Tham gia cho có phong trào!
Hầu như mỗi trường, khoa đều có các câu lạc bộ cho sinh viên tham gia. Bên cạnh các câu lạc bộ thuần về nghiên cứu, học thuật như: câu lạc bộ truyền thông sự kiện, câu lạc bộ thư pháp, câu lạc bộ văn học, câu lạc bộ tiếng Nhật, câu lạc bộ tiếng Hàn, câu lạc bộ kinh tế trẻ,... sinh viên cũng tha hồ lựa chọn các câu lạc bộ về hoạt động ngoại khóa, kỹ năng theo sở thích như: câu lạc bộ giao tiếp, câu lạc bộ võ thuật, câu lạc bộ văn nghệ, câu lạc bộ nhiếp ảnh, câu lạc bộ phát thanh,...
Các câu lạc bộ cho sinh viên ngày một nhiều với nhiều hoạt động đa dạng khác nhau. |
Việc tham gia các câu lạc bộ trở thành mối quan tâm chung của nhiều sinh viên ngay khi mới bước vào năm đầu tiên ngồi ghế giảng đường. “Em muốn mình thêm năng động, quen biết được nhiều anh chị, bạn bè, học hỏi thêm được những kiến thức. Có một vài anh chị đi trước cũng khuyên nên tham gia các câu lạc bộ để có nhiều kỷ niệm vui thời sinh viên nên em tham gia ngay”, một tân sinh viên mới gia nhập câu lạc bộ truyền thông, sự kiện chia sẻ.
Các câu lạc bộ đã trở thành sân chơi quen thuộc của sinh viên, giúp các bạn giao lưu, học hỏi lẫn nhau. Thông qua các câu lạc bộ, sinh viên được trau dồi học hỏi thêm những kinh nghiệm thực tế, có thêm nhiều bạn bè và những mối quan hệ mới, chưa kể có rất nhiều câu lạc bộ được lập nên với ý nghĩa cộng đồng đã có nhiều hoạt động ý nghĩa, truyền tải được thông điệp yêu thương và làm lan tỏa đến nhiều bạn trẻ.
Tuy nhiên, bên cạnh việc tham gia câu lạc bộ vì sở thích, thực tế cũng cho thấy không ít sinh viên tham gia vì được bạn bè rủ rê, tham gia cho có phong trào. Trưởng nhóm một câu lạc bộ hoạt động vì cộng đồng cho biết: “Nhiều câu lạc bộ lập ra với mục đích vì cộng đồng nhưng chỉ làm cho có phong trào, khâu khảo sát và tiền trạm chưa thực sự tốt để giúp đỡ đúng người cần giúp thành ra hoạt động chỉ theo bề nổi. Sinh viên tham gia cũng theo phong trào, số lượng thì đông nhưng nhiều bạn đi chỉ để “làm màu”, không tham gia vào các hoạt động một cách thực tế mà chủ yếu đi theo để chụp hình về... khoe facebook”.
Cân nhắc giữa được và mất
Hầu hết các bạn sinh viên khi tham gia các câu lạc bộ đều nhận được những lời giới thiệu rất hấp dẫn từ các cựu thành viên. Mỗi câu lạc bộ đều có giờ sinh hoạt hàng tuần, họp hành kế hoạch hoạt động mới, những buổi tập huấn, liên hoan mỗi dịp lễ nghỉ, thậm chí là đi phượt xa “gắn kết thành viên”. Việc tham gia cùng lúc nhiều sân chơi khiến không ít sinh viên chia sẻ gặp khó khăn về thời gian, thậm chí ảnh hưởng cả đến việc học chính.
Sinh viên cần cân nhắc để việc tham gia các câu lạc bộ không ảnh hưởng đến việc học. |
T. Ngọc (sinh viên năm 3, Đại học Kinh tế TP HCM) cho biết: “Mình tham gia 2 câu lạc bộ của trường và một câu lạc bộ tình nguyện nhưng nhà lại ở ngoại thành Q.12 nên mỗi lần sinh hoạt đều phải di chuyển xa. Mỗi lần đội tình nguyện họp bàn, triển khai hành động mình đều phải có mặt do giữ chức trưởng ban hậu cần. Công sức không nói nhưng các khoản đóng quỹ, xăng xe, họp hành cafe... cũng ngốn của sinh viên như mình không ít”.
Cũng theo Ngọc, bạn từng phải bỏ thi một môn chỉ vì ngày hôm trước đã trót dầm mưa trong một hoạt động thiện nguyện. “Bước sang năm nay mình tạm gác lại các câu lạc bộ, tập trung hơn cho việc học. Thực ra tham gia câu lạc bộ giúp mình học hỏi rất nhiều nhưng mình cần cân đối lại thời gian và việc học cho phù hợp”, Ngọc cho biết.
Không ít thành viên như T. Ngọc, tham gia vì sở thích mà thiếu cân nhắc về khả năng của mình dẫn đến ảnh hưởng nghiêm trọng sức khỏe và cả việc học. Tâm lý của nhiều bạn trẻ luôn muốn chứng tỏ: tuổi trẻ là phải cháy hết mình, sống hết mình với đam mê. Các câu lạc bộ phần lớn đều được lập ra với mục đích đem lại sân chơi bổ ích cho các bạn sinh viên, nhưng việc lựa chọn cho hiệu quả hay không lại là điều tùy thuộc vào từng sinh viên.