Mở cửa hoàn toàn đón khách du lịch quốc tế, thị trường bất động sản nghỉ dưỡng sẽ sôi động

Theo chuyên gia, điểm sáng của thị trường bất động sản nghỉ dưỡng trong năm 2022 là loại hình nhà phố/shophouse trong những khu nghỉ dưỡng tích hợp. Nguồn cung sẽ tăng dao động ở mức 5.000 căn ở các dự án tập trung ở địa bàn Bình Thuận, Phú Quốc và Bà Rịa - Vũng Tàu.

Mở cửa hoàn toàn hoạt động du lịch năm 2022

Mở cửa hoàn toàn đón khách du lịch quốc tế, thị trường bất động sản nghỉ dưỡng hứa hẹn sôi động - Ảnh 1.

Cầu Vàng là địa điểm thu hút khách du lịch đến Đà Nẵng. (Ảnh: S.G; Thiết kế: Chu Lai).

Mới đây, Ban Nghiên cứu Phát triển Kinh tế tư nhân (ban IV) và các hãng hàng không, doanh nghiệp du lịch đề nghị Chính phủ công bố ngay trong đầu tháng 2 về thời điểm mở cửa hoàn toàn du lịch.

Cụ thể, thư kiến nghị viết, việc thông báo Việt Nam mở cửa sẽ là cơ hội để tạo ra sự bứt phá cho ngành du lịch với các nước trong khu vực, đồng thời khơi thông các dòng đầu tư, thương mại từ các quốc gia.

Mở cửa du lịch cũng là cơ hội duy nhất để "cứu sống" các doanh nghiệp cùng 2,5 triệu lao động trực tiếp và hàng triệu lao động gián tiếp.

Thư kiến nghị đề xuất Thủ tướng giao cho Bộ Y tế phối hợp với các Bộ, ngành ban hành quy trình đón khách quốc tế, theo hướng gỡ bỏ các quy định cách ly, theo dõi sức khỏe tại nơi cư trú, chỉ yêu cầu du khách tiêm đủ hai mũi vắc xin Covid-19 và có kết quả xét nghiệm âm tính nCoV 72 giờ trước chuyến bay.

Trước đó, Tổng cục Du lịch đã đề xuất Việt Nam có thể mở cửa hoàn toàn đón khách du lịch quốc tế từ 1/5. Trong khi đó, Vietnam Airlines đề xuất đón khách quốc tế ngay từ 1/2. Hiệp hội Du lịch Việt Nam thì kiến nghị mở cửa du lịch, không cần thí điểm.

Trong diễn biến liên quan, EuroCham cũng cho rằng, du lịch là một trong những ngành kinh tế mũi nhọn của Việt Nam và là ngành tạo ra hàng triệu việc làm - vẫn bị hạn chế với các tour có hướng dẫn viên và điều này đang kìm hãm tốc độ tăng trưởng kinh tế.

Đơn vị này khuyến khích Chính phủ tiến xa hơn và nhanh hơn trong việc mở cửa trở lại - ít nhất là ở những khu vực có tỷ lệ tiêm chủng cao, để Việt Nam có thể đạt được tiềm năng lớn nhất của mình trong việc phục hồi nền kinh tế và thu hút nhiều hơn các khoản đầu tư nước ngoài trong năm 2022.

Về phía Bộ VHTT&DL, đã có báo cáo lên Thủ tướng Chính phủ về "Đề xuất lộ trình mở cửa hoạt động du lịch quốc tế đảm bảo an toàn, hiệu quả". Bộ này đề xuất từ 31/3/2022 mở cửa hoàn toàn hoạt động du lịch quốc tế, đón khách du lịch quốc tế đến Việt Nam (inbound) và đưa khách đi du lịch nước ngoài (outbound) qua các tất cả các cửa khẩu quốc tế.

