MC Minh Trang: "Hãy nuôi dạy những em bé hạnh phúc". |
Yêu thương cũng rất cần phải diễn tả thành lời chứ không chỉ bằng hành động
“Mẹ yêu Daisy, Mẹ yêu Bánh Mì” là một câu nói mình luôn nhắc đi nhắc lại với hai chị em hàng ngày, có khi là hàng giờ khi hai mẹ con ở bên nhau. Daisy luôn rất hạnh phúc khi nghe mẹ nói những câu này. Nhưng mình thấy xung quanh mình, rất nhiều em bé không được may mắn như thế. Chúng ta thường chỉ âu yếm, cưng nựng con khi con còn nhỏ xíu, lớn hơn một chút, tầm 4, 5 tuổi thì bắt đầu cảm thấy ngượng nghịu khi nói hoặc thể hiện tình yêu với con. Điều này có lẽ xuất phát từ lối sống truyền thống, chúng ta xem trọng những hành động hơn là những cử chỉ yêu thương và thậm chí “yêu cho roi cho vọt, ghét cho ngọt cho bùi”, việc nói yêu thương còn bị xem là giả tạo.
Hai bé Daisy và Bánh Mì nhà MC Minh Trang trong một chuyến đi dã ngoại gia đình. |
Tuy nhiên, rất nhiều nghiên cứu đã chứng minh rằng, việc thể hiện yêu thương bằng lời nói, hành động như ôm, hôn, gọi chung là “giao tiếp trìu mến” có rất nhiều lợi ích. Được yêu thương là một trong những nhu cầu, bản năng của con người. Một đứa trẻ sơ sinh sẽ nín khóc nếu được mẹ ôm ấp, thủ thỉ, dỗ dành. Một đứa trẻ nhận được nhiều giao tiếp trìu mến sẽ “giảm thiểu được căng thẳng tinh thần, các bệnh lý về thần kinh, nghiện rượu, bạo hành, cô đơn, trầm cảm và tăng cường khả năng lành bệnh của cơ thể.” Trên thế giới đã ghi nhận rất nhiều những câu chuyện con người thoát khỏi bệnh tật, tình trạng hôn mê nhờ tình yêu và sự động viên của những người thân yêu nhất – đó chính là bằng chứng rõ ràng nhất cho sức mạnh của tình yêu khi được diễn tả bằng lời và hành động.
Nhiều nghiên cứu khác cũng chứng minh rằng, những đứa trẻ thường xuyên nhận được giao tiếp trìu mến từ bố mẹ sẽ giảm khả năng mắc các vấn đề về sức khỏe và tinh thần, giúp tăng lượng oxytoxin, một loại hóc môn có chức năng trấn an, giảm đau khi đối phó với căng thẳng. Bên cạnh đó, giao tiếp trìu mến cũng giúp giảm nhanh chóng lượng “hormone stress” (cortisol) sau khi phải đối phó với căng thẳng.
Việc thể hiện yêu thương bằng lời nói được gọi chung là “giao tiếp trìu mến”. |
Thể hiện tình yêu thương với con thế nào?
Giao tiếp trìu mến có rất nhiều lợi ích cho sự phát triển của bé. Nhưng làm thế nào để thể hiện tình yêu với con một cách đơn giản, tự nhiên và để con học được cách thể hiện tình yêu thật là một điều không hề dễ dàng. Ở nhà mình, mình vẫn thường áp dụng những cách sau:
- Bố mẹ thể hiện tình cảm bằng những hành động “no sex” trước mặt con như ôm, hôn
- Xoa dịu con khi con bị ốm, đau, mệt mỏi bằng cách ôm con vào lòng, thủ thỉ bằng những câu đơn giản: “Con mệt lắm phải không, có mẹ đây rồi.” Nhiều người theo quan điểm hạn chế những sự âu yếm, an ủi vì sợ con sẽ mềm yếu, phụ thuộc nhưng theo mình những hành động an ủi khi con thực sự đang ốm, đang buồn sẽ là một liều thuốc tinh thần quý báu cho con.
