Mạng xã hội Lotus ra mắt: Tuyên bố không cạnh tranh với Facebook, cho phép bán hàng online và người dùng phải xem quảng cáo

Được tạo ra từ 200 kĩ sư công nghệ Việt với hơn 500 nhà sáng tạo nội dung, mục tiêu của mạng xã hội Việt Nam Lotus là hướng vào nội dung, cung cấp nội dung sạch, chất lượng cho người dùng.

Lotus không cạnh tranh trực tiếp với Facebook

Chia sẻ tại buổi họp báo ra mắt mạng xã hội Việt Nam Lotus tại Hà Nội sáng ngày 9/9, ông Nguyễn Thế Tân – CEO VCCorp, khẳng định Loutus sẽ không cạnh tranh trực tiếp với Facebook.

Lotus ra đời với tham vọng sẽ trở thành nền tảng phân phối nội dung từ người dùng tới tay độc giả, dựa trên ba trụ cột chính là: Nội dung, Sản phẩm và Cộng đồng.

Trong đó, chiến lược của Lotus là tạo ra nội dung tốt hơn, chất lượng hơn và đa dạng hơn để thu hút người dùng.

Họp báo Mạng xã hội Lotus 14

"Lotus sẽ không cạnh tranh trực tiếp với Facebook", ông Nguyễn Thế Tân khẳng định. (Ảnh: Thiên Trường).

 Lotus đã có cho mình hơn 500 nhà sáng tạo nội dung, ở 20 lĩnh vực khác nhau, từ giáo dục, kinh tế, nhiếp ảnh đến giải trí, âm nhạc,… với trên 30 nguồn chính luận từ các tờ báo lớn VTV, Lao Động, Dân Trí,…

"Nội dung là vua, nhà sản xuất nội dung là nhà vua. Làm sao phục vụ được nhà vua thật tốt, thì sẽ có nội dung hay", Nguyễn Thế Tân chia sẻ.

Lotus quan niệm rằng, mỗi người là một nghệ nhân, ai cũng là nghệ nhân, chuyên gia trong một lĩnh vực nào đó, mạng xã hội này cam kết sẽ cung cấp cho người dùng những công cụ đơn giản để họ có thể trở thành những nhà sáng tạo nội dung chuyên nghiệp trên Lotus.

Hiện trên Lotus đã có 50 format đa dạng như video giải trí, blog, hình ảnh, video nhanh, tạp chí,… sẵn sàng phục vụ việc sáng tạo nội dung ngay tức khắc của những người làm báo, viết blog, chuyên gia, nhiếp ảnh gia,…

Do đó, người dùng sẽ có cơ hội mang được nội dung giá trị của mình đễn với nhóm độc giả.

Lotus sẽ giúp người dùng xây dựng hệ thống fan của riêng mình, được gọi là các "base". Với báo chí sẽ có base độc giả, với KOLs sẽ có base fan và doanh nghiệp sẽ có các base khách hàng,…

1a

Các nguồn nội dung trên Lotus. (Đồ họa: VCCorp).

Để thúc đẩy người dùng tham gia sáng tạo nội dung trong giai đoạn đầu tiên, Lotus cho biết họ sẵn sàng chịu lỗ để hỗ trợ một phần chi phí sản xuất cho người dùng.

"Với mục tiêu trên, Lotus không cạnh tranh trực tiếp với Facebook, nhưng sẽ cạnh tranh về lượng thời gian sử dụng app và về lượng người dùng", ông Tân nói thêm.

Lotus khẳng định sẽ không đi vào thị trường ngách như những mạng xã hội hiện có ở Việt Nam, mà sẽ đi thẳng vào thị trường phổ quát, nhằm đáp ứng tất cả các lớp người dùng khác nhau.

Cam kết cung cấp thông tin sạch?

Người dùng được cam kết tiếp cận nguồn thông tin chất lượng, chính thống khi tham gia Lotus. Để hạn chế những thông tin xấu độc, tin giả, Lotus cho biết sẽ có cơ chế thúc đẩy cung cấp cho người dùng các nguồn tin chính thống, hạn chế tối đa những thông tin sai lệch, vi phạm pháp luật.