Theo Bộ VHTT&DL, đây là thời điểm thích hợp để mở cửa thu hút khách du lịch quốc tế vì dự kiến đến tháng 3/2022, Việt Nam sẽ hoàn thành chiến dịch tiêm chủng mũi 3 vaccine phòng Covid-19, đảm bảo miễn dịch cộng đồng.

Nếu triển khai chậm hơn thời gian trên sẽ làm giảm sức hấp dẫn, thu hút khách quốc tế của du lịch Việt Nam trong bối cảnh nhiều quốc gia trong khu vực cũng đang chuẩn bị ban hành kế hoạch mở cửa, khôi phục du lịch quốc tế.

Từ nay đến thời điểm dự kiến mở cửa là thời gian vừa đủ để các Bộ, ngành liên quan điều chỉnh các quy định và ban hành hướng dẫn triển khai theo chức năng. Đồng thời, các doanh nghiệp du lịch kịp hoàn thiện và triển khai kế hoạch truyền thông, xúc tiến quảng bá, kết nối thị trường và chuẩn bị đón khách du lịch quốc tế vào dịp cao điểm.

Đang nổi lên xu hướng nghỉ dưỡng chăm sóc sức khỏe, sản phẩm BĐS du lịch nghỉ dưỡng vẫn thu hút nhà đầu tư xuống tiền

Tại đối thoại "Nhận diện xu hướng thị trường BĐS nghỉ dưỡng trong bối cảnh mới", ông Nguyễn Anh Tuấn, Viện trưởng Viện nghiên cứu phát triển du lịch cho rằng, thực tế cho thấy, chỉ khi nào du lịch phát triển thì BĐS nghỉ dưỡng mới phát triển. Nếu du lịch còn gặp khó khăn, thách thức cũng sẽ ngay lập tức ảnh hưởng tới thị trường này.

"Tuy nhiên, trong bối cảnh hiện nay lại đang nổi lên xu hướng nghỉ dưỡng chăm sóc sức khỏe. Đây là xu hướng thời thượng đã xuất hiện trên thế giới và phát triển khá nhanh. Bởi khi đại dịch Covid-19 bùng phát thì vấn đề an toàn và chăm sóc sức khỏe lại càng được đặc biệt quan tâm. Nếu dịch bệnh được kiểm soát có lẽ thị trường này sẽ phục hồi nhanh nhất. Chính việc xuất hiện rất nhiều những loại hình du lịch nghỉ dưỡng chăm sóc sức khỏe mà khách du lịch quan tâm sẽ gợi mở cho việc phát triển các BĐS nghỉ dưỡng", ông Tuấn nói.

Cũng theo vị này, với thị trường BĐS nghỉ dưỡng Việt Nam, trong những năm vừa qua phát triển khá nhanh. Hiện nay, các thương hiệu nổi tiếng thế giới đã xuất hiện khắp các vùng miền Việt Nam đặc biệt là các khu vực ven biển sẽ tạo điều kiện cho các sản phẩm BĐS nghỉ dưỡng Việt Nam nổi lên mạnh mẽ trong thời gian tới.

Còn ông Hoàng Liên Sơn, Tổng Giám đốc Alpha Real nhận định, thời gian qua, các quần thể nghỉ dưỡng lớn được làm bài bản giao dịch tốt, chúng ta nghĩ BĐS giao dịch khó khăn nhưng không phải vậy, chỉ khó về nhà ở, nhưng sản phẩm BĐS du lịch nghỉ dưỡng, sản phẩm đầu tư vẫn thu hút nhiều nhà đầu tư quan tâm và xuống tiền đầu tư. Đó là lợi thế rất lớn của những con người làm thật, những tổ hợp nghỉ dưỡng đầy đủ, dự án đầu tư bài bản gồm tất cả các tiện tích.

