Ngộ nhận phổ biến về ăn uống khi mang thai | |
Không phải âm nhạc, giọng nói của mẹ mới giúp thai nhi thông minh |
Với sự quảng cáo và tiếp thị rầm rộ của các hãng sữa trong những năm gần đây, ở nhiều người dần dần hình thành quan niệm: Đã có bầu dứt khoát phải uống sữa bà bầu. Nhiều mẹ mang thai không thích sữa, và tự biết mình ăn uống đủ chất, nhưng vì thấy mẹ bầu nào cũng uống sữa bầu nên không yên tâm nếu mình không làm như vậy.
Ngay cả ở nông thôn, nhiều gia đình kinh tế khó khăn nhưng vẫn cố mua sữa bà bầu dù mặt hàng này có giá rất đắt so với thu nhập của họ. Nhưng sự thật thì sữa bầu có tốt đến như thế?
Có nhất thiết phải uống sữa bà bầu? (Ảnh: Healthxlive) |
Uống sữa bầu không phải là cách duy nhất để bé khỏe
Sữa bầu được bổ sung nhiều vi chất cần thiết cho sức khỏe bà mẹ và em bé, nhất là những chất dễ bị thiếu hụt khi mang thai như canxi, sắt, axit folic, các vitamin, axit béo có lợi cho não như omega 3, omega 6, DHA, ARA... Tuy nhiên, để những "dưỡng chất trí tuệ" này phát huy hiệu quả, chúng cần được bổ sung theo một tỷ lệ và hàm lượng tối ưu chứ không phải cứ bổ sung càng nhiều càng tốt.
Các dưỡng chất nói trên không chỉ có trong sữa bà bầu mà hiện diện trong nhiều loại thực phẩm mà chúng ta vẫn ăn hằng ngày. Chẳng hạn, canxi có nhiều trong tôm cá, rau xanh đậm, các loại sữa bình thường, các chế phẩm từ sữa như sữa chua, phomai... Sắt có nhiều trong: trứng, thịt, gan động vật. Các axit béo nhiều nối đôi có trong các loại cá biển, dầu thực vật. Axit foclic có nhiều trong các loại rau xanh như: súp lơ, cải bó xôi, bắp cải, cải xanh… Nếu thai phụ ăn uống đa dạng, đủ lượng thì không sợ thiếu chất.
Sữa bà bầu dĩ nhiên là tốt, cung cấp đầy đủ các dưỡng chất quan trọng cho bà mẹ trong thời kỳ mang thai. Những người không có thời gian để ăn uống, hoặc không ăn được do bị nghén hoặc chán ăn, ăn không đủ thì nên bổ sung dinh dưỡng bằng sản phẩm này. Còn nếu bạn đã ăn đủ chất, lại không thích hoặc không đủ điều kiện kinh tế thì không nhất thiết phải cố mua sữa bà bầu.
Phụ nữ nước ngoài không uống sữa bầu. (Ảnh: MomJunction) |
Phụ nữ nước ngoài không uống sữa bầu
Hiện nay đa số các loại sữa dành cho bà bầu đều nhập khẩu từ nước ngoài, nhưng phụ nữ ở các nước đó khi có bầu họ lại không uống sữa bà bầu, nhiều chị em phụ nữ Việt Nam đang học tập hoặc lao động ở nước ngoài khi có bầu đi tìm mua sữa bà bầu thì không có. Vậy phụ nữ có bầu ở nước ngoài họ uống gì?
Chúng ta đều biết ở nước ngoài chế độ dinh dưỡng của mọi người, mọi lứa tuổi thường cân đối, đầy đủ các chất dinh dưỡng, và đặc biệt sữa tươi là thức uống bình thường hàng ngày, như chúng ta uống nước lọc vậy, các loại thực phẩm như bơ, phomai, sữa chua họ cũng ăn hàng ngày, cho nên tình trạng thiếu vi chất dinh dưỡng nhất là canxi, sắt.., thường rất thấp. Khi có bầu, tình trạng dinh dưỡng của các bà mẹ này đã rất tốt rồi, họ chỉ cần uống sữa tươi như bình thường, ăn các chế phẩm từ sữa: pho mai, sữa chua… và chỉ cần bổ sung thêm rau xanh và hoa quả là đủ.
