McKinsey: Với nguyên tắc 'không ca nhiễm', du lịch Việt Nam mất thêm 4 năm nữa để trở lại trước COVID-19

McKinsey & Company nhận định đến năm 2024 ngành du lịch Việt Nam sẽ có thể phục hồi về mức trước khủng hoảng. Để tạo dựng nền tảng cho nhu cầu của khách nước ngoài đến Việt Nam, McKinsey khuyến nghị các công ty lữ hành cần phải linh hoạt và nhanh nhạy để có thể sớm nắm bắt được nhu cầu du lịch quốc tế nhằm chuẩn bị đáp ứng các quy định nghiêm ngặt của Việt Nam và là điểm đến về y tế, an toàn.

Du lịch Việt Nam có thể phục hồi về mức trước khủng hoảng vào 2024

Báo cáo "Đổi mới ngành du lịch: Việt Nam có thể đẩy nhanh tốc độ phục hồi như thế nào" vừa được Công ty Tư vấn Quản lý Toàn Cầu McKinsey & Company công bố đưa ra nhận định về khả năng hồi phục của ngành du lịch.

McKinsey: Du lịch Việt Nam có thể phục hồi vào 2024 nếu áp dụng nguyên tắc 'không ca nhiễm' - Ảnh 1.

McKinsey dự báo du lịch Việt Nam có thể phục hồi về mức trước khủng hoảng vào 2024. (Ảnh: Khải Nhân).

Báo cáo cho rằng dù đã tạo được những “luồng gió mát” nhờ du lịch trong nước, nhưng Việt Nam vẫn sẽ phải phụ thuộc vào các thị trường quốc tế với tổng mức chi tiêu lên đến 12 tỷ USD. 

Phần lớn du khách quốc tế đến Việt Nam từ các nước Châu Á, trong đó khách Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, và Đài Loan (Trung Quốc) chiếm khoảng 80% tổng chi tiêu của du khách quốc tế. 

McKinsey nhận định việc hợp tác kinh tế chặt chẽ với các quốc gia và vùng lãnh thổ này sẽ giúp Việt Nam phục hồi du lịch nhanh hơn so với các nước Châu Âu và Bắc Mỹ.

"Để tận dụng tối đa các mối quan hệ hợp tác này, Việt Nam đã và đang theo đuổi kế hoạch 'không ca nhiễm' kể từ khi đại dịch bắt đầu hoành hành. Chiến lược này được áp dụng tại những nơi có tỷ lệ lây nhiễm COVID-19 thấp, và do đó mức độ tin tưởng để đi lại sẽ cao hơn, ít nhất là ở trong nước", báo cáo nêu.

McKinsey: Du lịch Việt Nam có thể phục hồi vào 2024 nếu áp dụng nguyên tắc 'không ca nhiễm' - Ảnh 2.

(Nguồn: McKinsey).

McKinsey: Du lịch Việt Nam có thể phục hồi vào 2024 nếu áp dụng nguyên tắc 'không ca nhiễm' - Ảnh 3.

(Nguồn: McKinsey).

Nhờ áp dụng chính sách “không ca nhiễm”, cộng với nền kinh tế trong nước hiện đang ổn định và các biện pháp chủ động, quyết liệt của Chính phủ, McKinsey nhận định đến năm 2024 ngành du lịch Việt Nam sẽ có thể phục hồi về mức trước khủng hoảng.

McKinsey: Du lịch Việt Nam có thể phục hồi vào 2024 nếu áp dụng nguyên tắc 'không ca nhiễm' - Ảnh 4.

(Nguồn: McKinsey).

6 biện pháp kích hoạt phục hồi ngành du lịch

Theo McKinsey & Company, có 6 biện pháp mà Việt Nam cùng các nước đang duy trì tình trạng không ca nhiễm có thể áp dụng khi bắt đầu bước vào hành trình hồi phục ngành du lịch.

