Miền Trung- Tây Nguyên: 22 hồ chứa thủy lợi và thủy điện đồng loạt xả lũ

Mưa lũ tại miền Trung và Tây Nguyên tiếp tục gây nhiều thiệt hại cho nhân dân trên địa bàn. Trong khi đó, hiện có đến 22 hồ chứa thủy lợi và thủy điện đang xả lũ.

22 hồ chứa và thủy điện đồng loạt xã lũ

Chi cục phòng, chống thiên tai khu vực miền Trung và Tây Nguyên cho biết, trong 22 hồ đang xả lũ, có 9 hồ thủy lợi gồm: Hồ Tả Trạch xả 750m3/s, hồ Phú Ninh xả 394m3/s, hồ Liệt Sơn xả 62m3/s, hồ Diên Trường xả 61m3/s, hồ Núi Ngang xã 198m3/s, hồ Định Bình xả 2.555m3/s, hồ Núi Một xả 136m3/s, hồ Thuận Ninh xả 113m3/s, hồ Hội Sơn xả 128m3/s. Cùng với đó, có 13 hồ thủy điện cũng đang xả qua tràn, trong đó có 03 hồ xả với lưu lượng trên 1.000m3/s gồm: Sông Tranh 2: 1.240m3/s; Sông Ba Hạ: 5.300m3/s; An Khê: 1.200m3/s.

mien trung tay nguyen 22 ho chua thuy loi va thuy dien dong loat xa lu

Mưa lũ làm nhiều tuyến đường tại miền Trung- Tây Nguyên ngập lụt sâu.

Đặc biệt, do lượng nước đổ về hồ quá lớn nên hồ Vạn Hội trên suối Cái thuộc thôn Vạn Hội, xã Ân Tín, huyện Hoài Ân (Bình Định) đã bị sạt lở đất mặt núi, gây sóng nước tràn qua thân đập, mái đập hạ lưu bị hư hỏng và hệ thống xả lũ không điều khiển được. Một số thông số kỹ thuật của hồ được ngành chức năng tỉnh Bình Định ghi nhận vào sáng 17/12 như sau: Dung tích toàn bộ: 14,5 triệu m3, kết cấu đập đất, tràn xả lũ có cửa van điều tiết 03 cửa. Cấp công trình đầu mối: cấp III.

Với lượng mưa lớn và các hồ đang xả lũ, đã là cho nhiều địa phương tại miền Trung- Tây Nguyên bị ngập. Trong đó, tại Thừa Thiên Huế, Quốc lộ 49B từ Km47+400 đến Km48 đoạn qua xã Hương Phong, thị xã Hương Trà ngập sâu 0,5m từ 16h ngày 15/12; các tuyến đường khu vực Bắc, Nam sông tiếp tục bị ngập từ hơn 2 ngày qua; các tuyến đường trên địa bàn huyện Phú Vang, Quảng Điền, Phong Điền, Hương Trà vẫn còn ngập cục bộ, gây chia cắt giao thông.

Tại Quảng Nam, mưa lũ đã làm 15.231 nhà bị ngập tại các huyện Duy Xuyên, Quế Sơn, Đại Lộc, Hội An, Nông Sơn, Đông Giang.

Trong khi đó tại Quảng Ngãi đã có 54 phường, xã của 06 huyện: Nghĩa Hành, Mộ Đức, Đức Phổ, Tư Nghĩa, Sơn Tịnh, TP.Quảng Ngãi đang bị ngập lụt. Đặc biệt, khu vực Núi Sứa xã Tịnh Ấn Tây, TP.Quảng Ngãi bị sạt lở với chiều dài khoảng 100m, khối lượng sạt lở ước khoảng hơn 180m 3 gây ảnh hưởng đến tuyến đường bờ Bắc sông Trà Khúc. Cạnh đó, khu vực núi Long Đầu - phường Trương Quang Trọng, TP.Quảng Ngãi cũng đang bị sạt lỡ núi, ảnh hưởng đến 09 nhà dân, trong đó có 01 nhà sập vách.

Tại tỉnh Bình Định, hiện có 87 phường, xã của 11 huyện, thị, thành gồm: Quy Nhơn, Tuy Phước, An Nhơn, Phù Cát, Phù Mỹ, Hoài Ân, Hoài Nhơn, An Lão, Vân Canh, Tây Sơn, Vĩnh Thạnh bị ngập.

