Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL, khu vực Tây Nam Bộ) bao gồm TP Cần Thơ (thành phố trực thuộc trung ương), Long An, Tiền Giang, Bến Tre, Vĩnh Long, Trà Vinh, Hậu Giang, Sóc Trăng, Đồng Tháp, An Giang, Kiên Giang, Bạc Liêu, Cần Thơ và Cà Mau.
Nơi đây được đánh giá là một vùng đất hội tụ đủ các điều kiện tự nhiên thuận lợi từ thổ nhưỡng và khí hậu để phát triển không chỉ nông nghiệp, thủy hải sản, mà còn giữ vai trò then chốt về phát triển công nghiệp, dịch vụ, du lịch.
Đối với lĩnh vực bất động sản, thị trường vùng ĐBSCL cũng ngày càng thu hút các nhà đầu tư, nhờ vào các triển vọng từ nền tảng kinh tế, khả năng thu hút đầu tư, hạ tầng phát triển...
"ĐBSCL thu hút được sự quan tâm đặc biệt từ nhóm nhà đầu tư tổ chức khi họ nhìn thấy lợi ích từ trung và dài hạn. Khi quỹ đất tại TP HCM không còn nhiều và các tỉnh Đông Nam Bộ đã dày đặc các dự án đầu tư, thì việc các nhà đầu tư có tổ chức quan tâm vào khu vực ĐBSCL là một điều dễ hiểu. ĐBSCL vẫn còn nhiều quỹ đất để mở rộng và tiềm năng về kinh tế, xã hội, nhân lực".
TS Sử Ngọc Khương, Giám đốc cấp cao, Savills Việt Nam
ĐBSCL được đánh giá là một trong những trọng điểm phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Theo tổng cục thống kê, hiện nay vùng ĐBSCL chiếm 12% diện tích và 19% dân số, cung cấp khoảng 50% sản lượng lúa và 90% gạo xuất khẩu, 65% lượng nuôi trồng thủy sản, 60% lượng cá xuất khẩu và 70% các loại trái cây.
ĐBSCL đã được Chính phủ quyết định thành lập Vùng kinh tế trọng điểm bao gồm Cần Thơ, An Giang, Kiên Giang, Cà Mau. Bên cạnh còn có hai trọng điểm kinh tế là Đồng Tháp Mười và Tứ giác Long Xuyên. Điều này càng hứa hẹn cho sự phát triển, bứt phá của ĐBSCL trong tương lai.
Tại talkshow "Nhận diện lực đẩy thị trường bất động sản Tây Nam Bộ cuối năm 2021" do Đất xanh Miền Tây tổ chức, ông Dương Quốc Thủy, Phó chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Cần Thơ, người có 8 năm nghiên cứu về bất động sản khu vực này cũng cho rằng, nền tảng kinh tế chính là yếu tố đầu tiên khiến thị trường ĐBSCL thu hút sự quan tâm của các nhà đầu tư bất động sản.
Cụ thể, kinh tế khu vực đã tăng trưởng ổn định trong 10 năm qua. Đặc biệt trong giai đoạn Covid-19, các địa phương đã thực hiện tốt mục tiêu kép, vừa kiểm soát dịch bệnh vừa phát triển kinh tế. Trong 6 tháng đầu năm 2021, 6/13 tỉnh thành ĐBSCL có GDP cao hơn mức trung bình cả nước. Cũng trong thời gian này khu vực có hơn 5.000 doanh nghiệp được thành lập mới, tăng khoảng 12% so với cùng kỳ; tổng số vốn đăng ký khoảng 70.000 tỷ đồng, tăng 78%.
Khả năng thu hút đầu tư cũng là một lợi thế của khu vực ĐBSCL. Trong nhiều năm qua, ĐBSCL đã liên tục đón nhận các dòng vốn FDI. Giai đoạn từ 2020 - 2021, khu vực này đứng đầu cả nước về quy mô các dự án FDI trong lĩnh vực công nghiệp, chế biến, chế tạo và năng lượng sạch.