Những biện pháp này gồm, chú trọng nhu cầu du khách trong nước, cân nhắc mô hình giá mới để phục hồi nhu cầu, áp dụng công nghệ số, tạo dựng nền tảng cho nhu cầu của khách nước ngoài đến Việt Nam, bổ sung trải nghiệm cho khách và xác định lại vai trò của nhà nước trong hoạt động du lịch.

Về chú trọng nhu cầu du khách trong nước, công ty cho biết những loại hình du lịch hàng đầu mà khách đang chọn là du lịch ngoài trời để tận hướng ánh nắng, bãi biển, núi non và thiên nhiên. Ngành du lịch có thể vực dậy nhu cầu trong nước bằng cách tập trung vào những điểm đến đang thịnh hành, với sự phối hợp của chính quyền địa phương, công ty lữ hành trực tuyến, điểm du lịch, khách sạn và hãng hàng không.

Ngoài ra, Việt Nam cũng nên cân nhắc mô hình giá mới để phục hồi nhu cầu. Trong bối cảnh nhu cầu cạn kiệt thì giảm giá là con dao hai lưỡi, vừa cần thiết nhưng cũng rất nguy hiểm. Vì thế, doanh nghiệp có thể tìm cách khác như bán sản phẩm theo gói để có cơ hội bán chéo và bán thêm; cùng với đó là đa dạng hóa nguồn doanh thu, củng cố sản phẩm cao cấp và khả năng thu được mức giá cao hơn.

Trong tương lai, doanh nghiệp nên xem xét lại mô hình giá linh hoạt và chức năng quản lý doanh thu vì cơ cấu phân khúc du khách sẽ không còn như cũ, du khách trong nước sẽ nắm thị phần lớn hơn và đa dạng hơn; độ co giãn của cầu cũng khác do mối quan ngại về sức khỏe sẽ đóng vai trò quan trọng chi phối quyết định.

Thêm vào đó, nhu cầu sẽ vẫn tiếp tục không ổn định, như tình trạng số lượng đặt chỗ giảm mạnh trong dịp Tết Nguyên Đán vừa rồi do bùng dịch.

Để tạo dựng nền tảng cho nhu cầu của khách nước ngoài đến Việt Nam, McKinsey khuyến nghị các công ty lữ hành cần phải linh hoạt và nhanh nhạy để có thể sớm nắm bắt được nhu cầu du lịch quốc tế nhằm chuẩn bị đáp ứng các quy định nghiêm ngặt của Việt Nam và điểm đến về y tế, an toàn.

McKinsey cho rằng Việt Nam cần cẩn trọng khi nghiên cứu phương án xây dựng hành lang du lịch (“bong bóng du lịch”). 

Hiện tại, Việt Nam vẫn đang áp dụng quy định nghiêm ngặt về hạn chế đi lại, chỉ cho phép một số lượng nhỏ các chuyến bay quốc tế đưa chuyên gia và cán bộ ngoại giao đến Việt Nam, và những đối tượng này phải tuân thủ quy định về cách ly bắt buộc khi nhập cảnh.

Các chuyên gia của Việt Nam cần bảo vệ hiện trạng số ca nhiễm COVID-19 gần như bằng 0, và không nên mạo hiểm mở cửa biên giới cho phép đi lại tự do cho đến khi đạt được miễn dịch cộng đồng, khả năng này sẽ chủ yếu dựa vào việc tiêm vắc xin trên diện rộng. Do vậy sẽ mất một thời gian để du khách nước ngoài quay trở lại với quy mô lớn. 

chọn
Những dự án sắp ra mắt của Vincom
Dự kiến giai đoạn quý II - quý IV/2024, Vincom sẽ khai trương 6 dự án, gồm Vincom Mega Mall Grand Park; Vincom Plaza Hà Giang; Vincom Mega Mall The Empire; Vincom Plaza Điện Biên Phủ; Vincom Plaza Đông Hà Quảng Trị và Vincom Plaza Bắc Giang.