Tại Phú Yên, lũ trên các triền sông lên nhanh đã gây ngập lụt, cô lập cục bộ một số khu dân cư trên địa bàn các huyện Tây Hòa, Đông Hòa, Đồng Xuân, Tuy An và thị xã Sông Cầu ngập trở lại. Tính đến 16 giờ ngày 16/12 đã có 20 xã, 45 thôn đã bị ngập lũ, chia cắt với số nhà bị ngập: 3.605 nhà.

Tại Gia Lai, một số ngầm tràn bị ngập sâu, giao thông bị chia cắt, một số khu dân cư thuộc huyện Kbang, huyện Kông Chro và thị xã An Khê bị ngập, chia cắt. Trong đó huyện Kông Chro có 14 làng/5 xã bị cô lập (làng Huynh Đak thuộc xã Kông Yang; làng Lơ Bơ, Glung, H’ngã, Kun 2, thôn Ninh Bình, Ya Ma thuộc xã Yang Nam; làng Ya Ma, thôn Ninh Bình thuộc xã Đăk Kơ Ning; làng Chư Krey, làng Cúc nhỏ thuộc xã Đăk Pơ Pho; làng Brang, Mèo nhỏ, Tbưng thuộc xã Pling).

Theo báo cáo nhanh của các tỉnh Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa và Gia Lai sáng 17/12 cho thấy, thiệt hại trong đợt mưa lũ từ 12-16/12 tiếp tục nặng nề hơn với 09 người chết; 06 người bị mất tích.

Về các thiệt hại nhà cửa, thông tin từ các địa phương cho biết, đã có 75 nhà bị sập đổ, 49 nhà hư hỏng, 116.829 nhà bị ngập nước.

Trên lĩnh vực nông nghiệp, đã có 8.799 ha lúa bị ngập, úng; 3.033 ha mạ bị thiệt hại; 6.093 ha rau, hoa màu bị hư hỏng; 50 ha cây trồng lâu năm bị ngập và hư hại.

Trong khi đó, mưa lũ cũng cuốn trôi, làm chết 848 con gia súc và 49.937 con gia cầm; 5.790m đường giao thông Trung ương, 70.637m kênh mương cùng 3.800m kè (Bình Định), 19 đập bị sạt lở, hư hỏng....

mien trung tay nguyen 22 ho chua thuy loi va thuy dien dong loat xa lu

TP. Hội An (Quảng Nam) đường biến thành sông do mưa lũ.

Nhiều địa phương đề nghị Trung ương hỗ trợ

Trước các thiệt hại trên, hiện tỉnh Thừa Thiên Huế đã đề nghị Trung ương hỗ trợ 1.000 tấn gạo, 100 tấn lúa giống để gieo cấy vụ Đông xuân 2016-2017; 10 tấn giống ngô lai (giống ngô lai LNV10); 05 tấn rau, đậu các loại; hỗ trợ 20 tấn Clorine để xử lý môi trường thủy sản, 20 nghìn lít hoá chất benkocid thuốc khử trùng, vệ sinh môi trường, phòng dịch cho thú Y, 50 nghìn liều vắc xin lở mồm long móng type O Atopor; hỗ trợ 170 tỷ đồng giúp tỉnh khắc phục bước đầu về hệ thống cơ sở hạ tầng thiết yếu.

Trong khi đó, theo Công văn số 192/BCH-VPTT, ngày 16/12/2016 của Văn phòng Thường trực tỉnh Quảng Nam, địa phương này đề nghị hỗ trợ trước mắt: Mua giống cây trồng cấp cho địa phương phục vụ sản xuất: 8,0 tỷ đồng; khắc phục hư hỏng công trình thủy lợi: 20 tỷ đồng; về y tế 100 cơ số thuốc dự phòng, 02 tấn CloruaminB, 100.000 viên aquatab.