Hơn nữa, ở nước ngoài, nhất là những nước đã phát triển như: Nhật, Pháp, Mỹ, Đức, Hàn Quốc… phụ nữ mang thai được các bác sỹ kiểm soát rất chặt chẽ chế độ ăn và mức tăng cân của bà mẹ. Khi có biểu hiện tăng cân quá mức thì bà mẹ phải tuân thủ chế độ ăn kiêng của bác sỹ chứ không như ở Việt Nam cho rằng cứ ăn được càng nhiều càng tốt, tăng cân càng nhiều càng tốt, đẻ con càng to càng tốt, vì tình trạng tăng cân quá mức không có lợi cho sức khỏe của mẹ như tiểu đường thai nghén, cao huyết áp, tiền sản giật, béo phì sau sinh…, thậm chí có thể gây sinh khó phải mổ đẻ.
Vì vậy, không phải chị em nào cũng bắt buộc phải uống sữa bà bầu. Nếu cơ thể bạn đã đầy đủ dưỡng chất và có chế độ ăn uống khoa học, cân bằng thì không nên uống quá nhiều sữa bầu. Để có câu trả lời chính xác, bạn nên khám sức khỏe tổng thể trước khi mang bầu 3-6 tháng hoặc ngay khi biết mình mang thai.
Khi tình trạng dinh dưỡng tốt rồi mà cứ uống nhiều sữa bầu thì có sao không?
Mẹ mang thai ăn uống kém mới cần dùng sữa bầu. (Ảnh: Livestrong) |
Nếu bà mẹ khi mang thai ăn uống kém, đang trong tình trạng thiếu máu, thiếu năng lượng trường diễn (gầy quá) thì việc dùng sữa bà bầu là rất tốt, trường hợp sữa bầu khó uống có thể uống sữa tươi, sữa đậu nành kết hợp với ăn uống đa dạng, hoặc có thể bổ sung viên đa vi chất dành cho bà bầu.
Những người có tình trạng dinh dưỡng bình thường, lại ăn uống tốt thì không nhất thiết phải uống sữa bầu, mà có thể uống sữa tươi, sữa đậu nành, sữa bột bình thường, ăn đa dạng thực phẩm, ăn trứng, thịt, tôm cua cá, rau xanh, quả chín là được.
Còn tình trạng khi mang bầu lại đang bị thừa cân/béo phì, hoặc tăng cân quá nhanh thì không nên uống sữa bầu mà lại phải uống sữa không đường ít béo, ăn giảm tinh bột, ăn nhiều rau xanh và bổ sung thêm viên thuốc đa vi chất, nếu vẫn cứ uống sữa bầu sẽ dẫn đến béo phì, tiểu đường thai nghén, tiền sản giật, con to quá dẫn đến đẻ khó.
Thực tế cho thấy, những trẻ sinh ra nặng cân (trên 3,5kg) tuy trông bụ bẫm khoẻ mạnh nhưng thực chất những em bé này có nguy cơ thường trực là hạ đường huyết sau khi sinh do nồng độ insulin của người mẹ rất cao và sau khi sinh thì bị tụt xuống nên hệ thống nội tiết của em bé chưa thích nghi kịp. Hiện tượng này kéo theo một loạt hiện tượng như suy hô hấp, suy thở, suy tuần hoàn, suy tim, hạ thân nhiệt…
Khi lớn lên nguy cơ mắc bệnh đái tháo đường của những em bé sơ sinh thừa cân cao gấp đôi so với những em bé có cân nặng bình thường. Vì vậy, trẻ sơ sinh thừa cân cần được theo dõi chặt chẽ, nhất là những ngày đầu sau sinh để hạn chế những biến chứng. Những cháu bé này cũng dễ bị béo phì khi trưởng thành.