'Lớp học ánh sáng' của thầy giáo mù

Có một ngôi trường do chính người thầy khiếm thị lập ra để cưu mang những đứa trẻ có hoàn cảnh như mình với hy vọng mang lại ánh sáng cùng niềm tin để các em tự tin vào đời.

17 năm dạy dỗ, cưu mang người khiếm thị

Thiên Ân là cái tên không lạ với cộng đồng người khiếm thị. Được thành lập từ năm 1999, xuất phát ban đầu từ lớp học nhỏ, đến nay Thiên Ân đã trở thành mái nhà chung cho biết bao học sinh khiếm thị, nuôi dưỡng, dạy dỗ và giúp các em học nghề, có công việc để tự mình kiếm sống.

lop hoc mang anh sang
Thầy Nguyễn Quốc Phong (ngoài cùng), người sáng lập ra mái ấm cưu mang các em khiếm thị.

Người thành lập mái ấm được các em ưu ái vừa gọi “thầy” vừa gọi “cha” chính là thầy Nguyễn Quốc Phong. Được biết, khi 33 tuổi, thầy Phong bị tai nạn làm đứt dây thần kinh thị giác dẫn đến mù lòa.

Từ người sáng mắt, thầy phải tập làm quen bóng tối. Thầy xin đi học tại các lớp học cho người khuyết tật nhưng các nơi không nhận vì thầy đã quá tuổi. Không chấp nhận là một phế nhân, thầy Phong tự học chữ nổi dành cho người khiếm thị và nghiên cứu về các cách thức để có thể giúp người khiếm thị hòa nhập với cộng đồng.

Nhiều lần tiếp xúc với các em nhỏ khiếm thị bán vé số, thấy chúng chịu nhiều thiệt thòi khi không biết đọc nên kiến thức hạn chế. Phần đông những em này cha mẹ không có điều kiện nên không thể theo học tại các trường chuyên biệt. Vậy là, thầy quyết định mở mái ấm hỗ trợ các em. Những lớp học bắt đầu hình thành với bao tâm huyết của người thầy giàu lòng nhân ái.

lop hoc mang anh sang
Một giờ học đàn cho các em ở mái ấm Thiên Ân. (Ảnh: Thủy Nguyên)

Cô Đoàn Thị Hải, quản lý mái ấm Thiên Ân cho biết, khi mới thành lập, quy mô còn nhỏ, chính thầy Phong là người vất vả chuẩn bị cho lớp học từng chút một. Sau này, khi mái ấm được biết đến nhiều hơn nhờ sự chung tay giúp sức của nhiều người, thầy đã tạo dựng được cơ sở mới khang trang hơn cho các em.

Mái ấm được xây đúng theo tiêu chuẩn của người khiếm thị nhằm thuận lợi cho các em. Cầu thang lên xuống được thiết kế có tay vịn và miếng inox giúp các em nhận diện được tầng lầu. Thầy cũng cộng tác với công ty dạy nghề cho người khiếm thị viết phần mầm matabraille để giúp các em đọc màn hình, từ điển.

Các phần mềm được nhiều người khiếm thị sử dụng là MATA (viết tắt từ Mái Ấm Thiên Ân) Keyboard, MATA Talking Dictionary, MATA Braille Translator. Thầy Phong cũng tích cực nghiên cứu, dịch thuật và biên soạn tài liệu hữu ích cho người khiếm thị Việt Nam. Và sáng chế ra gậy xếp thông minh có dạ quang để đảm bảo an toàn cho người khuyết tật khi đi trong đêm tối. Nguồn thu cho các hoạt động của trường đến từ việc sản xuất gậy xếp này và in sách chữ nổi.

lop hoc mang anh sang
Các em ở mái ấm đều có hoàn cảnh khó khăn, mái ấm chính là nơi cưu mang, nuôi dưỡng các em. (Ảnh: Thủy Nguyên)

Gậy dẫn đường

Gậy dẫn đường được xem là vật dẫn lối bất ly thân cho người khiếm thị và với Thiên Ân, thầy Phong cũng được ví như gậy dẫn đường dìu dắt các em bắt đầu từ những bước đi chập chững. Những nỗ lực của thầy đem lại nhiều hiệu quả rõ rệt, biết bao nhiêu em đã trưởng thành từ mái ấm để có công việc kiếm sống cho mình, mái ấm cũng ngày được nhiều người biết đến nhiều hơn.