"Bây giờ nhà đầu tư có thể chấp nhận mua đắt hơn bên ngoài chút xíu nhưng bù lại đó là sự an toàn, phát triển bền vững lâu dài, đảm bảo nguồn thu nhập ổn định và tăng trưởng lâu dài cho các nhà đầu tư", Tổng Giám đốc Alpha Real nói.

Thị trường BĐS nghỉ dưỡng Đà Nẵng, Hội An và Khánh Hòa sẽ trỗi dậy

Tại hội thảo "Sự trỗi dậy của thị trường bất động sản Đà Nẵng, Quảng Nam trong trại thái bình thường mới", Tổng Giám đốc Sun Property (thành viên Tập đoàn Sun Group) Nguyễn Ngọc Thúy Linh nhận định, thị trường BĐS nơi đây sẽ khởi sắc ngay từ năm 2022.

Bà Linh phân tích, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt điều chỉnh quy hoạch chung TP Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Mục tiêu là xây dựng Đà Nẵng trở thành một trong những trung tâm kinh tế - xã hội lớn của cả nước và khu vực Đông Nam Á, với vai trò là trung tâm về khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo, du lịch, thương mại, tài chính, logistics, công nghiệp công nghệ cao, công nghệ thông tin, công nghiệp hỗ trợ. Từ đây, các dự án đưa vào quy hoạch sẽ từng bước được hiện thực hóa, giải quyết một vấn đề tồn tại của thị trường Đà Nẵng thời gian qua là khan hiếm nguồn cung, hầu như không có dự án mới.

Về tiềm năng du lịch Đà Nẵng, ngày 16/01/2017, Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 08 về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn. Nghị quyết số 43 ngày 24/01/2019 về xây dựng và phát triển TP Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 tiếp tục xác định du lịch và dịch vụ chất lượng cao gắn với BĐS nghỉ dưỡng là một trong những lĩnh vực mũi nhọn phát triển. Các chủ trương của Trung ương cũng như địa phương đã xác định rõ, du lịch là một trong những ngành kinh tế quan trọng bậc nhất của Đà Nẵng.

Mở cửa hoàn toàn đón khách du lịch quốc tế, thị trường bất động sản nghỉ dưỡng hứa hẹn sôi động - Ảnh 2.

(Ảnh: Chu Lai).

Đà Nẵng khẳng định vị thế "thủ phủ" du lịch miền Trung, khi quy tụ hàng loạt doanh nghiệp lớn, với một hệ thống hạ tầng cơ sở du lịch bề thế, quy mô, nhiều công trình tầm cỡ khu vực và quốc tế như: Khu du lịch InterContinental Danang Sun Peninsula Resort, công viên Sun World Ba Na Hills, Cầu Vàng tại Bà Nà Hills,...

"So với các tỉnh, thành khác trên cả nước, rõ ràng Đà Nẵng đang sở hữu những lợi thế "vàng" để phát triển du lịch bền vững và đẳng cấp quốc tế", Tổng Giám đốc Sun Property nhận định.

Vị này chia sẻ, du lịch Đà Nẵng tăng trưởng liên tục qua các năm. Tốc độ tăng trưởng bình quân tổng thu du lịch giai đoạn 2016-2019 đạt 24,6% (trong đó năm 2016 là 23,72%, đến năm 2019 là 31,4%). Ngành du lịch thành phố cũng đã nhận được nhiều giải thưởng quốc tế như "Điểm đến sự kiện Lễ hội hàng đầu châu Á (2016)", đứng đầu "Top 10 điểm đến toàn cầu năm 2020"...

"Tất cả các yếu tố trên, cộng với năng lực kiểm soát dịch bệnh tốt của chính quyền thành phố, chính là nền tảng vững chắc để Đà Nẵng sớm trở thành điểm đến an toàn, thu hút những dòng khách du lịch khổng lồ trong giai đoạn bình thường mới, khi nhu cầu đi du lịch dự báo sẽ tăng đột biến hậu COVID-19. Triển vọng du lịch sẽ tạo mảnh đất màu mỡ cho BĐS gắn với du lịch, nghỉ dưỡng Đà Nẵng trỗi dậy, phá băng thị trường để khẳng định vị thế của BĐS ở một thành phố thủ phủ du lịch", bà Nguyễn Ngọc Thúy Linh nhận định.