6 tháng đầu năm 2021, miền Tây có khoảng 50 dự án mới. Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu đạt 15,8 tỷ USD, trong đó, xuất khẩu tăng khoảng 20%, giá trị thặng dư thương mại đạt khoảng 3,9 tỷ USD.
Hiện tại, Quy hoạch vùng ĐBSCL thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đang trong các giai đoạn hoàn thiện cuối cùng. Đây là quy hoạch đầu tiên trong số 6 quy hoạch vùng của cả nước được hoàn thành và trình Hội đồng thẩm định vào ngày 25/11/2021. Đại diện Tư vấn quy hoạch - Liên danh Haskoningdhv (Hà Lan) và GIZ (CHLB Đức) cho biết, quy hoạch đến năm 2050, ĐBSCL phát triển là đồng bằng bền vững, là nơi đáng sống và làm việc; là điểm hấp dẫn du khách và nhà đầu tư.
Đáng chú ý, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành, Chủ tịch Hội đồng Thẩm định quy hoạch cho biết, trong nhiều năm qua, Đảng, Nhà nước đã dành nhiều ưu tiên, trong xây dựng chính sách, huy động nguồn lực phát triển kinh tế - xã hội ĐBSCL.
Giai đoạn 2016 - 2020, tỷ trọng ngân sách của Trung ương đầu tư cho các tỉnh ĐBSCL chiếm 17%. Tuy nhiên, Phó Thủ tướng đánh giá ĐBSCL chưa khai thác hết tiềm năng, đầu tư chưa xứng tầm với tiềm năng, lợi thế của vùng. Đặc biệt, đầu tư cho hạ tầng giao thông chưa cao so với các vùng khác.
Vì vậy, vị lãnh đạo yêu cầu Bộ Kế hoạch & Đầu tư (đơn vị chủ trì xây dựng quy hoạch) và đơn vị tư vấn phải đặc biệt chú trọng hệ thống hạ tầng giao thông, đảm bảo kết nối đồng bộ, thông suốt.
Phó Thủ tướng đề nghị rà soát, cập nhật đầy đủ các quy hoạch hạ tầng giao thông vận tải thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 (gồm các quy hoạch mạng lưới đường bộ, đường sắt, cảng biển, cảng hàng không, sân bay, đường thủy nội địa) vào quy hoạch vùng ĐBSCL.
Cụ thể, ưu tiên phát triển hệ thống đường cao tốc có ý nghĩa chiến lược của vùng. Trước mắt ngay trong thời gian từ nay đến 2025 sẽ triển khai đầu tư các tuyến cao tốc Cần Thơ - Cà Mau; Sóc Trăng - Châu Đốc - Cần Thơ - Trần Đề (khoảng 400 km).
Đồng thời, mở rộng cảng hàng không quốc tế Cần Thơ, đầu tư, khai thác hiệu quả hệ thống đường bộ ven biển, cảng biển (trong đó có cảng Trần Đề) và giao thông thủy, hạ tầng hàng không, hệ thống các công trình dịch vụ - hậu cần nhằm giảm chi phí logistic, hỗ trợ hiệu quả cho việc sản xuất, chế biến, xuất khẩu nông sản của vùng.
“Giai đoạn tới đây, từ nay đến 2030, hệ thống hạ tầng giao thông của ĐBSCL sẽ có bước phát triển đột phá, vượt bậc... Khi có hệ thống giao thông đồng bộ thì đóng góp của ĐBSCL sẽ gấp nhiều lần hiện nay”, Phó Thủ tướng nói.
Thực tế, trong số 8 dự án giao thông quan trọng được Bộ Giao thông vận tải triển khai thi công trong thời gian cuối tháng 12/2021, đầu tháng 1/2022, có tới 5 dự án thuộc các tỉnh ĐBSCL.
