Lo nhà đầu tư bỏ cọc đấu giá đất, Thanh Hóa yêu cầu đặt tiền trước 20%

Để tránh tình trạng chậm đóng hoặc bỏ cọc sau khi trúng đấu giá đất, Thanh Hóa đã ra quy định mới về thời gian đóng tiền sử dụng đất, thuê đất và mức đặt cọc tối thiểu.
Lo nhà đầu tư bỏ cọc đấu giá đất, Thanh Hóa yêu cầu đặt tiền trước 20% - Ảnh 1.

(Ảnh minh họa: Hoàng Huy).

Ngày 17/9, UBND tỉnh Thanh Hóa đã ban hành quy định mới về đấu giá quyền sử dụng đất để giao đất có thu tiền sử dụng đất hoặc cho thuê đất trên địa bàn tỉnh, có hiệu lực kể từ ngày 28/9.

Theo đó, người tham gia đấu giá quyền sử dụng đất phải đặt trước mức tiền 20% giá khởi điểm của thửa đất đấu giá. Khoản tiền này được thu tiền mặt hoặc chuyển vào tài khoản riêng của tổ chức đấu giá tài sản.

Số tiền đặt cọc này sẽ không được hoàn lại nếu người tham gia đấu giá đã nộp tiền đặt trước nhưng không tham gia cuộc đấu giá mà không có lý do bất khả kháng; bị truất quyền tham gia đấu giá; từ chối ký biên bản đấu giá; rút lại giá đã trả hay từ chối kết quả trúng đấu giá.

Sau khi trúng đầu giá đất phân lô (thửa), chậm nhất là 30 ngày kể từ ngày ban hành thông báo nộp tiền sử dụng đất, tiền thuê đất, người trúng đấu giá phải nộp đủ 100% tiền sử dụng đất. 

Đối với đất đấu giá để thực hiện dự án đầu tư thu tiền một lần, chậm nhất là 90 ngày kể từ ngày ban hành thông báo nộp tiền sử dụng đất, tiền thuê đất, người trúng đấu giá phải nộp đủ 100% tiền sử dụng đất.

Trường hợp không nộp hoặc nộp tiền không đủ theo thông báo, người đấu giá sẽ bị hủy quyết định công nhận kết quả trúng đấu giá. Tiền đặt cọc được thu nộp vào ngân sách Nhà nước sau khi trừ đi chi phí cuộc đấu giá.

Thông tin từ Báo Thanh Hóa, giai đoạn cuối năm 2020, đầu năm 2021, trên địa bàn tỉnh này đã xuất hiện tình trạng hàng loạt nhà đầu tư bỏ cọc, “tháo chạy” khỏi lô đất trúng đấu giá. 

Tại xã Quảng Nhân (huyện Quảng Xương), vào cuối năm 2020, UBND xã tổ chức đấu giá 53 lô đất, mỗi lô có diện tích 120 - 150m2, giá khởi điểm 1,5 - 2 triệu đồng/m2. Trong phiên đấu giá người dân ở khắp nơi về tham gia. Qua buổi đấu giá, giá đất được đẩy lên 4,1 đến 4,25 triệu đồng/m2. 

Tuy nhiên, khi hết hạn nộp tiền trúng đấu giá, đã có 31 lô bị người trúng đấu giá bỏ cọc. UBND xã phải trình cấp có thẩm quyền hủy bỏ kết quả để đấu giá đất lại. Số tiền bỏ cọc khoảng 1,5 tỷ đồng.

Tại huyện Hoằng Hóa, từ đầu năm đến nay, trên địa bàn huyện tổ chức 33 cuộc đấu giá, với tổng số 11,4 ha (722 lô đất) nhưng có đến hơn 100 lô đất bị bỏ cọc, tập trung nhiều ở các xã Hoằng Đức, Hoằng Cát, Hoằng Đồng, Hoằng Thành...

Việc nhà đầu tư bỏ cọc đấu giá đất làm cho địa phương gặp nhiều khó khăn bởi hầu hết các công trình hạ tầng của địa phương đều phụ thuộc vào nguồn vốn từ đấu giá đất.

Nguyên nhân của tình trạng này được cho là do thời điểm trúng đấu giá, đất đang sốt cao, đến khi nộp tiền thì giá đất đã hạ nhiệt. Nếu cứ nộp tiền vào thì người trúng đấu giá sẽ lỗ, do đó họ lựa chọn bỏ cọc, "tháo chạy"  khỏi các lô đất trúng đấu giá.

chọn
Hình ảnh đường kết nối Hà Nội - Bắc Giang qua cầu Xuân Cẩm vừa thông xe
Tuyến đường kết nối từ nút giao Bắc Phú, cao tốc Hà Nội - Thái Nguyên đến cầu Xuân Cẩm ở Sóc Sơn, Hà Nội dài 4,2 km vừa thông xe kỹ thuật.