Loạt KCN tại Vĩnh Phúc vướng giải phóng mặt bằng

Trong bối cảnh quỹ đất sạch cho công nghiệp ngày càng hạn hẹp, nhiều KCN tại Vĩnh Phúc như Sơn Lôi, Bình Xuyên, Khai Quang,... vẫn chưa thể giải phóng toàn bộ mặt bằng theo quy hoạch đã duyệt.
Hàng loạt KCN tại Vĩnh Phúc vướng giải phóng mặt bằng - Ảnh 1.

Vĩnh Phúc còn hơn 2.700 ha đất công nghiệp cần giải phóng mặt bằng. (Ảnh: Ban Quản lý các KCN tỉnh Vĩnh Phúc).

Thông tin từ Báo Vĩnh Phúc cho biết, trên địa bàn tỉnh này có 19 khu công nghiệp (KCN) với tổng diện tích hơn 5.480 ha được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận quy hoạch.

Tuy nhiên, đến nay quy hoạch chi tiết xây dựng các KCN chỉ đạt trên 4.200 ha. Tính đến hết năm 2020, Vĩnh Phúc mới cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư được 9 KCN với tổng diện tích đất sử dụng hơn 1.830 ha (trong đó đất công nghiệp hơn 1.350 ha).

Như vậy, toàn tỉnh còn hơn 2.370 ha đất đã quy hoạch chi tiết xây dựng KCN, đã cấp giấy chứng nhận nhưng chưa lập dự án.

Công tác quy hoạch phát triển các KCN bị hạn chế khiến nhiều nhà đầu tư có nhu cầu nhưng chưa thể triển khai dự án đầu tư vào các KCN tại Vĩnh Phúc. Một số KCN đã có quy hoạch chi tiết xây dựng, song khi triển khai lại gặp vướng mắc về bồi thường giải phóng mặt bằng (GPMB).

Có thể kể đến như KCN Bình Xuyên II, theo quy hoạch chi tiết là 180 ha nhưng trên thực tế mới chỉ triển khai được hơn 111 ha; KCN Sơn Lôi còn vướng gần 40 ha chưa được GPMB; KCN Sông Lô I còn hơn 22 ha; KCN Sông Lô II còn vướng trên 14 ha; KCN Lập Thạch I còn vướng mắc gần 18 ha...

Theo số liệu của Ban Quản lý các KCN tỉnh, hiện Vĩnh Phúc có hơn 2.700 ha đất công nghiệp cần thực hiện công tác bồi thường, GPMB, tạo quỹ đất sạch để thu hút đầu tư, bao gồm cả các KCN đã được cấp giấy chứng nhận; các KCN mới được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt hoặc đang xin ý kiến phê duyệt chủ trương đầu tư; các KCN chưa có chủ đầu tư.

Đến hết năm 2020, trong số 9 KCN đã được cấp giấy chứng nhận, còn 5 KCN vướng mắc về bồi thường, GPMB với tổng diện tích trên 477 ha (Bá Thiện II còn hơn 103 ha; Bình Xuyên gần 83 ha; Sơn Lôi hơn 253 ha; Khai Quang gần 3,9 ha; Tam Dương II - Khu A còn 34 ha).

Ngoài ra, tỉnh còn có 5 KCN đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chủ trương đầu tư cần GPMB hơn 946 ha; 3 KCN đang xin ý kiến để phê duyệt chủ trương đầu tư, sau khi được phê duyệt phải thực hiện GPMB hơn 437 ha; 5 KCN chưa có chủ đầu tư cần bồi thường, GPMB hơn 842 ha để tạo quỹ đất sạch, đấu giá quyền sử dụng đất hoặc đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư.

Theo Báo Vĩnh Phúc, phần lớn diện tích đất sử dụng của các KCN này là đất nông nghiệp, phi nông nghiệp, đất trồng rừng, đất quốc phòng... do người dân và một số đơn vị đang sử dụng, cần phải bồi thường GPMB trong thời gian tới.

Trước thực tế này, giai đoạn 2021 - 2025, Vĩnh Phúc phấn đấu đưa vào hoạt động thêm 3 - 5 KCN mới trong quy hoạch đã được phê duyệt; thực hiện bồi thường, GPMB khoảng 2.700 ha đất nói trên để triển khai xây hạ tầng kỹ thuật tại các KCN.

Theo Ban Quản lý các KCN tỉnh Vĩnh Phúc, quý I/2021, đơn vị đã thực hiện cấp mới 7 dự án FDI với tổng vốn đầu tư đăng ký 83,98 triệu USD; làm thủ tục tăng vốn đầu tư cho 4 dự án.

Trong đó, có ba dự án FDI với tổng vốn đăng ký tăng thêm 11,05 triệu USD và một dự án DDI (vốn đầu tư trong nước) với tổng vốn đăng ký tăng thêm gần 160 tỷ đồng.

Như vậy, tổng vốn đầu tư cấp mới và tăng thêm trong quý I/2021 là 95,03 triệu USD và gần 160 tỷ đồng.

chọn
'Quy hoạch NOXH ở những khu vực quá xa trung tâm như Củ Chi là không khả thi'
Theo đại diện Ban Quản lý các Khu chế xuất và công nghiệp TP HCM, so với các dự án nhà ở thông thường, việc xây dựng NOXH phức tạp hơn. Chẳng hạn như việc chọn địa điểm xây dựng, nếu NOXH được quy hoạch ở những khu vực quá xa trung tâm như Củ Chi thì sẽ không khả thi do di chuyển hàng ngày bất tiện.