Du khách làm dấu “dislike” bên công trình sai phạm trên đèo Mã Pì Lèng, Hà Giang - Ảnh: HOÀNG PHƯƠNG
Ông Trần Ngọc Chính - chủ tịch Hội Quy hoạch đô thị Việt Nam - đã khẳng định như vậy trong cuộc trao đổi với Tuổi Trẻ liên quan đến những vụ xâm phạm các thắng cảnh, di sản quốc gia trong thời gian qua.
Ông Chính nói: Hầu hết những công trình xây dựng xâm phạm di sản, thắng cảnh quốc gia đã qua mặt các cơ quan quản lí của địa phương để ngang nhiên tồn tại. Nếu các cơ quan quản lí địa phương làm đúng chức năng của mình sẽ không xảy ra tình trạng này.
* Việc xây dựng công trình ảnh hưởng, xâm phạm trực tiếp vào di sản thiên nhiên, danh thắng quốc gia thời gian qua phải chăng do quy định pháp luật chưa đầy đủ hay chế tài chưa nghiêm, thưa ông?
- Luật di sản quy định rất rõ việc xây dựng các công trình mới. Ví dụ với hạ tầng giao thông hay các công trình kiến trúc ảnh hưởng tới di sản, công tác quy hoạch phải đặc biệt lưu tâm.
Các di sản đều được quản lí, bảo vệ theo vùng lõi, vùng 1, vùng 2, vùng đệm, và quy định công trình nào được xây, công trình nào không được xây. Chẳng hạn, trong khu vực danh thắng Tràng An thời gian qua có chuyện tự ý xây dựng bậc thang bêtông trong vùng lõi di sản là trái luật, không đúng với tinh thần bảo vệ di sản. Với các di sản thiên nhiên, việc xây dựng công trình trong vùng lõi đã phá vỡ cảnh quan, ảnh hưởng trực tiếp tới di sản.
Việc quy hoạch xây dựng các công trình trong vùng di sản phải đặc biệt tôn trọng Luật di sản. Luật di sản quy định cụ thể việc xây dựng công trình xây dựng phải cách xa bao nhiêu, kiến trúc thế nào.
Công ty du lịch Tràng An tháo dỡ công trình “khủng” xâm phạm di sản thế giới Tràng An, Ninh Bình - Ảnh: T.L.
* Hành lang pháp lí hiện nay đã đủ để bảo vệ các di sản trước sự xâm phạm, xâm lấn từ các công trình bên ngoài, thưa ông?
- Giữa quy định với thực tế xây dựng công trình trong vùng di sản vẫn có những khoảng cách. Về không gian, rõ ràng công trình Mã Pì Lèng Panorama không nằm trong vùng lõi, vùng 1, vùng 2 bảo vệ danh thắng Mã Pì Lèng nhưng nó rất phản cảm và ảnh hưởng trực tiếp tới không gian vùng di sản.
Công trình Mã Pì Lèng Panorama giống với xây dựng tòa nhà 8B Lê Trực tại TP Hà Nội thời gian qua. Cả hai công trình đều nằm ngoài vùng bảo vệ di sản, vùng quy hoạch chi tiết trung tâm chính trị Ba Đình, nhưng nó tiếp cận, ảnh hưởng tới không gian kiến trúc của thắng cảnh Mã Pì Lèng và vùng quảng trường Ba Đình.
Có thể khi lập quy hoạch vùng danh thắng Mã Pì Lèng, các nhà làm quy hoạch không thấy được các công trình khu vực đèo tác động trực tiếp tới di sản. Nhưng các cơ quan quản lí di sản, quản lí xây dựng trên địa bàn huyện Mèo Vạc, các sở Xây dựng, TN-MT, VH-TT&DL tỉnh Hà Giang phải nhận diện được việc xây dựng các công trình này tác động xấu đến cảnh quan thiên nhiên danh thắng Mã Pì Lèng.
Cơ quan quản lí nhà nước phải đánh giá được các tác động tới di sản chứ không phải cứ ngoài vùng bảo vệ di sản thì người dân, doanh nghiệp muốn xây gì cũng được. Việc để xảy ra sai phạm phần lớn là do công tác quản lí đầu tư xây dựng, bảo vệ di sản, thắng cảnh tại địa phương không chặt chẽ.
