Lợi nhuận 9 tháng của VRG gần 700 tỷ đồng, nợ tài chính tăng hơn 30%

Đầu tư Sài Gòn VRG công bố lợi nhuận sau thuế lũy kế 9 tháng đầu năm 699,7 tỷ đồng, giảm 5% so với cùng kỳ. Thời điểm cuối tháng 9, nợ tài chính tăng 33% đạt 608,3 tỷ đồng.

CTCP Đầu tư Sài Gòn VRG (mã chứng khoán: SIP) vừa công bố báo cáo tài chính hợp nhất quý III với doanh thu thuần 1.508 tỷ đồng, tăng 33% so với cùng kỳ năm 2021, lợi nhuận sau thuế đạt 196 tỷ đồng, tăng 7%.

Lũy kế 9 tháng đầu năm 2022, Sài Gòn VRG ghi nhận doanh thu thuần 4.595 tỷ đồng, tăng 11%, phần lớn do tăng doanh thu bán điện, nước. Cùng với đó, doanh thu từ bán thành phẩm, doanh thu cung cấp dịch vụ tiện ích khu công nghiệp (KCN) và doanh thu cho thuê đất đã phát triển cơ sở hạ tầng cũng tăng nhẹ so với cùng kỳ.

Trong kỳ, giá vốn tăng 14%, đạt 3.964 tỷ đồng khiến lợi nhuận gộp của công ty giảm 2% đạt 630,5 tỷ đồng.

Chi phí tài chính của công ty cũng tăng lên 23,9 tỷ đồng, chủ yếu do tăng khoản lãi tiền vay, đạt 19,3 tỷ đồng, bên cạnh đó, chi phí quản lý doanh nghiệp và chi phí bán hàng cũng lần lượt tăng 7% và 24%.

Kết quả, Đầu tư Sài Gòn VRG báo lãi sau thuế lũy kế 9 tháng 699,7 tỷ đồng, giảm 5% so với cùng kỳ.Năm nay, công ty đặt mục tiêu lợi nhuận sau thuế 668 tỷ đồng, như vậy, sau ba quý đầu năm kinh doanh, công ty đã vượt 1% mục tiêu lợi nhuận năm.

KQKD 9 tháng đầu năm của Sài Gòn VRG. (Nguồn: Trương Nhi tổng hợp từ BCTC doanh nghiệp).    

Tại ngày 30/9, tổng tài sản của Sài Gòn VRG đạt 18.617 tỷ đồng, tăng nhẹ so với thời điểm đầu năm, chủ yếu nhờ tăng 32% các khoản đầu tư tài chính dài hạn, đạt 1.017 tỷ đồng, do tăng khoản đầu tư CTCP Khu công nghiệp Nam Tân Uyên và ghi nhận mới 207,7 tỷ đồng đầu tư vào CTCP Phát triển Đô thị và Khu công nghiệp Cao su Việt Nam.

Bên cạnh đó, hàng tồn kho của công ty cũng tăng 7%, đạt 508,3 tỷ đồng, do tăng khoản nguyên vật liệu, thành phẩm và chi phí sản xuất kinh doanh dở dang tại dự án Khu tái định cư Bến Sắn, Khu dân cư (KDC) Thuận Lợi, KDC Đông Nam và các dự án khác.

Cuối quý III, khoản tài sản dở dang dài hạn tăng 226 tỷ đồng, đạt 2.729 tỷ đồng nhờ tăng chi phí xây dựng dở dang tại KCN - Đô thị - Dịch vụ Phước Đông Bời Lời (1.274 tỷ đồng), KCN Đông Nam (321,3 tỷ đồng), KCN Lê Minh Xuân 3 (694,5 tỷ đồng), dự án Cảng Thanh Phước (109,6 tỷ đồng) và các dự án khác. (116,7 tỷ đồng).

Liên quan đến nguồn vốn của doanh nghiệp, công ty ghi nhận 10.546 tỷ đồng khoản doanh thu chưa thực hiện, tăng nhẹ so với đầu năm, chủ yếu do tăng tiền thuê đất, nhà xưởng. 

Về tình hình tài chính, tại ngày 30/9, tổng nợ vay của công ty đạt 608,3 tỷ đồng, tăng 33% so với đầu năm, phần lớn do tăng các khoản vay ngắn hạn từ Vietcombank (đạt 425 tỷ đồng) và các ngân hàng khác (đạt 79,7 tỷ đồng).

chọn
[Infographic] 8 dự án sẽ đóng góp 1.700 ha quỹ đất công nghiệp cho TP HCM thời gian tới
Trong thời gian tới, nguồn cung mới đất công nghiệp của TP HCM dự kiến có khoảng 1.759 ha đến từ 8 dự án tại Bình Chánh, Nhà Bè và Củ Chi.