Loạt dự án hạ tầng trọng điểm của Long An hiện ra sao?

Long An hiện đang dồn lực triển khai 4 dự án trọng điểm, gồm vành đai 3 TP HCM, ĐT830E, ĐT830C và ĐT823D.

Thi công trục mở mới Tây Bắc kết nối Long An - TP HCM. (Ảnh: Báo Long An)

Theo Cổng thông tin điện tử tỉnh Long An, ngày 3/2, lãnh đạo tỉnh đã đến khảo sát, làm việc với các ngành, địa phương về thực hiện các công trình giao thông trọng điểm trên địa bàn huyện Bến Lức và Đức Hòa.

Tại dự án đường Vành đai 3 TP HCM, hiện các mốc tiến độ theo yêu cầu của Chính phủ cơ bản được ngành Giao thông hoàn thành theo kế hoạch. Trong đó, UBND huyện Bến Lức đã ban hành thông báo thu hồi đất, tổ chức họp dân công bố chủ trương đầu tư, phạm vi giải phóng mặt bằng và trao thông báo thu hồi đất các hộ bị ảnh hưởng.

Dự kiến, dự án khởi công vào tháng 6/2023, cơ bản hoàn thành thông xe phần cao tốc năm 2025 và hoàn thành toàn bộ dự án năm 2026.

Đối với đường tỉnh 830E có chiều dài hơn 9,3 km qua địa bàn hai huyện Bến Lức và Cần Đước, giai đoạn 1 đầu tư 2 đường song hành, mỗi đường song hành gồm 2 làn xe hỗn hợp rộng 7 m và 1 làn xe thô sơ rộng 2,5 m; phần đường nối ra ĐT.830 có quy mô hoàn chỉnh 6 làn xe, nền đường rộng 30m.

Đến giai đoạn hoàn chỉnh sẽ thành đường cao tốc 8 làn xe chạy và 2 làn dừng khẩn cấp; phần đường song hành 4 làn xe hỗn hợp, mỗi chiều hai làn. Đến nay, Sở GTVT đã tổ chức đấu thầu gói thầu thi công xây dựng đoạn từ ĐT.830 đến đường Nguyễn Văn Nhâm, dự kiến khởi công trong tháng 2/2023 và đoạn còn lại nối ra quốc lộ 1, dự kiến khởi công trong tháng 4/2023.

Còn tại dự án nâng cấp, cải tạo ĐT.830C có chiều dài khoảng 9 km, quy mô đường đô thị, mặt đường bê tông nhựa rộng 20 m, nền đường rộng 30 m, riêng đoạn từ đường Nguyễn Hữu Thọ đến đường Nguyễn Văn Tiếp dài khoảng 0,7 km giữ nguyên theo hiện trạng.

Dự án có tổng mức đầu tư khoảng 971 tỷ đồng, trong đó, ngân sách nhà nước đầu tư giải phóng mặt bằng, còn chi phí đầu tư xây dựng do doanh nghiệp đóng góp không hoàn lại. Hiện Sở GTVT đang triển khai cắm cọc giải phóng mặt bằng để bàn giao cho UBND huyện Bến Lức thực hiện giải tỏa. Dự kiến, dự án khởi công năm 2025 sau khi được bố trí vốn.

Riêng đối với dự án ĐT.823D (Trục mở mới Tây Bắc kết nối Long An - TP HCM) do liên danh Công ty TNHH Hoàn Hảo – CTCP Xây dựng Đê kè và Phát triển nông thôn Hải Dương - Công ty TNHH Đầu tư và Xây dựng Trung Thành đảm nhận thi công. Hiện nay, các nhà thầu đang tập trung vật tư, thiết bị, xe máy triển khai 7 mũi thi công đào, đắp cát, sỏi đỏ nền đường, thi công cống thoát nước tại các đoạn đã được bàn giao mặt bằng, giá trị khối lượng thực hiện đến nay 96/946 tỷ đồng, đạt 10%.

ĐT.823D là trục giao thông kết nối đường Hồ Chí Minh, Quốc lộ N2 (đường Vành đai 4) tại nút giao thị trấn Hậu Nghĩa, qua ĐT.824, ĐT.823B (đường cặp Kênh Tây), đường Vành đai 3 TP HCM và đường Vành đai 2 TP HCM (theo quy hoạch giao thông TP HCM). 

Dự án có tổng chiều dài hơn 14 km; tiêu chuẩn đường phố chính đô thị thứ yếu, vận tốc thiết kế 80km/h. Phần đường có mặt đường 6 làn xe rộng 25 m, nền đường rộng 40 m (riêng đoạn qua khu công nghiệp Nam Thuận dài 1,9 km có nền đường rộng 32 m, mặt đường 6 làn xe rộng 25 m). Tổng vốn đầu tư dự án gần 2.500 tỷ đồng.

Khó khăn lớn nhất hiện nay khi triển khai các công trình giao thông trọng điểm do một số công trình còn vướng mặt bằng, một số đoạn đang triển khai thi công, nhưng mặt bằng bàn giao không liên tục, các vị trí người dân đã nhận tiền bồi thường nhưng chưa tháo dỡ nhà cửa, vật kiến trúc, mồ mả, một số hộ bị giải tỏa chờ bàn giao nền tái định cư để tháo dỡ, di dời nên công tác thi công bị gián đoạn, không liên tục và một số công trình còn gặp khó khăn về nguồn vốn cũng như thiếu nguồn cung vật liệu.

chọn
Hình hài tuyến Vành đai 3 TP HCM đang xây dựng qua Thủ Đức
Tuyến vành đai 3 đi qua TP Thủ Đức dài khoảng 15 km, đi qua các phường bao gồm Long Trường, Trường Thạnh, Long Thạnh Mỹ và Long Bình. Gói thầu xây dựng tuyến Vành đai 3 qua TP Thủ Đức là gói thầu thứ 3 của dự án vành đai 3 TP HCM.