Vụ kiện được đệ trình vào thứ 6 (10/4), tại tòa án liên bang ở Chicago, Mỹ. Trong đó nói rằng, công ty đã thúc đẩy "bầu không khí quấy rối tình dục và môi trường làm việc thù địch một cách nghiêm trọng và lan tràn, bao gồm việc sờ soạng, tấn công cơ thể và tấn công tình dục bằng lời nói".
McDonald's cho biết họ cam kết đảm bảo người lao động không bị quấy rối tình dục.
"Các cáo buộc quấy rối tình dục và trả đũa của các nguyên đơn đã được điều tra ngay khi chúng tôi nhận được. Và chúng tôi cũng sẽ điều tra các cáo buộc mới mà họ đã nêu ra trong đơn kiện", tuyên bố này nói.
Các nguyên đơn, nhân viên Jamelia Fairley và cựu nhân viên Ashley Reddick của McDonald's, đang tìm cách đại diện cho một nhóm nhân viên nữ của hơn 100 chi nhánh, thuộc sở hữu hoặc không nhượng quyền của McDonald's. Họ đang yêu cầu bồi thường thiệt hại và tiền phạt bổ sung là 500 triệu USD.
Trong đơn khiếu nại, Fairley và Reddick cho biết McDonald's đã không cung cấp việc đào tạo để ngăn chặn quấy rối tình dục và chuyển những nhân viên quấy rối hàng loạt từ chi nhánh này sang chi nhánh khác mà không nghĩ đến hậu quả.
"Chiến lược của McDonald's ở Florida dường như là: từ chối, phớt lờ và phạt bất cứ ai phàn nàn ầm ĩ chuyện này lên. Và đôi khi, họ chuyển những kẻ quấy rối từ nhà hàng này sang nhà hàng khác, tạo điều kiện cho chúng có thể quấy rối thêm nhiều phụ nữ", những nạn nhân nói.
Reddick làm việc tại nhà hàng McDonald's ở Sanford, Florida, từ năm 2015 đến 2018. Cô đã bị sa thải vì báo cáo những hành vi quấy rối tình dục bằng lời nói và bị sờ soạng bởi một đồng nghiệp nam. Fairley đã bị hai đồng nghiệp nam quấy rối khi làm việc tại cùng một cửa hàng, bắt đầu vào năm 2018, theo những gì đơn khiếu nại ghi lại.
Đơn kiện còn nói thêm rằng, người quản lí biết về vụ việc bị quấy rối của hai người phụ nữ, nhưng không có hành động thích đáng.
Các cáo buộc quấy rối tình dục đã gây tai họa cho McDonald's từ năm 2016, khi lần đầu tiên họ phải đối mặt với làn sóng khiếu nại gửi lên Ủy ban Cơ hội Việc làm Bình đẳng (EEOC).
McDonald's cũng phải đối mặt với một vụ kiện tập thể khác ở Michigan, cũng như nhiều vụ kiện riêng lẻ khác.
Khoảng 95% các nhà hàng McDonald's tại Mỹ được điều hành bởi những bên được nhượng quyền chứ không phải bởi chính McDonald's. Công ty đã đưa ra lí lẽ rằng, họ không thể chịu trách nhiệm về hành vi quấy rối trong các nhà hàng nhượng quyền của mình. Tòa án phúc thẩm liên bang ở California cũng đồng ý với quan điểm đó vào năm ngoái.
Tuy nhiên, vụ kiện lần này chỉ liên quan đến các cửa hàng thuộc sở hữu của tập đoàn.
Giám đốc điều hành Steve Easterbrook đã bị sa thải vào tháng 11 năm ngoái vì có mối quan hệ không thích hợp với một nhân viên, mặc dù anh ta không bị buộc tội quấy rối.