Với tỉnh Quảng Ngãi, tỉnh này đề nghị hỗ trợ khẩn cấp 07 tỷ đồng để mua khoảng 250 tấn giống lúa, 20 tấn giống rau các loại hỗ trợ nhân dân sản xuất vụ Đông Xuân 2016-2017; hỗ trợ 1.500 tấn gạo để kịp thời cứu trợ nhân dân vùng lũ; hỗ trợ thuốc khử trùng, vệ sinh môi trường, khám chữa bệnh bao gồm: 05 tấn ClominB, 50.000 viên Aquatabs và 200 cơ số thuốc để khám, chữa bệnh cho nhân dân (phòng, chống thiên tai); hỗ trợ 250 tỷ đồng để sửa chữa, khôi phục các công trình thiết yếu (như: Sửa chữa các tuyến kênh mương bị hư hỏng phục vụ tưới vụ Đông Xuân năm 2016-2017; sửa chữa các tuyến đường giao thông địa phương bị hư hỏng phục vụ sản xuất và lưu thông trước Tết Nguyên Đán, các công trình cấp nước sinh hoạt); hỗ trợ 20 tỷ đồng để thực hiện việc thu gom, dọn bèo, rác thải tại các công trình thủy lợi để tiêu úng, thoát lũ, đảm bảo an toàn công trình.

Đối với tỉnh Bình Định, theo Báo cáo nhanh số 396/PCTT-VP, ngày 16/12/2016 của Văn phòng Thường trực tỉnh này thì địa phương đề nghị Trung ương xem xét hỗ trợ kinh phí khắc phục cơ sở hạ tầng giao thông, thủy lợi đảm bảo an toàn tính mạng và tài sản của nhân dân, phục vụ sản xuất và hỗ trợ dân sinh, với tổng kinh phí là 500 tỷ đồng, trong đó: Hỗ trợ khôi phục hạ tầng giao thông là 180 tỷ đồng; hỗ trợ khôi phục hạ tầng thủy lợi, đê điều, nước sinh hoạt là 180 tỷ đồng; hỗ trợ đời sống dân sinh là 100 tỷ đồng; hỗ trợ giống lúa để phục vụ sản xuất vụ Đông Xuân 2016 – 2017 là 40 tỷ; hỗ trợ khẩn cấp 5 tấn lương khô cho nhân dân vùng ngập sâu.

Còn tại Phú Yên, theo Báo cáo nhanh số 18/BC-PCTT, ngày 16/12/2016 của Ban Chỉ huy PCTT&TKCN, tỉnh đề nghị Trung ương hỗ trợ gồm: 1.100 tấn gạo cứu đói cho 11.200 hộ/33.600 nhân khẩu; 1.000 kg Cloramine B, 30.000 viên Aquatabs, 500 lít Permethrin và 10 máy phun ULV để phục vụ công tác khám chữa bệnh cho nhân dân và vệ sinh môi trường sau lũ.

Ngoài ra, Phú Yên cũng yêu cầu hỗ trợ thuốc phòng chống dịch bệnh cho gia cầm, gia súc gồm: Thuốc sát trùng Sodium Clorite 20%: 30 tấn, thuốc sát trùng Iodine: 30.000 lít, vắc xin lở mồm long móng 02 type O và A: 30.000 liều.

Về trang thiết bị, phương tiện phục vụ PCLB & TKCN, Phú Yên đề nghị hỗ trợ cho tỉnh 09 xuồng cao su gắn máy để phục vụ công tác cứu hộ, cứu nạn. Cùng với đó là 138 tỷ đồng để hỗ trợ dân sinh, khôi phục sản xuất; khắc phục các công trình giao thông, thủy lợi (trong đó giao thông: 65 tỷ đồng; thủy lợi: 40 tỷ đồng); hỗ trợ kinh phí, giống cây trồng, vật nuôi, thủy sản để khôi phục sản xuất vùng bị thiệt hại do lũ lụt gây ra trên địa bàn tỉnh: 33 tỷ đồng.

Với tỉnh Khánh Hòa, địa phương này đề nghị hỗ trợ khẩn cấp 250 tấn gạo; 750 tấn giống lúa, 25 tấn giống ngô, 2 tấn giống rau màu để khôi phục sản xuất. Tổng kinh phí mức hỗ trợ này là 13 tỷ đồng. Ngoài ra, Khánh Hòa cũng đề nghị hỗ trợ thuốc khử khuẩn, làm sạch nước. hỗ trợ kinh phí khắc phục các công trình hư hỏng do mưa lũ, hỗ trợ trang bị phòng, chống thiên tai.

chọn
Đề xuất ưu đãi thuế bất động sản cho Việt kiều
Với Luật Đất đai 2024 đang được kỳ vọng có liệu lực sớm từ 1/7, quyền sử dụng đất đối với Việt kiều sẽ được mở rộng. VARS kiến nghị cần thiết lập chính sách ưu đãi như giảm hoặc miễn thuế cho Việt kiều đầu tư vào địa ốc.