Thứ nhất là dự án tuyến nối QL91 và tuyến tránh TP Long Xuyên, quy mô cấp III đồng bằng; vận tốc thiết kế 80 km/h; chiều dài 15,3 km đi qua địa phận TP Cần Thơ và tỉnh An Giang. Tổng mức đầu tư 2.106 tỷ đồng. Việc đầu tư dự án này sẽ giảm ùn tắc, hạn chế tai nạn giao thông và đảm bảo giao thông đường bộ thông suốt, từng bước hoàn chỉnh kết nối mạng lưới hạ tầng giao thông khu vực ĐBSCL theo quy hoạch.
Thứ hai là dự án đầu tư xây dựng nâng cấp tuyến kênh Chợ Gạo (giai đoạn 2), tỉnh Tiền Giang. Kênh Chợ Gạo dài hơn 28 km, nối liền từ Rạch Lá đến rạch Kỳ Hôn kết nối giữa sông Tiền và sông Vàm Cỏ, là tuyến giao thông thủy huyết mạch vùng ĐBSCL với TP HCM. Dự án nạo vét mở rộng luồng đường thủy gần 10 km, xây dựng công trình bảo vệ bờ nam kênh Chợ Gạo, cầu và đường dân sinh đi qua địa bàn các xã bờ phía nam và thị trấn Chợ Gạo. Sau khi cải tạo, đoạn luồng trên đạt quy chuẩn luồng đường thủy cấp II, với chiều sâu hơn 3,5 m, rộng hơn 50 m và bán kính cong lớn hơn 500 m, giúp tàu thuyền lưu thông thuận lợi hơn. Dự án có tổng mức đầu tư 1.335 tỷ đồng.
Thứ ba là dự án đầu tư xây dựng công trình luồng cho tàu biển tải trọng lớn vào Sông Hậu (giai đoạn 2), đầu tư các hạng mục cấp bách để đảm bảo ổn định kênh Quan Chánh Bố và các hạng mục khác. Giai đoạn 2 hoàn thành sẽ thu hút được các tàu trọng tải đến 20.000 tấn đầy tải lưu thông, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế vùng ĐBSCL. Dự án có tổng mức đầu tư 2.226 tỷ đồng.
Thứ 4 là dự án tuyến tránh QL1A đoạn qua TP Cà Mau, tỉnh Cà Mau. Dự án có tổng chiều dài 14,3 km, vận tốc thiết kế 80 km/h. Việc đầu tư xây dựng tuyến tránh nhằm giảm tải cho QL1A đoạn đi qua trung tâm thành phố, giảm thiểu ùn tắc và hạn chế tai nạn giao thông, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, củng cố an ninh quốc phòng của tỉnh Cà Mau nói riêng và các tỉnh ĐBSCL nói chung. Tuyến cũng kết nối với đường vành đai 3, đường hành lang ven biển phía nam nhằm hoàn chỉnh mạng lưới giao thông theo quy hoạch của địa phương. Dự án có tổng mức đầu tư 1.725 tỷ đồng.
Thứ 5 là dự án cải tạo, nâng cấp QL1A đoạn từ thị xã Ngã Bảy (nay là TP Ngã Bảy), tỉnh Hậu Giang đến huyện Châu Thành, tỉnh Sóc Trăng với chiều dài 18,6 km, vận tốc thiết kế 80km/h. Mục tiêu dự án là từng bước hoàn chỉnh quy mô toàn tuyến Quốc lộ 1 từ Hà Nội đến Cà Mau, đáp ứng nhu cầu vận tải ngày càng tăng cao, cải thiện khả năng khai thác trong điều kiện biến đổi khí hậu, giảm tai nạn giao thông, phục vụ phát triển kinh tế xã hội và bảo đảm an ninh quốc phòng cho các tỉnh Hậu Giang, Sóc Trăng nói riêng và khu vực ĐBSCL nói chung. Tổng mức đầu tư dự án 1.681 tỷ đồng.