Còn theo ông Nguyễn Văn Đính, Chủ tịch Hội Môi giới BĐS Việt Nam, Chính phủ định hướng du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn. Trong định hướng đến 2025-2030, Việt Nam phải trở thành một trong những cường quốc du lịch quốc tế và phải có hệ thống hạ tầng đảm bảo đáp ứng cho lượng khách từ 35-50 triệu lượt khách quốc tế và trên 100 triệu lượt khách du lịch nội địa. 

Hội An là một trong những điểm thu hút lượng du khách mạnh và tiềm năng lớn trong việc đón khách du lịch, đặc biệt là du khách quốc tế. Nhiều doanh nghiệp rất muốn đến khai thác tại vùng đất này.

"Nói đến BĐS du lịch, cả nước đang có sự hối hả, sôi động đầu tư vào BĐS nghỉ dưỡng. Hội An là một địa danh không thể không nhắc đến bởi sự hấp dẫn với các nhà đầu tư. Nên chúng tôi dự đoán, BĐS Hội An sau đại dịch sẽ có sự sôi động mạnh trở lại", ông Đính nói.

Còn ông Phan Việt Hoàng, Tổng Thư ký Hội môi giới BĐS Khánh Hòa dự báo, thị trường BĐS nghỉ dưỡng Khánh Hòa sẽ ấm dần trở lại trong năm 2022 khi hoạt động du lịch tại địa phương đang dần phục hồi, hiệu suất khai thác của các tổ hợp nghỉ dưỡng đã được nâng lên rất nhiều trong tháng cuối năm 2021 vừa qua.

Khoảng 10.000 căn condotel, nhà phố/shophouse đưa ra thị trường năm 2022

Theo DKRA Vietnam, năm 2022, nguồn cung mới condotel có thể sẽ tăng so với năm 2021, dao động khoảng 5.000 căn. Các dự án tập trung ở thị trường Bình Thuận, Bình Định và Bà Rịa - Vũng Tàu. Nguồn cung mới biệt thự nghỉ dưỡng tăng nhẹ so với năm 2021, dao động ở mức 4.700 căn. Các dự án tập trung chủ yếu ở thị trường Bà Rịa - Vũng Tàu, Thanh Hóa và Bình Thuận. 

Còn nguồn cung nhà phố/shophouse nghỉ dưỡng tăng nhẹ so với năm 2021, dao động ở mức 5.000 căn. Các dự án tập trung chủ yếu ở một số thị trường như Bình Thuận, Phú Quốc và Bà Rịa - Vũng Tàu. 

"Sức cầu chung toàn thị trường ở mức thấp, chưa có nhiều dấu hiệu tích cực để có những thay đổi đột biến. Giao dịch tập trung ở những dự án mới mở bán, được phát triển bởi chủ đầu tư lớn, uy tín và đã xây dựng được hệ sinh thái. 

Mô hình khu nghỉ dưỡng phức hợp (Integrated Resort) tiếp tục nhận được nhiều sự quan tâm của khách hàng. Loại hình nhà phố/shophouse trong những khu nghỉ dưỡng tích hợp được thị trường đón nhận khá tốt và sẽ tiếp tục là điểm sáng của thị trường BĐS nghỉ dưỡng trong năm 2022. Xu hướng dịch chuyển sang chương trình ủy thác cho thuê theo dạng chia sẻ lợi nhuận tiếp tục được nhiều chủ đầu tư áp dụng. Khách hàng kỳ vọng và gửi niềm tin vào thương hiệu quản lý vận hành quốc tế 5 sao hơn là chương trình cam kết lợi nhuận", DKRA Vietnam dự báo.