Trong quý II, Licogi 14 đã đầu tư hơn 32 tỷ đồng kinh doanh chứng khoán. (Ảnh chụp màn hình).

Năm 2023, Licogi 14 đặt kế hoạch kinh doanh với tổng doanh thu 195 tỷ đồng, trong đó doanh thu từ bất động sản là 50 tỷ đồng, doanh thu từ xây lắp và các hoạt động khác là 140 tỷ đồng, còn lại 5 tỷ đến từ hoạt động tài chính. 

Về đầu tư tài chính, Licogi 14 cho biết nếu thị trường chứng khoán có thời điểm tốt, công ty sẽ cân nhắc dùng một phần vốn hợp lý để đầu tư ngắn hạn.

Về lĩnh vực đầu tư tài chính, công ty dự kiến xem xét, cân nhắc kỹ để tiếp tục đầu tư vào một số mã chứng khoán có tiềm lực như bất động sản, công nghệ thông tin, sắt thép...