Mã Pì Lèng Panorama với chức năng tổng hợp nhà nghỉ, nhà hàng, cà phê trên đèo Mã Pì Lèng, Hà Giang khiến cộng đồng bức xúc (ảnh chụp tháng 3-2019) - Ảnh: QUANG ĐỊNH
* Sau khi dư luận phản ánh về công trình Mã Pì Lèng Panorama xây sai phép, các cơ quan chức năng Hà Giang đổ trách nhiệm cho UBND huyện Mèo Vạc cấp phép, quản lí trật tự xây dựng trên địa bàn không nghiêm. Việc quy trách nhiệm này có thuyết phục không, thưa ông?
- Đúng là UBND các huyện có trách nhiệm quản lí đầu tư, xây dựng công trình Mã Pì Lèng Panorama. Nhưng công trình nhà 7 tầng Mã Pì Lèng Panorama trên đèo Mã Pì Lèng đã ảnh hưởng tới cả một cung đường du lịch hạnh phúc, tới không gian, cảnh quan danh thắng quốc gia Mã Pì Lèng thì các sở, ngành tỉnh cũng có trách nhiệm quản lí.
Mã Pì Lèng là một di sản thiên nhiên hùng vĩ của Tây Bắc, xây dựng công trình sai phép rõ ràng đã ảnh hưởng. Một công trình không phép, xâm phạm không gian di sản thiên nhiên nhưng 2 năm sau khi xây dựng, báo chí phản ánh, UBND tỉnh mới lập đoàn kiểm tra liên ngành xử lí vi phạm là quá muộn.
Các sở, ngành chuyên môn của tỉnh Hà Giang phải chịu trách nhiệm tùy theo lĩnh vực quản lí của mình. Ở cấp huyện, các phòng chuyên môn có thể trình độ hạn chế không nắm hết được, nhưng ba sở còn lại liên quan tới công trình sai phạm là Xây dựng, TN-MT, VH-TT&DL không thể đứng ngoài cuộc.
Đây không phải xây dựng một cái lều mà là một công trình quy mô 7 tầng sai phép, xâm phạm di sản ở một vị trí nhạy cảm, bất kỳ người dân nào cũng có thể nhìn thấy thì các sở, ngành của tỉnh phải chịu trách nhiệm và sớm có biện pháp xử lí triệt để sai phạm.
19 căn nhà gỗ được xây dựng trái phép trong khu nghỉ dưỡng cao cấp và du lịch sinh thái Hoàng Gia, thuộc khu vực hồ Tuyền Lâm, Đà Lạt, Lâm Đồng - Ảnh: M.VINH
* KTS Đào Ngọc Nghiêm (nguyên giám đốc Sở Quy hoạch kiến trúc Hà Nội):
Chưa nhận diện đúng vai trò di sản
Việc xây dựng không phép trong vùng thắng cảnh Mã Pì Lèng cho thấy việc quản lí trật tự xây dựng không tốt. Mục tiêu của phát triển không chỉ tập trung vào kinh tế mà phải chú trọng đến phát triển bền vững, trong đó phải chú trọng tới quản lí, khai thác và bảo vệ di sản.
Việt Nam đã có Luật di sản, trong các quy hoạch xây dựng, quy hoạch tỉnh, quy hoạch vùng đều đặt ra những vấn đề bảo tồn cảnh quan thiên nhiên. Vấn đề đặt ra là từng địa phương cần sớm nhận diện giá trị di sản ở đâu và phải xây dựng các quy chế, quy định để bảo tồn di sản. Thời gian qua có địa phương đã ban hành quy chế quản lí, khai thác, bảo tồn di sản nhưng nó mới dừng ở mức là công cụ cho cơ quan quản lí, người dân chưa nắm được.
Ví dụ tại Hà Nội, trong khu phố cổ, thành phố đã phê duyệt 254 công trình kiến trúc có giá trị nhưng giá trị ở đâu, chi tiết thế nào..., chính quyền Hà Nội mới đang triển khai. Nhận diện được đầy đủ giá trị di sản, trong đó có các công trình, khu cảnh quan mới có thể xây dựng khung pháp lí để quản lí.
Thể chế quản lí, khai thác, bảo tồn chưa làm rõ trách nhiệm của các cấp, hiện nay di sản văn hóa thế giới, di sản quốc gia, di sản cấp tỉnh, di sản cộng đồng cũng cần làm rõ trách nhiệm các bên liên quan. Chẳng hạn, trong nghị định của Chính phủ về xử phạt hành chính trong lĩnh vực xây dựng nói nhiều đến sai quy hoạch nhưng chưa có quy định cụ thể về các sai phạm liên quan đến di sản nên cần bổ sung.