Giao tiếp trìu mến có rất nhiều lợi ích cho sự phát triển của bé. |
- Nói chuyện và lắng nghe con nói: Sắp xếp một khoảng thời gian trong ngày, trước giờ đi ngủ hoặc sau khi thức dậy, chỉ cần 15 phút thôi, không có bất kì hoạt động nào ngoài việc 2 mẹ con thủ thỉ chuyện trò và nói “Mẹ yêu con” hoặc “Con có yêu mẹ không? Yêu nhiều không? Yêu nhiều chừng nào” (thường Daisy thích câu cuối cùng mẹ hỏi nhất, vì bạn ấy có thể huyên thuyên của vài chục phút, rằng thì yêu mẹ bằng cả “quả” trái đất, bằng cả mặt trăng, bằng cả 1 tỉ tỉ ngôi sao…). Cảm giác ôm ấp con trong lòng, thủ thỉ vào tai nhau những lời yêu thương có thể khiến mình quên đi hết mọi căng thẳng trong ngày, mọi khó khăn đang phải đối mặt, và có thể nạp năng lượng tích cực và yêu thương.
- Kỉ luật bằng tình yêu: Khi con làm bất cứ việc gì sai, sau khi tìm hiểu nguyên nhân và đưa ra hình phạt, mình luôn kết thúc bằng việc ôm con hoặc nói “mẹ vẫn luôn yêu con”, “mẹ tha thứ cho con”, “mẹ luôn tin là con sẽ rút kinh nghiệm và không như thế nữa”… để con không bao giờ cảm thấy bị mặc cảm, bị ghét bỏ hay sợ “con phạm lỗi rồi, mẹ có còn yêu con không?”
- Ca ngợi và ghi nhận khi con làm được một điều gì đó: Chỉ đơn giản như hôm nay con tự giác dọn đồ chơi sau khi chơi xong, hãy ôm con thật chặt và động viên: “Mẹ rất vui vì con đã tự giác dọn đồ chơi”. Hoặc khi bạn ấy biết chia sẻ với em hoặc các bạn khác, mình thường ôm Daisy rồi nhìn thẳng vào mắt bạn ấy rồi nói: “Mẹ cám ơn con đã chia sẻ với em, mẹ rất tự hào về con”.
"Ôm và hôn con khi con ngủ dậy/ khi con đi học/ khi đón con/ trước khi đi ngủ". |
- Ôm và hôn con khi con ngủ dậy/ khi con đi học/ khi đón con/ trước khi đi ngủ: Chỉ đơn giản là một nụ hôn vào trán và “chúc con ngủ ngon” hay ôm con và nói “chúc con có một ngày vui vẻ” cũng là một nguồn năng lượng yêu thương dồi dào cho con.
- Thể hiện bằng những hành động yêu thương nho nhỏ: Có nhiều mẹ có rất nhiều cách sáng tạo như dán nhãn trái tim lên chai sữa của con trong tủ lạnh để khi con mở ra lấy sữa sẽ nhìn thấy hoặc để một tấm note ghi chữ “mẹ yêu con” trong một cuốn sách của con để con có một niềm vui nho nhỏ lúc đọc truyện. Như mình, đến tận cấp 2, cấp 3 vẫn hay bị mẹ mắng lắm, có tối khóc ướt cả gối những sáng hôm sau dậy đi học vẫn thấy mẹ ghi lại 1 tờ giấy note trên bàn ăn “Con yêu ăn sáng đầy đủ rồi đi học nhé”. Mình tin là bằng tình yêu, các mẹ sẽ khám phá ra vô vàn cách đơn giản để nói yêu con.
Mình từng nghe một câu nói “Đi để trở về” ám chỉ những con người ra đi để biết giá trị của quê hương, của gia đình. Những em bé tự lập nhất không phải là những em bé bị bố mẹ bỏ rơi mà là những em bé được nuôi dưỡng bằng tình yêu thương và sự khuyến khích để dám bước chân ra đi trong tâm thế biết rằng luôn có một nơi mở rộng cửa chào mình quay về.
Lối sống 07:57 | 15/03/2019
Lối sống 09:53 | 10/08/2018
Lối sống 07:18 | 10/08/2018
Lối sống 22:00 | 09/08/2018
Lối sống 03:12 | 09/08/2018
Lối sống 22:00 | 08/08/2018
Lối sống 11:00 | 08/08/2018
Lối sống 23:00 | 29/07/2018