Cho đến nay, hơn 110 em học sinh nội trú, là các em khiếm thị có hoàn cảnh khó khăn ở các vùng thôn quê, đã "ra riêng" tự lập với nghề nghiệp ổn định. Mái ấm cũng tổ chức nhiều khóa học massage tại ĐH Y Dược và Viện Y Dược Học Dân Tộc TP.HCM, tạo việc làm cho hơn 120 em khiếm thị. Có em đạt giải cao trong cuộc thi bơi lội cho người khuyết tật.

lop hoc mang anh sang
Hai tấm bảng dày đặc huy chương trường có được trong quá trình thành lập, duy trì mái ấm. (Ảnh: Thủy Nguyên)

Những thành tích của Thiên Ân được thể hiện qua hai bảng treo đầy huy chương, giấy khen tại mái ấm khiến khách đến thăm ngỡ ngàng. Không khí lớp học cùng những con người sáng mắt đang làm công tác chăm sóc các em nơi đây tạo cảm giác ấm lòng những ai một lần đến với mái ấm.

Cô Hải cho biết, hiện mái ấm có khoảng 30 bé khiếm thị, trong đó đa số đều đến từ các tỉnh thành khác. Các em đều có hoàn cảnh khó khăn, không có điều kiện để học hành, chữa bệnh nên mái ấm là nơi cưu mang, giúp đỡ các em. Thời gian đầu, các em nhập học khá vất vả bởi chưa quen, nhiều em chưa được rèn luyện. “Có em đã 17 tuổi nhưng không biết chữ, hiện vẫn đang học lớp 1”, cô Hải nói thêm.

Tuy nhiên, sau một thời gian ở mái ấm, được các thầy cô tận tâm chỉ bảo, rèn luyện, các em đã sinh hoạt vào nề nếp. “Các em tự vệ sinh, tắm giặt, tự lấy phần ăn của mình và rửa chén đĩa. Không chỉ vậy, các bạn còn phân công quét, lau nhà. Em này lau bàn ghế thì em khác sẽ lau tay vịn cầu thang...”, cô Hải kể.

lop hoc mang anh sang
Giờ ăn ấm áp, thân mật giữa thầy trò trong mái ấm. (Ảnh: Thủy Nguyên)

Cũng theo cô Hải, các bé sẽ học chương trình tiểu học tại đây để trang bị những bước cần thiết cho người khiếm thị. Lên lớp 6, các em sẽ học hòa nhập với người sáng mắt. Khi các em rời khỏi đây rồi, các thầy cô ở đây vẫn hỗ trợ trong việc đọc dịch tài liệu cho các em.

Mái ấm còn có 4 lớp nhạc được tổ chức tại đây. Một lớp dạy cho người khuyết tật để trở thành những nhạc công chuyên nghiệp làm việc trong các nhà hàng để kiếm sống. Một lớp sẽ dạy cho các em nghiên cứu sâu về âm nhạc để các em có thể dạy nhạc. Lớp khác là lớp cho các em mầm non, lớp thanh nhạc bình thường – hát và sử dụng những nhạc cụ cơ bản”.

Thầy Vũ Công Hào, dạy nhạc tại mái ấm 4 năm, không giấu được niềm vui kể: “Tháng 12 vừa rồi chúng tôi dàn dựng tiết mục cho các em biểu diễn ở khách sạn New World. Cũng Noel vừa rồi, chúng tôi cho các em đi biểu diễn ở Thủ Đức. Các em rất thích, tinh thần vui vẻ. Âm nhạc không chỉ giúp tinh thần thư giãn, còn có tác dụng chữa bệnh cho người khuyết tật rất nhiều, đặc biệt những người chậm phát triển trí não”.

lop hoc mang anh sang
Góc sáng tạo chào năm mới của các em dưới sự hướng dẫn của thầy cô sáng mắt. (Ảnh: Thủy Nguyên)

Có đến lớp học, nhìn cách những thầy cô nơi đây dành tình cảm cho học trò đặc biệt của mình qua từng giờ ăn giờ học mới hiểu hết ý nghĩa cuộc sống mà mái ấm đem lại cho các em khiếm thị. Cô Hải khoe sắp đến các thầy cô sẽ đi dự đám cưới của một em học sinh trong mái ấm.

Nhìn các học trò đặc biệt của mình trưởng thành, có công việc và mái ấm cho riêng mình – đó là niềm vui của thầy cô nơi đây. Thiên Ân thực sự là lớp học đặc biệt, mái nhà chung nơi niềm vui của một người là niềm vui của nhiều người – một gia đình lớn dưới sự dìu dắt của người cha lớn – thầy Nguyễn Quốc Phong.

chọn
Công ty con Kinh Bắc tăng vốn gấp rưỡi trước thềm xây khu công nghiệp 466 ha ở Long An
Sài Gòn Tây Bắc (SCD) - công ty con của Kinh Bắc sắp xây dựng KCN Lộc Giang gần 5.200 tỷ tại Đức Hòa, Long An. Vừa qua, doanh nghiệp này đã thực hiện tăng vốn điều lệ từ 750 tỷ đồng lên 1.181 tỷ đồng.