Bên cạnh trục cao tốc Bắc - Nam, các dự án hạ tầng giao thông đang và sắp được triển khai trong khu vực được tin tưởng sẽ đóng góp phần đẩy nhanh tiến trình đô thị hóa, tạo cơ hội thu hút đầu tư bất động sản vào khu vực này.
Nhắc tới ĐBSCL không thể không nhắc tới Phú Quốc (Kiên Giang), một điểm sáng về phát triển kinh tế trong khu vực.
Kể từ ngày 1/1/2021, Phú Quốc đã chính thức trở thành thành phố đảo đầu tiên của Việt Nam, trên cơ sở nguyên trạng toàn bộ diện tích tự nhiên và quy mô dân số 179.480 người của huyện Phú Quốc (Kiên Giang).
Sau khi thành lập, TP Phú Quốc có 9 đơn vị hành chính cấp xã, gồm hai phường Dương Đông, An Thới và các xã Bãi Thơm, Cửa Cạn, Cửa Dương, Hàm Ninh, Dương Tơ, Thổ Châu, Gành Dầu.
Với tốc độ phát triển nhanh chóng, từ lâu, Phú Quốc đã là điểm đến đầu tư hấp dẫn đối với các nhà đầu tư bất động sản. Việc trở thành thành phố đảo đầu tiên của cả nước, các các kế hoạch thí điểm mở cửu du lịch, hộ chiếu vắc -xin càng khiến cho giới đầu tư kỳ vọng vào sức bật của thị trường này, đặc biệt là phân khúc bất động sản nghỉ dưỡng.
Chiều 11/1, Quốc hội thông qua Nghị quyết thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP Cần Thơ. Các cơ chế, chính sách đặc thù này nhằm phát huy tiềm năng, lợi thế để phát triển TP Cần Thơ nhanh và bền vững. Phấn đấu đến năm 2030, Cần Thơ là thành phố sinh thái, văn minh, hiện đại mang đậm bản sắc văn hóa sông nước vùng ĐBSCL; là đô thị hạt nhân vùng ĐBSCL.
Nghị quyết có hiệu lực thi hành từ ngày 1/3 và được thực hiện trong 5 năm. Trong đó có 4/6 cơ chế liên quan đến quản lý đất đai, quy hoạch. Qua đó, nhiều ý kiến cho rằng thị trường bất động sản Cần Thơ nói riêng và ĐBSCL nói chung sẽ được hưởng lợi.
Cụ thể, về quản lý đất đai, HĐND TP Cần Thơ quyết định chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa nước từ hai vụ trở lên với quy mô dưới 500 ha theo ủy quyền của Thủ tướng. Việc chuyển mục đích sử dụng đất này phải thực hiện công khai, lấy ý kiến người dân, người chịu tác động.
Về điều chỉnh cục bộ quy hoạch chung xây dựng khu chức năng, quy hoạch chung đô thị, UBND TP Cần Thơ được phân cấp phê duyệt điều chỉnh cục bộ quy hoạch chung xây dựng khu chức năng, điều chỉnh cục bộ quy hoạch chung đô thị theo trình tự, thủ tục do Thủ tướng quy định.
Các dự án nạo vét kết hợp thu hồi sản phẩm luồng hàng hải Định An - Cần Thơ đảm bảo một số tiêu chí sẽ được áp dụng các hình thức ưu đãi. Cụ thể, tàu có trọng tải từ 10.000 tấn trở lên ra vào, có quy mô vốn từ 500 tỷ đồng, được áp dụng các hình thức ưu đãi, hỗ trợ.
Ngoài ra, sẽ áp dụng nhiều cơ chế ưu đãi về thủ tục hải quan và thuế cho các doanh nghiệp đầu tư tại khu liên kết sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp vùng ĐBSCL tại Cần Thơ.