Họp báo Mạng xã hội Lotus 16

Ông Nguyễn Thế Tân khẳng định Lotus sẽ cung cấp thông tin sạch cho người tham gia mạng xã hội này. (Ảnh: Thiên Trường).

"Chúng tôi không đi theo hướng coi mình là thượng đế, phán xét thông tin này đúng, thông tin kia sai, nhưng cam kết sẽ đẩy mạnh các nguồn tin đã được kiểm chứng, xác thực. Lotus là mảnh đất màu mỡ để cho các nội dung tốt phát triển", ông Tân khẳng định.

Lotus cũng sẽ áp dụng trí tuệ nhân tạo AI trong việc tạo ra các công cụ đọc text, đọc ảnh,… để đưa ra cảnh báo, chặn hoặc gỡ bỏ đối với những nguồn thông tin được xác định rõ ràng là vi phạm pháp luật.

Ngoài ra, đại diện mạng xã hội này cho biết nhà sản xuất nội dung sẽ có nguồn thu ngay lập tức khi đủ lượng user cũng như có chất lượng tốt.

Người dùng buộc phải xem quảng cáo

Hiện nay, Lotus đang tiếp cận với hơn 10.000 nhà quảng cáo dựa trên công nghệ Admicro của VCCorp, được ông Nguyễn Thế Tân tự hào khẳng định là "ngang tầm đẳng cấp thế giới".

Do đó, Lotus sẽ vẫn hiển thị quảng cáo, và người dùng bắt buộc phải xem, vì "đây vẫn là nguồn doanh thu duy nhất của các mạng xã hội trên thế giới", theo ông Tân.

Tuy nhiên, quảng cáo trên Lotus sẽ được cá nhân hóa dựa trên thói quen của người sử dụng, và vấn đề mà người dùng đang quan tâm.

Bên cạnh đó, Lotus cũng cam kết dữ liệu cá nhân của người dùng sẽ được dùng để tối ưu nguồn tin, quảng cáo và sẽ không bán cho bên thứ ba, bằng bất kì hình thức nào.

Họp báo Mạng xã hội Lotus 21

Lotus khuyến khích các hoạt động bán hàng online của các doanh nghiệp. (Ảnh: Thiên Trường).

Trong buổi họp báo, kĩ sư của Lotus cho biết mạng xã hội này có cơ chế mã hóa và bảo mật tuyệt đối cho thông tin cá nhân của người dùng, chỉ có người dùng nhìn thấy thông tin đó.

Về vấn đề bản quyền, hiện tại Lotus đang xây dựng và sẽ bắt đầu triển khai sau khi chính thức ra mắt.

"Lotus nghiêm túc coi trọng việc bảo vệ bản quyền nội dung của người dùng. Hiện Lotus đang phát triển công nghệ Content ID giúp nhận diện chữ viết, hình ảnh, nếu phát hiện vi phạm sẽ phát đi cảnh báo", ông Nguyễn Thế Tân nói.

Lotus khuyến khích bán hàng online

Đại diện của Lotus cho biết mạng xã hội này cho phép, khuyến khích các hoạt động bán hàng online của các doanh nghiệp.

"Chúng tôi coi đó cũng là một nhiệm vụ trọng tâm của Lotus, nhưng ít nhất là chưa phải trong giai đoạn này", CEO Lotus chia sẻ.

Theo đó, các doanh nghiệp có thể tham gia quảng cáo và bán hàng trên nền tảng và các công cụ mà Lotus hỗ trợ.

Trên Lotus, không chỉ dừng lại ở quảng cáo, mạng xã hội này còn giúp doanh nghiệp xây dựng môi trường maketing, chuyển đổi số và kết nối với khách hàng thông qua công nghệ MarTech độc quyền.

Hiện tại, Lotus đã ra mắt bản Close Beta cho một số ít người dùng thử, và dự kiến sẽ mở bản Open Beta cho người dùng phổ thông vào ngày 16/9 tới đây. Qúa trình thử nghiệm sẽ kéo dài trong khoảng 3-6 tháng.