Ảm đạm những phiên chợ đất tỉnh lẻ

Thời gian qua, đất đấu giá ở khu vực một số tỉnh lẻ đã giảm sức hút đáng kể. Có những nơi từng là điểm nóng mua bán bất động sản, nay loay hoay tìm cách thoát cảnh ế ẩm.

Trong bối cảnh thị trường bất động sản trầm lắng, cơ hội đầu tư bị thu hẹp, nhiều phiên chợ đất ở một số địa phương đã không còn hấp dẫn người dân địa phương lẫn nhà đầu tư.   

Cuối tháng 9, khu đất 0,4 ha gần trục đường trung tâm hành chính huyện Cẩm Mỹ ở tỉnh này được thông báo đấu giá với mức khởi điểm hơn 30 tỷ đồng. Kết thúc đợt đăng thông báo lần 1, không có hồ sơ tham gia nên cuộc đấu giá không tổ chức được, theo Báo Đồng Nai. 

Sau đó, khu đất tiếp tục được đăng thông báo đấu giá lần 2. Chỉ còn ít ngày nữa hết hạn, song chưa có đơn vị đăng ký tham gia.

Nếu tính cả 2 lần trong năm 2022, khu đất trên đã có 4 lần đăng thông báo đấu giá nhưng đều không có nhà đầu tư tham gia nên không tổ chức đấu giá.

Theo kế hoạch năm 2023, Đồng Nai còn 2 khu đất khác cũng dự tính sẽ đấu giá, song khả năng cao phải chuyển sang năm 2024 vì đến thời điểm này thủ tục chưa xong. 

Được biết khu đất trung tâm thương mại dịch vụ kết hợp đất ở rộng 2,1 ha tại huyện Trảng Bom chưa có giá đất cụ thể, chưa xác định giá trị tài sản còn trên đất. Còn khu đất Cụm công nghiệp Long Giao diện tích gần 56 ha tại huyện Cẩm Mỹ cũng chưa xác định được giá đất cụ thể.

Theo đại diện Trung tâm Phát triển quỹ đất tỉnh Đồng Nai, đấu giá đất ở địa phương này đang rất ảm đạm, lý do xuất phát từ 3 nguyên nhân chính.

Nguyên nhân đầu tiên xuất phát từ việc thị trường bất động sản trầm lắng, nhu cầu ít. Tiếp theo là không có đơn vị tham gia tư vấn định giá đất cụ thể, dẫn đến chậm xác định giá khởi điểm. 

Cuối cùng là do có khu đất mức giá khởi điểm được xây dựng khi thị trường đất đai còn sôi động, đến khi nhu cầu giảm, muốn đưa giá khởi điểm về mức thấp hơn cũng khó vì chưa có quy định cụ thể để thực hiện. 

Ngoài ra, một số quy định liên quan đến đấu giá đất mới được ban hành phải cập nhật, điều chỉnh lại phương án. 

Khu đất 2,1 ha tại huyệnTrảng Bom trong kế hoạch đấu giá đất năm 2023 (Ảnh: Báo Đồng Nai).

Theo tìm hiểu của người viết, Đồng Nai hiện không phải là địa phương duy nhất trên cả nước gặp khó khăn trong công tác triển khai các phiên đấu giá đất. 

Giữa tháng 11, Sở Tài nguyên và Môi trường Quảng Bình đã thông báo về việc giao đất theo giá khởi điểm không thông qua đấu giá đối với 28 lô đất tại TP Đồng Hới. Lý do là bởi tỉnh đã đưa ra đấu giá 2 lần, song không có khách hàng tham gia.

Những lô đất này nằm trên địa bàn các xã/phường Đức Ninh (5 lô), Đức Ninh Đông (2 lô), Bắc Nghĩa (1 lô) và Bắc Lý (20 lô) ở TP Đồng Hới. Trong đó, lô có giá giao đất thấp nhất ở mức 1,2 tỷ đồng, cao nhất 7,2 tỷ đồng.  

Tại Bắc Giang, theo thông tin từ Cục Thuế tỉnh này, 10 tháng đầu năm địa phương đã tổ chức 92 phiên đấu giá đất với tổng số 2.969 lô. Qua rà soát, đến nay có 90 lô trúng đấu giá đã đến hạn nộp tiền sử dụng đất nhưng khách hàng bỏ cọc. Tổng số tiền trúng đấu giá 90 lô hơn 88,3 tỷ đồng, số tiền bỏ cọc gần 10 tỷ đồng.

Đáng nói, địa phương này từng là điểm nóng về hoạt động mua bán bất động sản. Còn nhớ trước đó, giai đoạn cuối năm 2021, những đợt đấu giá đất ở đây từng thu hút hàng nghìn người tham gia, giá trúng bình quân gấp 2 - 5 lần mức khởi điểm.  

Theo kế hoạch của tỉnh, trong những ngày cuối năm, các huyện có những lô bỏ cọc sẽ tiếp tục tổ chức đấu giá để tăng thu tiền sử dụng đất.  

Còn ở Nam Định, theo thông tin từ Sở Tư pháp, trong tháng 7 địa phương đã tổ chức đấu giá 222 thửa đất tại Khu đô thị mới phía Nam sông Đào, TP Nam Định. Hết hạn đăng ký hồ sơ, chỉ có 43/222 thửa đất đủ điều kiện đưa ra đấu giá, chiếm chưa tới 20% tổng số thửa đất.  

chọn
Hiện trạng khu liên hợp thể dục thể thao Rạch Chiếc sau 30 năm quy hoạch
Khu liên hợp thể dục thể thao Rạch Chiếc được quy hoạch từ năm 1994, có vị trí tại phường An Phú, TP Thủ Đức. Cùng xem hiện trạng dự án này sau 30 năm quy hoạch.